Con chị nghe lời rủ của bạn gái thân học cùng lớp. Bố cô bé đi làm ăn xa, mẹ thì bận bịu và hay cáu gắt, hễ em có gì sai thì la mắng. Em thấy mình như người thừa, và nghĩ chắc là ba mẹ không cần đến mình. Còn con chị lại có nỗi niềm khác. Lo chăm bẵm cậu con trai cá tính và chuẩn bị bước qua những kỳ thi quan trọng, chị vô tình quên mất việc dành thời gian cho con gái. Thế là cô bé mặc cảm, nghĩ rằng ba mẹ thương anh hơn vì anh là con trai, còn mình là con gái. Những suy nghĩ bồng bột không có điều kiện thổ lộ khiến hai cô bé bàn chuyện tự tử. May mà sự việc đã kịp được phát hiện.
Kể câu chuyện đáng sợ ấy, chị khuyên những người làm cha, làm mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn cho con, không chỉ việc ăn, mặc và học. Trẻ còn có nhu cầu chia sẻ tình cảm, những rắc rối riêng của chúng mà đôi khi người lớn cứ tưởng là chuyện nhỏ, cần có người lắng nghe, khơi gợi, khuyên ngăn và chia sẻ.
Một cô giáo dạy công dân ở một trường trung học phổ thông kể, một hôm, đang nửa đêm thì diện thoại đổ chuông liên hồi. Một học trò gọi cho chị với những tiếng khóc nấc. Cậu bị cả nhà hoài nghi lấy trộm tiền của bố mẹ. Em bảo muốn bỏ nhà đi hoặc là chết để chứng minh cho cả nhà thấy em không phải là đứa ăn cắp. May thay, cậu bé đã thổ lộ nỗi oan ức ấy với cô giáo.
Nhiều năm đi dạy, chị đã nghe rất nhiều cuộc điện thoại vào đêm khuya của học trò. Những cuộc điện thoại làm chị thót tim, chỉ sợ các em lỡ dại. Chị bảo, ở lứa tuổi học trò, các em có vô vàn những vấn đề trong cuộc sống liên quan đến học hành, gia đình, bạn bè nhưng không phải bao giờ cũng có ai đó đề chia sẻ, khuyên răn, chỉ bảo. Lứa tuổi mới lớn, tâm hồn các em rất nhạy cảm, dễ tổn thương và dễ ngộ nhận. Đôi khi chỉ một chút nông nổi, bồng bột, hiểu nhầm nhưng nếu không kịp thời được thổ lộ, được lắng nghe, chia sẻ... thì có thể đẩy các em đi rất xa, đôi khi không kịp để quay về...
Thu Hà