ClockThứ Sáu, 30/08/2024 06:32

Lắng nghe để đồng hành tốt hơn với doanh nghiệp

TTH - Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) đang và sẽ tập trung thực hiện sứ mệnh phụng sự doanh nghiệp (DN) như nhiệm vụ được UBND tỉnh giao... là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm khi trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế.

Truy xuất nguồn gốc nâng tầm giá trị sản phẩmĐề xuất bổ sung mô hình văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhânKinh tế xanh Huế – nâng cao nhận thức doanh nghiệp, người dân

Tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, trực thuộc UBND tỉnh. Trung tâm được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế trực thuộc UBND tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công thương. Trên cơ sở đó, ngày 20/5/2024, UBND tỉnh đã có quyết định điều chuyển nhân sự làm việc tại Trung tâm.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh 

Trung tâm mới thành lập hơn 3 tháng, trong thời gian đầu vận hành, hẳn là có không ít khó khăn?

Ban đầu vận hành, Trung tâm nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương liên quan trong quá trình mới đi vào hoạt động.

Trung tâm mới thành lập trên cơ sở tổ chức lại 3 đơn vị, nhân sự đông (gần 40 viên chức và người lao động) phân bổ đồng đều ở mọi lứa tuổi, đa số đều có kinh nghiệm nhất định trong công tác chuyên môn. Quá trình công tác trước đây đều cơ bản xây dựng được mối quan hệ công tác với các sở, ngành, địa phương nên khá thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ của đơn vị mới.

Dù vậy, Trung tâm vẫn chưa được bố trí trụ sở làm việc chính thức. Các phòng chuyên môn tạm thời đang phân tán tại các trụ sở của các đơn vị cũ. Vì vậy, việc điều hành, chỉ đạo trực tiếp đối với các phòng, chuyên viên còn nhiều bất cập, điều kiện làm việc chưa được đồng bộ giữa các phòng, tài liệu lưu trữ chưa nhất quán, tập trung.

Trung tâm là đơn vị mới thành lập, việc phối hợp thông tin giữa các sở, ngành, địa phương liên quan chưa được nhịp nhàng, đồng bộ đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ một số công việc chuyên môn của Trung tâm.

Trên cơ sở quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được UBND tỉnh phân công, Trung tâm có những chiến lược gì cho hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ DN?

Trung tâm có 4 chức năng chính, bao gồm: Xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến công, tư vấn, hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, với tôn chỉ “phụng sự DN”, Trung tâm đã có những định hướng cụ thể đối với từng hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công và hỗ trợ DN.

Thời gian này, Trung tâm đang xây dựng quy chế phối hợp giữa Trung tâm với các sở, ban, ngành và các địa phương trong công tác xúc tiến đầu tư; xúc tiến thương mại; khuyến công và hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm sẽ thực hiện các nhiệm vụ này như thế nào, nhất là trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thưa bà?

Bên cạnh việc vận động và thu hút các DN trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh và DN trong tỉnh đầu tư ra nước ngoài, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, Trung tâm thực hiện các chương trình truyền thông về môi trường đầu tư của tỉnh; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI).

Trung tâm cũng xây dựng, tổ chức quản lý, vận hành hệ thống cổng thông tin điện tử tích hợp, thể hiện đầy đủ các thông tin về quy hoạch; danh mục dự án thu hút đầu tư; bản đồ số hóa về các dự án kêu gọi đầu tư; biên soạn, phát hành bản tin giấy, bản tin điện tử và các ấn phẩm liên quan đến hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến công và một số nội dung liên quan khác bằng nhiều thứ tiếng.

Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng và phát triển mạng lưới các đầu mối xúc tiến đầu tư nhằm khai thác các quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh với các thành phố, quốc gia trên thế giới để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào Thừa Thiên Huế và đầu tư ra nước ngoài.

Tại buổi lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã nhấn mạnh vai trò cầu nối hỗ trợ DN là nhiệm vụ quan trọng mà Trung tâm phải thực hiện. Vậy nhiệm vụ này được Trung tâm thực hiện ra sao?

Với nhiệm vụ chính là góp phần thực hiện đúng sứ mệnh “phụng sự DN”, Trung tâm sẽ tập trung cao nhất cho nhiệm vụ làm đầu mối tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, lắng nghe DN để có thể đồng hành tốt nhất với họ. Qua đó, Trung tâm sẽ kiến nghị với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ là đầu mối hỗ trợ triển khai dự án, nghiên cứu đầu tư; đồng hành thực hiện các thủ tục hành chính cho các dự án ngoài ngân sách trên địa bàn. Trước mắt, Trung tâm tập trung lấy ý kiến của DN, tổng hợp các khó khăn của DN theo từng tháng để kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.

Để làm tốt nhiệm vụ đó, điều Trung tâm mong muốn nhất là gì?

Nhiệm vụ của Trung tâm liên quan đến rất nhiều sở, ngành. Vì thế, Trung tâm rất mong muốn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ các đơn vị để cùng thực hiện tốt nhất mục tiêu mà tỉnh hướng tới là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thân thiện, tạo được cú hích trong phát triển kinh tế. Ngoài ra, Trung tâm cũng mong muốn nhận được sự chia sẻ, góp ý từ cộng đồng DN để đồng hành tốt nhất với DN trong chặng đường nghiên cứu, đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

Xin cảm ơn bà!

Hoàng Loan (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín dụng đồng hành cùng người dân

Việc tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều người trên địa bàn huyện Quảng Điền phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tín dụng đồng hành cùng người dân
Xúc tiến thương mại: Giúp doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với khách hàng

Sự đồng hành của các nhà phân phối sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Doanh nghiệp có thể tận dụng mạng lưới khách hàng đối tác để gia tăng doanh số và quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận.

Xúc tiến thương mại Giúp doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với khách hàng

TIN MỚI

Return to top