ClockThứ Ba, 25/06/2019 09:48

Thương...

TTH - Xế chiều, vợ chồng tôi ghé thăm nhà ông. Đường ven sông vắng. Nắng đến nỗi đứng luôn cả gió. Huế đang trong những ngày nóng nhất. Chừng như mọi thứ đều khô kháp đi.

Trưởng thành

Tôi vẫn thường chào ông khi gặp ở đầu ngõ. Ông bà chuyển về đấy, cùng với vợ chồng hai đứa con và mấy đứa cháu. Căn nhà trọ vốn dành cho sinh viên, chật hẹp, nhưng có vẻ không là vấn đề gì với người đã quen lam lũ. Mà kể từ khi có những người khách mới, khoảng sân nhỏ đã trở nên chộn rộn hơn. Nó làm góc không gian đó trở nên vui vẻ hơn với những chiếc ghế luôn được đặt trước hiên nhà, tíu tít tiếng con trẻ và giọng ông, giọng bà…

Nhà ông ở tít trong một con ngõ sâu, quá chợ Thủy Bằng một đỗi. Con đường cũng đã khác thời gian trước, khi mà tôi còn lọ mọ đi tác nghiệp khắp chốn. Giờ thì nơi này đã nhiều nhà xây hơn, dù vẫn còn những vườn bưởi, thanh trà đang mùa nuôi quả. Những dãy chè tàu xanh ngắt quãng. Đôi chỗ bụi mù lên vì đường bằng bê tông vẫn chưa về đến. Cuối con đường ấy, là nơi chúng tôi dừng lại.

Ông kể, xây được ngôi nhà này gần chục năm rồi, đến giờ vẫn chưa sơn được. Vài ngày nữa, tranh thủ lúc giao xe phở lại cho hai đứa con đứng bán, ông sẽ trở lên để dựng cái mái hiên, dọn lại con đường vào nhà. “Việc ni mền (mình) phải lo thôi – ông nói – vợ chồng đứa con trai đầu của tui đang ở, nhưng tụi hắn còn cực, suốt ngày lụi cụi soi trầm cho người ta cũng mới chỉ lo đủ ăn cho hai đứa nhỏ. Mà mền còn lo được chi thì lo, không phải không mong con cháu đỡ đần nhưng nhìn con cháu rứa, ai nỡ…”

Tôi nghe sự bao dung trong giọng ông. Phần vì câu chuyện trước đó trên xe ông kể, nghe nhiều điều thấy thương. 16 năm ông bà bám vào xe phở, kiếm một chỗ bên lề đường làm kế sinh nhai và nuôi 6 đứa con “ra ràng”. Ngay cả chuyện về xóm tôi thuê chỗ trọ, không phải ông bà lo cho mình nữa mà để có thêm thu nhập hàng ngày lo cho hai đứa con, một trai một gái và cả mấy đứa cháu. Ông kể hôm qua được khách, xong hàng lúc 9h30 và được về nghỉ sớm. Hỏi, ông nói ngày mô cũng bán chừng trên 200 tô phở, kiếm chừng 500 ngàn đồng. Hỏi sao ông không bán thêm ít nữa, ông bảo chừng nớ là đủ rồi. Về nghỉ ngơi rồi lo cho ngày tiếp. “Tui nói thiệt với cô, bán thêm cũng được, bán đắt một chút cũng được, nhưng như rứa không bền lâu. Vợ chồng tui giữ nguyên giá, nguyên chất và mang đến sự hài lòng cho người ta nhất. Lấy số nhiều làm lãi, ít mà bền lâu cô à… Khách giờ cũng đã quen mặt, quen chỗ và quen vị”.

Trong câu chuyện nhẩn nha lúc đó, ông kể đã “sắm” được một mảnh đất mạn Hương Sơ cho con trai thứ. Ông bà cũng cho luôn 300 triệu đồng cho cậu trai khi dựng nhà. Cậu con trai cả thì cứ ở cái nhà trên Thủy Bằng. Giấy tờ ông vẫn giữ. Khi mô về với ông mệ rồi “hay chắc”. “Thương con chớ cô, nhưng mình phải làm răng để tụi hắn biết lo, biết thân biết phận và sống có trách nhiệm”.

Tôi nhớ điều ông vừa nói, và thấy thương đến tần ngần khi nhìn cách mà người đàn ông hơn 65 tuổi cúi xuống, khơi lại đám củi cho lửa bùng lên dưới xe phở. Hai chữ trách nhiệm nghe nặng vậy mà có khi lại nhẹ hều trong một cử chỉ, dài đến hàng năm.

Ngân Hạnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kịp thời cứu 3 người bị đuối nước

Ngày 21/11, Thượng tá Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng Công an huyện Quảng Điền cho biết, lực lượng Công an huyện đã kịp thời ứng cứu 3 người trong 1 gia đình bị đuối nước tại xã Quảng Vinh.

Kịp thời cứu 3 người bị đuối nước
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình

Nhờ những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai đồng bộ và tích cực, số vụ bạo lực ngày càng giảm. Việc hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình được tiến hành kịp thời.

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình
Hoàng hôn chợ làng

Nói đến ông già Chơn bán chiếu ở chợ Bà Sửu, người ta nhắc ngay tới con Cộc. Cộc là con chó bị người ta vứt ở đống rác phía sau chợ làng, ông Chơn nhặt về nuôi lúc nó mới vài ngày tuổi, còn chưa mở mắt. Nghe đâu tình cờ gặp bữa chiếu ế chẳng bán được chiếc nào, ông gánh đi quanh, rao khản cả tiếng cũng chẳng ai mua. Vừa mệt vừa rã hai cái cẳng, ông quảy cái gánh ra về.

Hoàng hôn chợ làng
Bên ngoài ô cửa có mây bay

Cơn đau bất ngờ ập đến khiến cả người Trúc toát hết mồ hôi lạnh. Cô đưa tay giật chiếc khăn trùm vướng víu trên đầu. Từng giọt mồ hôi túa ra như hạt đậu trên chiếc đầu không còn một sợi tóc của Trúc.

Bên ngoài ô cửa có mây bay
Return to top