ClockThứ Bảy, 09/03/2019 12:28

Trưởng thành

Chờ những yêu thương

Từ ngày công ty nhận được ít việc làm, con trai chị là kỹ sư có ý định nghỉ hẳn để cùng với người bạn hùn vốn mở nhà hàng kinh doanh. Chị không yên tâm. Dù sao làm việc nhà nước vẫn ổn định hơn. Khi nghỉ hưu có lương, đỡ phải lo nhưng nó nhất quyết bỏ việc. Chị nhờ người thân xin chuyển chỗ làm việc cho con. Chiều mẹ, con trai đến nhận việc ở một trường dạy nghề. Ngày hôm sau, cháu bảo với mẹ: “Con thấy học sinh ít, phần dạy không đúng chuyên ngành của con. Con không làm việc ở đó nữa”! Chị lại xin chỗ khác. Lần này thì đúng ngành cháu được đào tạo. Cháu cũng đến phỏng vấn, nhưng cố tình trả lời sai để trượt! Chị đành bất đắc dĩ để con trai tự lập nghiệp kinh doanh.

Nó mới 27 tuổi. Chồng mất, chị là giáo viên, chẳng biết kinh doanh buôn bán gì nên không thể giúp con được. Vừa lo lắng, vừa thương con phải tự mình bươn chải, vất vả. Chị biết, khi chồng chị còn sống, con trai chẳng phải lo nghĩ gì. Giờ ba mất, nó trở thành trụ cột gia đình. Lo kiếm tiền phụ thêm giúp mẹ. Kinh doanh không phải dễ. Nào là tiếp thị, quảng cáo, giải quyết “đầu vào”, “đầu ra”, lo trả tiền cho nhân viên. Nhìn con trai suốt ngày lo công việc, đêm về tính toán, chị xót xa. 

Tuổi trẻ giờ đã khác xa thời chị ngày xưa. Năng động, sáng tạo và có chút liều lĩnh. Biết tính toán nên con trai có thu nhập tạm ổn và có điều kiện báo hiếu với mẹ. Năm đầu tiên, kinh doanh thành công, con sắm sửa cho chị đủ thứ. Từ các tiện nghi trong gia đình, đến máy di động khá sang trọng. Thuốc bổ, áo quần, giày dép đẹp. Quà cho cả ông ngoại, các dì, các o của cháu. Khi ba chị bị ốm nặng, nằm bệnh viện ba tháng, anh em trong gia đình chị thay nhau túc trực 24/24 giờ chăm sóc cụ. Con trai tình nguyện trực buổi trưa để chăm ông ngoại. Cháu  bảo: “Đó là giờ căng thẳng nhất trong ngày, các dì, các cậu và mẹ lớn tuổi rồi, không trụ được lâu, để con trực”. Chị cảm động vô cùng. Con trai chững chạc hẳn lên. Kinh doanh có tiền, lại sống hiếu thảo. Thấy con kiếm tiền khá nhanh, chị lại lo. Không biết nó có làm gì không hợp pháp? Thỉnh thoảng chị lại nhắc nhở: “Con luôn ghi nhớ, ông nội là liệt sĩ, ba con từng đi tù Côn Đảo nhé. Làm gì cũng phải xứng đáng với sự hy sinh của ông, cha”.

Hôm ba chị ra viện, nhìn con trai chở ông ngoại trên chiếc xe ô tô cháu mới mua sau 5 năm làm việc bằng sức lao động của mình, chị rưng rưng! Giờ chị không còn cảm giác ngại ngùng khi ngồi cùng bạn bè, nói chuyện về việc làm của con cái. Chị cảm thấy tự hào khi con trai chị trưởng thành, đúng đắn trong quyết định lựa chọn công việc của mình.

ĐINH HOÀNG XUÂN HỒNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top