Kết nối là tiền đề quan trọng để trẻ phát triển EQ. Ảnh: NVCC
Thiết thực
Thay vì chỉ tập trung phát triển IQ (chỉ số thông minh của não bộ con người) cho trẻ như trước đây, ngày càng có nhiều phụ huynh chú trọng hơn về việc cân đối cả hai chỉ số IQ và EQ. Khác với IQ, EQ là khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ. Bởi thế, người EQ cao thường chịu được áp lực, bình tĩnh hơn trước mọi tình huống, biết tiết chế cảm xúc của bản thân và dễ cảm thông với người khác.
Để giúp con phát triển EQ, vai trò của các bậc cha mẹ vô cùng quan trọng. Cha mẹ là người gần gũi nhất, có thể cùng con vui chơi, học tập, lắng nghe mọi xúc cảm, suy nghĩ và mong muốn của con khi còn thơ bé. Họ cũng có thể chỉ dạy cho con những điều hay, lẽ phải, hướng các bé phát triển trí tuệ cảm xúc theo cách thấu đáo nhất.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay, đó là khi phụ huynh bận rộn với guồng quay của cuộc sống, những nhu cầu về phát triển EQ của các bé cũng không được đáp ứng một cách trọn vẹn. Tôn Thất Minh Thông chia sẻ: “Khi phụ huynh thiếu sự quan tâm, đồng hành, các bé dần mất đi sự kết nối, thậm chí dành nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ nên vô tình bỏ quên việc giao tiếp, chuyện trò, vui chơi một cách đúng nghĩa. Đó chính là lý do “Lớp học sáng tạo” ra đời, trở thành nơi kết nối các mối quan hệ, giúp bé phát triển và quản lý trí tuệ cảm xúc một cách hiệu quả hơn”.
Để rèn luyện những đức tính này, các bạn nhỏ sẽ trải qua 5 phần trong mỗi buổi học. Không hề tách bạch, bởi mỗi phần như vòng tròn chia sẻ, rèn luyện năng lực cảm xúc xã hội, điệu nhảy sắc màu, trò chơi và phút tĩnh lặng đều có sự tương hỗ lẫn nhau. Qua mỗi bài học, các bé sẽ có sự kết nối với nhau, kết nối với phụ huynh, với giáo viên hướng dẫn và đặc biệt là kết nối với những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Từ đó, các bé sẽ biết cách điều chỉnh sao cho hợp lý nhất cũng như bộc lộ và sẻ chia những cảm xúc của bản thân.
Kết nối cùng con
Đại diện lớp học phân tích: “Với “Vòng tròn chia sẻ”, các bé sẽ lặng yên và lắng nghe những chia sẻ của từng bạn trong vòng tròn, cũng như chia sẻ những câu chuyện của bản thân (quy tắc bất di bất dịch của vòng tròn chia sẻ là tin tưởng lẫn nhau, mỗi câu chuyện đều dừng lại trong phạm vi của vòng tròn). Đó có thể là mẩu chuyện vui, buồn hoặc phút bối rối mà trong chúng ta, hẳn ai cũng đã đều gặp phải. Chỉ khác, trong “Vòng tròn chia sẻ”, những cảm xúc của các bé trong độ tuổi từ 6 - 11 ấy sẽ được lắng nghe và thấu hiểu một cách tròn vẹn”.
Tôn Thất Minh Thông nói: “Vòng tròn chia sẻ sẽ tạo nên sự tin tưởng ngay từ ban đầu, giúp các bé mở lòng và giãi bày câu chuyện của mình”. Không chỉ rèn luyện tính kiên nhẫn mà còn rèn sự thấu cảm cũng như trở thành nơi mà các bé có thể là chính mình với tình bạn, tình thầy trò được tin tưởng tuyệt đối”.
Chị Nguyễn Kim Hồ Điệp, một phụ huynh bộc bạch: “Mình đã chọn lựa đúng khi cho con tham gia khóa rèn luyện các kỹ năng của lớp. Bé con của mình chủ động giục mẹ chở đến trung tâm sớm hơn để được gặp các bạn và giáo viên lớp học. Cháu tâm sự, các thầy cô đã giúp cháu bộc bạch các suy nghĩ thành lời chia sẻ với mẹ, bạn bè và thầy cô. Cháu tham gia hăng say và ngày càng mở lòng với tôi hơn, hòa đồng với bạn bè, tôi vui mừng lắm”.
Ngoài ra, các em sẽ được rèn luyện và thực hành năng lực cảm xúc xã hội, điệu nhảy sắc màu, các trò chơi vận động vui nhộn hay hoạt động phút tĩnh lặng. Không gò bó hay áp đặt, những kỹ năng ấy sẽ được chuyển tải một cách thú vị thông qua các mô hình trực quan, ca khúc, động tác để các bé nhận biết, nhận diện được cảm xúc một cách hào hứng nhất. Bé Vĩnh Thịnh, 10 tuổi, học viên “Lớp học sáng tạo nói”: “Lớp học là hoạt động yêu thích và đáng nhớ trong cuộc đời của con. Con rất mong chờ để có thể tham gia lớp học nhiều lần hơn nữa”.
Ngoài các khóa học cố định, “Lớp học sáng tạo” còn tổ chức những workshop cùng con khôn lớn. Đây là một hoạt động miễn phí định kỳ hàng tháng với mục đích dựng xây cầu nối giữa các thành viên trong gia đình, giúp phụ huynh hiểu và đồng hành cùng con nhiều hơn trên hành trình giáo dục. Không chỉ rèn luyện năng lực cảm xúc xã hội cho các bé, “Lớp học sáng tạo” sẽ là một trong những sự lựa chọn khi xây dựng sự kết nối giữa các bé và phụ huynh, các bé và các bạn cùng những người xung quanh, từ đó tạo tiền đề để trẻ phát triển chỉ số EQ.
MAI HUẾ