Vừa kết thúc năm học, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TX. Hương Trà tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về phòng, tránh tai nạn thương tích trẻ em cho gần 500 em học sinh của các trường trên địa bàn. Theo đại diện lãnh đạo Phòng LĐTB&XH TX. Hương Trà, cũng như những địa phương khác, cứ mỗi dịp hè đến, nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, trong đó tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh chiếm cao nhất và thường tăng cao vào dịp này. Vì thế, các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng và bảo vệ trẻ em, học sinh về phòng, tránh tai nạn thương tích. Qua lớp tập huấn, các em được trang bị kiến thức về nhận biết nguyên nhân đuối nước và kỹ năng cứu đuối, kỹ thuật bơi tự cứu, các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước; kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông; những tai nạn thương tích thường gặp trong cuộc sống...
Trang bị kỹ năng, kiến thức giúp trẻ ứng phó và phòng tránh các tai nạn thương tích trong cuộc sống
Tình trạng trẻ em bị xâm hại cũng đang là vấn đề đáng báo động. Trong một con số thống kê gần đây trên toàn quốc, trung bình một ngày có 7 trẻ em bị xâm hại, trong một năm có 38 trẻ bị tử vong, 133 trẻ bị thương tích, 84 trẻ mang thai... Để việc phòng, tránh đạt hiệu quả cao, thời gian qua, ở Thừa thiên Huế, việc giáo dục giới tính cho trẻ đã được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm. Ngành giáo dục - đào tạo tiếp tục duy trì hoạt động, như tổ chức tư vấn tâm lý học đường, tăng cường giao tiếp giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh để kịp thời nắm bắt những biểu hiện, thông tin về nguy cơ mất an toàn trong môi trường học đường.
Việc giáo dục giới tính không phải ngày một, ngày hai mà cả quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, nên vai trò của phụ huynh, gia đình trong việc quan tâm, theo sát, hướng dẫn cho các em cách tự bảo vệ, chăm sóc và phòng tránh bị xâm hại là vô cùng quan trọng. Tất nhiên, để trang bị kiến thức giáo dục giới tính cho con đầy đủ, rõ ràng, cha mẹ cũng cần tìm hiểu, trang bị cho bản thân những kiến thức về các vấn đề liên quan đến giáo dục giới tính để giải đáp, hướng dẫn trẻ sinh hoạt, ứng xử phù hợp với giới và sống lành mạnh.
Ngoài những nguy cơ thương tích thường xảy ra đối với trẻ em do đuối nước, tai nạn giao thông, bị xâm hại, bạo hành..., những năm gần đây, khi công nghệ số bùng nổ đã xuất hiện tình trạng trẻ em nghiện máy tính, smartphone, nghiện game... làm ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý, thậm chí đến sự hình thành nhân cách.
Không phủ nhận mặt tích cực của công nghệ số trong việc giúp trẻ nhanh chóng tiếp nhận thông tin, tăng kiến thức, nâng cao sự hiểu biết, tư duy, từ đó nhanh chóng thích ứng với nhịp sống hiện đại. Song, mặt trái là khi trẻ sử dụng công nghệ số quá sớm, tần suất cao sẽ hình thành quán tính giao tiếp với "thế giới ảo" dẫn đến giảm kỹ năng giao tiếp, phản biện hoặc sáng tạo cũng như khả năng thích nghi trong thế giới thực.
Thời đại công nghệ 4.0 thì việc cấm trẻ tiếp xúc thiết bị số là điều không thể. Vì thế, phụ huynh cần biết cách, khéo léo để hướng dẫn trẻ sử dụng với tần suất vừa đủ phục vụ học tập và vui chơi giải trí chứ không lạm dụng; đồng thời quản lý nội dung thông tin, trò chơi… bổ ích, tích cực để bảo vệ con trẻ trước những mặt trái của thời đại công nghệ số.
Bài, ảnh: Song Minh