Đối với một người sống hoài trong mưa, thì cảnh này cũng không lấy gì làm lạ nên mắt cứ thao láo ngó ra chòm cây vẫy vẫy trước cửa nhà, mưa chắc ngán ngẩm mà lôi cái thắc mắc trôi tuột đằng sau xa tít.
Mấy bữa nay chắc bận, nên mẹ đi làm miết, ba tranh thủ kéo dài vài đợt tụ tập với bạn. Ba bà cháu ở nhà nhưng lại thuộc ba thế hệ nên những cuộc đối thoại cũng vì thế mà ngắn dần. Vắng mẹ, không ai mớm cho tôi về những câu chuyện có nội dung, có thể diễn đạt thành lời văn được nữa. Con gái thấy mình thật thảm hại, vì trót lỡ đem hết các suy nghĩ trong đầu gửi vào nhiệt huyết của tháng đầu tiên đi làm. Đặng bữa mấy đồng nghiệp tâm sự với nhau, anh cùng phòng khuyên em nên đi đây đi đó, chí ít cũng có cái thu vào người. Tôi nghe liền, thực hiện ngay nhưng cũng chỉ loanh quanh được trong thành phố mình ở, bởi cái tật say xe mãi không bỏ được. Lại ngặt nỗi, 21 năm đi học suốt ngày về sớm nên giờ ra khỏi nhà hơi muộn là có người thương nhớ gọi về ngay. Mấy ý tưởng cứ loanh quanh trước cửa nhà, sau thưa dần rồi biến mất hẳn.
Hồi người ta bảo sách cũng là một chuyến đi dài, đã mất rất lâu để tôi đọc hết cuốn tập ba dúi vào tay từ năm trước. Dù không tự hào gì nhưng cũng phải công nhận, cái khiếu đọc sách của hai đấng sinh thành chẳng vin vào con mình chút nào. Mà phải nói thật, từ đợt mấy hãng điện thoại lên đời liên tục, là dáng hình của mấy cuốn tập dày cả trăm trang in tên “nhà xuất bản...” cũng dần ít lại. Hoặc có thể họ vẫn ra sách đều đều, nhưng đã không còn nhiều cảnh người trẻ ngồi lật lật từng trang và cười khúc khích nữa. Ừ thì là mình còn trẻ và chơi với người trẻ, nên họa chăng đó là tất cả những gì tôi đúc kết được. Những người mới lớn vẫn gặp gỡ hằng ngày, mà để kể cho nhau nghe về cái sự đẹp trai, đẹp gái, hoặc trận đấu xuyên đêm giữa các game thủ trên mạng. Đâu đó trong cuộc vui, còn trộn lẫn cả những lời thô tục và điệu cười khanh khách lớn.
Tôi hồi xưa cũng vậy, cứ bạn rủ là dối mẹ đi học, để đến liền và mới tháng trước đây thôi còn gật gù: “học 16 năm là quá đủ” với đứa bạn. Dù không rõ đi làm và đọc sách có làm mình lớn hơn không nhưng chợt thấy bản thân không còn đam mê loại chuyện trò dài hơi ấy nữa. Trong cuốn sách ngày qua đọc được, không có bóng dáng của mấy người dong dỏng cao, cũng chẳng thấy đèn bar xập xình mà toàn chuyện kể về Trung Đông, Mỹ, Nhật, hay gần hơn là chuyện con cá kèo người ta làm lẩu. Họ hay hỏi người đọc về “sứ mệnh của bạn là gì”, hay “bạn là người hào sảng hay ích kỷ”, cùng hàng vạn câu hỏi tuy không nói ra thành lời, mà làm người ta chênh vênh dữ quá.
Ngày bạn tôi chỉ: mày nên mua áo này, quần kia thì trang sách đã âm thầm gửi cho “khách của họ” vài tên của những nhà tiểu thuyết lớn, và gần hơn hết cả bày cả việc chấm câu thế nào để ra dáng người có học. Tất cả đều là dạy, nhưng rõ ràng toàn kể chuyện cho nhau nghe. Lúc ngẫm hết xong, tôi rõ vì sao người ta có quyền phô trương, có Tony De Villa, kinh qua 38 kiểu người trên đời bằng một cái chớp mắt từ rất sớm. Không cao xa gì cả, vì họ có cả một tủ sách dày bên mình. Tôi cũng có, chỉ khác nhau họ sử dụng mỗi ngày và đọc với trà thơm, còn mình cùng vài... trăm người nữa thì kè kè bên ly bia và cái màn hình nghe gọi.
Để mà kể cho đúng, thì người lớn hẳn là hợp với khiếu này hơn. Vì “trẻ con” đâu có kiên nhẫn đủ. Tôi không trách mình quá nhiều, chỉ là thấy cảm ơn vì đã bắt đầu, dù hơn muộn. Khi trang đầu tiên có list 7 điều để an nhàn giàu có, bản thân đã tự tích được vào mục 1, là tạo cho mình một thói quen rồi.
Hani