Trưởng thôn Đông Đỗ (Phú Hồ, Phú Vang) hướng dẫn bà con nhận quà
Ngày 14/10, thông qua quỹ của nhóm Giữ chút gì cho Huế và nhà văn Trần Hương Giang, chúng tôi đưa 180 thùng mì tôm cứu trợ xã Quảng Phước (Quảng Điền). Nước đang rút nhưng còn ngập nửa bánh xe, vì thế đến được trụ sở xã cũng đã gần 12 giờ. Trong trụ sở, bà con trú lụt đã về hết, còn sót lại cụ Nguyễn Trương, 80 tuổi, chưa về do nhà còn ngập nước, đang ngồi với chú Châu - Trưởng thôn Hà Đồ, lúc đó còn ở lại đón chúng tôi.
Chú Châu cho biết: “Hai hôm nay, nhiều nhà đã hiếm cái ăn, có tiền cũng không có mì tôm để mua. Ngay bây giờ chúng tôi sẽ đưa ngay số mì này về cho bà con". Nói xong, chú điều thanh niên bốc mì tôm lên ghe chở đi luôn. Cách chú Châu cư xử làm tôi ấm lòng, chờ đoàn cứu trợ đến phút chót và sốt sắng đưa hàng đến với người dân đang cần ngay.
Đầu giờ chiều hôm đó, Hội VHNT tỉnh Hải Dương nhờ cứu trợ 100 thùng mì tôm. Xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) vẫn ngập sâu xe không về được. Lãnh đạo xã đã cử chị Nhật, Phó Bí thư Đảng uỷ xã đứng trực ở Km9 cách làng 3km nhận hàng cứu trợ, rồi nhắn các trưởng thôn gần đó chèo ghe lên bốc hàng chở về các xóm ngập sâu. Cái dáng người phụ nữ nhỏ nhắn giữa cánh đồng nước cô quạnh khiến nhiều người chúng tôi cảm động.
Ngày 16/10, chúng tôi đưa 300 thùng mì tôm và 7 tạ gạo đi các xã ngập sâu ở Phong Điền. Điểm đầu tiên là thôn Hiền Lương xã Phong Hiền. Tôi khen làng đẹp, Trưởng thôn Trần Sỹ Ngọc cười: “Làng đẹp mà lụt không đẹp anh ơi!”. Rồi méc: “Làng có 2 xóm Siêu Quần và An Hội ngập cực nặng, lút đầu lút cổ. Trên 100 con heo trôi, vài ngàn gà vịt trôi. Lúa ướt hết rồi anh nợ, chừ có chi ăn mô”. Ông kéo một mệ già đứng gần đó: “Nhà mệ Thí đây, có con heo nái trôi luôn rồi”. Tôi nhìn mệ Thí, gương mặt gầy gò vương nỗi buồn xanh tái. Lụt vào, làng trôi hết, may còn người không trôi, nhưng ở lại với muôn vàn khó khăn. Trưởng thôn Sỹ Ngọc đọc danh sách mời bà con lần lượt nhận hàng. Nhìn dáng dấp gần gũi, cách ăn nói dân dã, cách tổ chức gọn gàng của trưởng thôn, lòng cảm thấy bình yên.
Buổi chiều chúng tôi đến xóm Hóp, thôn Phò Trạch xã Phong Bình. Nước còn ngập sâu nên xe 4 chỗ phải quay lại. Đoàn leo xe tải đi tiếp. Xe bò chậm chậm quanh đường làng nước đang tràn ào ào. Nhà cộng đồng của thôn chật kín người. Trưởng thôn là ông Nam thay mặt bà con cảm ơn đoàn rồi đứng ra phân phát hàng ngay cho bà con. Xóm tên Hóp vì trồng rất nhiều hóp, có 40 nóc nhà sống chân tình tối lửa tắt đèn có nhau.
Giữa chiều xe chạy qua xã Phong Chương. Nhiều xe cứu trợ đậu trên đường chuyển hàng. Trong trận mưa xối xả, anh Kính, cán bộ xã nói với tôi: "Anh xem lại, chia cho hai thôn Phú Lộc và Lương Mai với. Các đoàn tập trung cứu trợ cho Ma Nê nên các nơi còn lại chưa ai cho chi cả anh nờ”. Tôi đồng ý ngay, chuyển 40 thùng mì cho thôn Phú Lộc và 40 thùng khác cho Lương Mai. Trưởng thôn Phú Lộc chèo ghe từ trong thôn ra từ sớm để xin hàng cứu trợ cho bà con nghe vậy rất mừng. Ít nhất 40 nóc nhà của thôn Phú Lộc hôm nay mỗi nhà có 1 thùng mì. Lúc này mưa rất to, phụ bốc 40 thùng xuống ghe đi thôn Phú Lộc mà mưa tạt ướt hết. Trưởng thôn cũng ướt, nhưng nụ cười của anh rất tươi.
Ngày 22/10, chúng tôi cùng Quỹ Huế Hiếu học về Nam Thanh (Hương Trà) thì gặp một sân lúa mốc. Anh Vinh, trưởng thôn chỉ đống lúa: “Lụt ngập làm ướt lúa. Rồi lại mưa suốt hơn nửa tháng qua, chịu sao nổi, lúa mốc hết anh ạ”. Trưởng thôn Vinh là người rất sâu sát dân. Hôm trước nhờ xã xin danh sách bà con Nam Thanh, chỉ sau một giờ anh đã chuyển qua zalo cho tôi toàn bộ danh sách. Hôm đó chứng kiến anh điều hành phát quà, nhận ra đây là con người thạo việc và có tâm.
Ngày cuối tháng 10, chúng tôi chuyển 2 tấn gạo cho 4 thôn: Trung An, Đông Đỗ của xã Phú Hồ và Lê Xá Trung, Đông A của xã Phú Lương, huyện Phú Vang. Đường từ Huế về đến ngang đầu xã Thuỷ Thanh để về Phú Hồ vẫn còn ngập. Anh Chính, Trưởng thôn Trung An nghe điện thoại nói: “Các anh đứng đó, tui ra đón vô chừ”. Một lúc sau thì thấy anh chạy đến. Đường từ ngoài Thuỷ Thanh vào Phú Hồ khá xa. Nhiều đoạn ngập sâu. Phải nhờ anh Chính, đoàn mới vào đến với bà con Trung An được. Cũng như vậy mới biết người trưởng thôn này tận tình biết bao, và nhờ vậy đã giúp cho người dân nơi đây được nhiều.
Ở thôn Đông Đỗ, nước vẫn ngập trong các vườn nhà ven đường. Trưởng thôn Trương Viết Thạnh dáng tất bật. Các mệ nói thay anh Thạnh luôn: “Vài ba người ở ven đường còn tới đây nhận hàng cứu trợ, chứ còn lại ở trong xóm còn ngập chú ơi, không đi ra ngoài ni được mô. Chiều thanh niên họ đem vô cho”. Ở thôn Lê Xá Trung, anh Sau, 55 tuổi, trưởng thôn giọng át cả gió giữa đồng: “Thôn tui 58 hộ, mấy anh cho bà con mỗi nhà mỗi bì gạo 10 ký là quá gọn. Như rứa cho khỏi kiện, chứ bà con cứ la tui hoài”. Mấy mệ xung quanh vừa nhai trầu vừa nói: “La mô mà la, thương bắt chết chớ la chi hè”.
Ở thôn Đông A, Trưởng thôn Nguyễn Đức Việt mới ngoài 30 tuổi, người nhỏ con. Mấy ôn mấy mệ có vẻ thương Việt quá luôn: “Mấy bữa ni hắn chạy lui chạy tới lo cứu trợ cho dân mà rạc người đó”.
Gặp các trưởng thôn trên đường cứu trợ thấy họ rất tận tình và rất được dân thương. Phải đi mới gặp, mới thấy nhiều người tốt, chứ ngồi ở nhà nghe nói này nọ về trưởng thôn rồi hùa theo nói quá lên thì thiệt không hay chút mô hết…
Bài, ảnh: Hồ Đăng Thanh Ngọc