ClockThứ Hai, 06/11/2017 20:08

Tự nguyện cảnh giới đường ngang

TTH - Hoạt động từ 6 đến 18 giờ hàng ngày, chia thành nhiều tổ cảnh giới, tập trung vào các giờ cao điểm như thời gian tựu trường, tan trường của học sinh, các thời điểm có tàu chạy qua đường ngang... là công việc của 24 thành viên tham gia mô hình “Điểm cảnh giới đường ngang Cựu chiến binh – Khăn quàng đỏ tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt” do Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy quản lý.

Các thành viên tham gia mô hình thực hiện gác tàu giờ cao điểm

Tự nguyện

Để góp phần đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như người, phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn, ngày 30/9, UBND xã Thủy Phù ra mắt mô hình “Điểm cảnh giới đường ngang CCB– Khăn quàng đỏ tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt”. Mô hình có sự tham gia của hội viên Hội CCB xã và học sinh Trường THCS Thủy Phù, tổ chức hoạt động tại đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt ở thôn 5 của xã.

Ông Ngô Viết Mong, cán bộ hưu trí sinh sống tại thôn 5, một trong những thành viên chủ chốt của mô hình chia sẻ: “Đây là một trong những địa bàn có đường dân sinh giao nhau với đường sắt. Đoạn đường này mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại. Nhà tôi ở gần đây nên rất thấu hiểu nỗi khó khăn, lo sợ của người dân khi phải băng qua đường mà không có rào chắn hay đèn tín hiệu. Những năm qua, khu vực này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, vì vậy việc thành lập một mô hình đảm bảo an toàn đường sắt là rất cần thiết và cấp bách. Khi biết được trên địa bàn thành lập mô hình này chúng tôi vô cùng phấn khởi, anh em động viên nhau mỗi tuần nghỉ một ngày thay phiên gác tàu cho bà con và nhất là các cháu học sinh qua đường an toàn hơn”. Đây cũng là tâm sự của ông Lê Văn Giáo, Lê Năm...

Cờ, còi, áo và mũ là tất cả những gì ông Phan Viết Mong cũng như các thành viên được trang bị khi làm nhiệm vụ. Nghe những hồi tàu kéo dài từ đằng xa, ông Mong vội vã chuẩn bị mọi thứ rồi chạy ra phía đường sắt ngăn dòng người qua lại, làm hiệu đảm bảo an toàn cho đoàn tàu đi qua. Xong việc, ông lại trở về với công việc của mình.

Tiếng trống trường cất lên cũng là lúc các em học sinh Trường THCS Thủy Phù kết thúc một buổi học. Thật nhanh chóng, hai em Nguyễn Phúc và Võ Nguyễn Nhật Quang, học sinh lớp 9/1 đã có mặt tại điểm giao nhau với đường sắt. Nói về công việc gác tàu, các em hào hứng: “Mỗi ngày có hai học sinh khối 8 và hai học sinh khối 9 thay phiên nhau gác buổi sáng và chiều. Vì còn đi học nên chúng em chỉ có thể gác vào những lúc đầu giờ học và lúc tan trường. Được góp một chút sức nhỏ để giúp các bạn học sinh qua đường an toàn hơn nên chúng em rất vui”.

Yên tâm

Em Lê Thị Kiều Oanh, học sinh lớp 7/5, Trường THCS Thủy Phù kể: “Trước đây, em thường xuyên đi qua đoạn đường này nhưng không hề có một thiết bị nào báo hiệu sắp có tàu đi qua. Từ ngày có mô hình này em rất yên tâm, lúc nào đi qua cũng có các bác CCB hoặc các anh chị gác đường nên không còn lo sợ như trước. Em hy vọng sẽ có thêm nhiều những mô hình như vậy để giảm thiểu tai nạn đường sắt”.

Ông Huỳnh Sĩ, Chủ tịch Hội CCB xã Thủy Phù chia sẻ, an toàn giao thông (ATGT) tại những đoạn đường giao nhau với đường sắt là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua. Mô hình "Điểm cảnh giới đường ngang CCB – Khăn quàng đỏ tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt" được thành lập với mục đích giúp người dân an tâm hơn khi tham gia giao thông trên đoạn đường này. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành quy định bảo đảm ATGT đường sắt; kiềm chế đến mức thấp nhất các hoạt động vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn.

Chia sẻ về những khó khăn, các anh Lê Kim Việt, Huỳnh Phước (thành viên) bộc bạch: “Tổ cảnh giới Hội CCB được chia thành 4 tổ thay phiên nhau, mỗi người luôn cố gắng nghỉ một ngày trong tuần để trực gác. Nhưng giờ xuất hành của các chuyến tàu cũng không chính xác như lịch tàu chạy do đơn vị đường sắt cung cấp gây không ít khó khăn. Khác với tàu khách, tàu chở hàng thường chạy sai giờ, lúc sớm lúc muộn, nhiều khi bỏ việc để tới đúng giờ nhưng chờ mãi đến gần nửa tiếng sau tàu mới qua. Mỗi ngày có khoảng gần 20 chuyến tàu qua lại thì hết 2/3 số đó là tàu chở hàng. Mặc dù mới đi vào hoạt động và còn gặp nhiều khó khăn nhưng các thành viên luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giúp người dân an tâm hơn khi tham gia giao thông trên đoạn đường này”. Cũng theo anh Việt, thời tiết thất thường nên mong muốn của những thành viên tham gia là có một ki ốt để che chắn cho anh em và các học sinh trong lúc chờ đợi làm nhiệm vụ.

Bài, ảnh:  Võ Thùy Trang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bước chân không mỏi

Ngoài công việc của một cán bộ hội, hơn 10 năm qua chị Võ Cẩm Thành, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Xuân (Phú Vang) là một trong những nhân viên thu tiêu biểu trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình.

Bước chân không mỏi
Phong Điền cần 18 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các vị trí qua đường sắt Bắc-Nam

Ngày 23/10, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền thông tin, thực hiện Công văn số 10669/UBND-GT ngày 7/10/2024 của UBND tỉnh về phối hợp hoàn thành các thủ tục điều chuyển vị trí, kinh phí để triển khai xây dựng hầm chui, đường ngang trên đường sắt Bắc-Nam theo Quyết định 1149/QĐ-BGTVT, sau khi tiến hành khảo sát thực tế tại địa phương có 6 vị trí tạo lối tự mở băng qua đường sắt có nguy cơ mất ATGT.

Phong Điền cần 18 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các vị trí qua đường sắt Bắc-Nam
Gom góp cho “của để dành”

Không chỉ chăm lo cuộc sống thường nhật và tương lai của con cái, nhiều ông bố, bà mẹ đã dành dụm, tiết giảm các khoản chi tiêu để tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho con, với mong muốn sau này các con sẽ nhận lương hưu để đảm bảo cuộc sống khi về già.

Gom góp cho “của để dành”
Return to top