ClockThứ Sáu, 05/06/2020 14:08

Tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sản

TTH - Nhiều vụ đánh bắt bằng xung điện, tàu giã cào đã xảy ra trên đầm phá và vùng ven biển thuộc địa bàn huyện Phú Lộc, gây ảnh hưởng môi trường, hủy diệt nguồn lợi thủy, hải sản.

Phát hiện khai thác thủy sản mang tính hủy diệt và khai thác cát trái phép

Phương tiện vi phạm của các đối tượng được thu giữ tại Tổ tuần tra Chi hội Nghề cá Thạch Sơn

Manh động

Mới đây, tuần tra trên đầm phá Cầu Hai lúc rạng sáng, tổ tuần tra của Chi hội nghề cá Thạch Sơn, xã Lộc Điền (Phú Lộc) phát hiện 4 đối tượng dùng 4 chiếc ghe đuôi tôm đánh bắt thủy hải sản bằng hình thức xung điện.

Khi bị phát hiện, các đối tượng manh động lao ghe tông thẳng vào xuồng của tổ tuần tra, đồng thời chống trả quyết liệt. Với quyết tâm vây bắt cùng với sự hợp sức của người dân địa phương, các đối tượng sau đó đã bị khống chế giao nộp cho công an xã xử lý theo quy định. Tang vật thu giữ gồm 4 ghe đuôi tôm, các bình điện và dụng cụ kích điện...

Ông Lê Anh, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Thạch Sơn kể, ghe của các đối tượng tông vào xuồng tuần tra làm các thành viên tổ tuần tra ngã xuống nước, còn tiếp tục dùng máy đuôi tôm đánh thẳng vào người và dùng dụng cụ kích điện châm xuống nước nhằm gây giật điện... rất nguy hiểm, táo tợn.

Cùng với tình trạng đánh bắt thủy hải sản bằng xung, kích điện, hoạt động đánh bắt bằng giã cào trái phép cũng liên tục xuất hiện trên vùng biển ven bờ ở địa bàn Phú Lộc. Hậu quả có thể thấy rõ, trong những năm gần đây, hải sản gần bờ ngày càng cạn kiệt, khan hiếm, một số loài cá, tôm gần như không còn. Hiệu quả đánh bắt của các phương tiện tàu, thuyền gần bờ ngày càng giảm sút. 

Đại úy Lê Văn Sơn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lăng Cô cho biết, nhiều trường hợp ngư dân trong lúc đánh bắt gần bờ phát hiện tàu giã cào ngoại tỉnh đang hoạt động, sau khi nhận được tin báo, đơn vị tổ chức lực lượng vây bắt. Tuy nhiên, khi tiếp cận các phương tiện giã cào và yêu cầu dừng hoạt động để kiểm tra, xử lý, các đối tượng chẳng những không chấp hành mà còn tấn công lực lượng chức năng, sau đó cắt lưới, tăng tốc bỏ chạy.

Quá trình đánh bắt kiểu hủy diệt, các đối tượng còn phá hủy các chuôm, lồng cá của bà con trong khu vực. Theo anh Nguyễn Dũng, một người dân địa phương, hiện tượng này đã tái diễn nhiều lần và ngày càng manh động, ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguồn lợi thủy hải sản, gây bức xúc trong nhân dân.

Phối hợp xử lý nghiêm

Đại úy Lê Văn Sơn cho biết, trước sự manh động của các đối tượng vi phạm, nhiều trường hợp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phải điều động tàu nghiệp vụ của Hải đội 2 phối hợp với tổ tuần tra truy bắt các phương tiện để xử lý. 

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Thông khẳng định, hoạt động đánh bắt thủy hải sản bằng xung điện, giã cào tác động rất lớn đến môi trường, nguồn lợi thủy hải sản, ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống của bà con. Thời gian gần đây, địa phương đã phối hợp với lực lượng biên phòng đóng trên địa bàn, tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy đuổi và xử lý hàng chục phương tiện vi phạm.

Riêng 5 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng, tổ chức ngành nghề trên địa bàn huyện Phú Lộc đã tiến hành tuần tra, phát hiện và xử lý gần 10 vụ đánh bắt thủy hải sản bằng kích điện, giã cào. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Ông Hoàng Sa, Chủ tịch UBND xã Lộc Điền cho rằng, cần xử lý nghiêm để răn đe nhằm lập lại trật tự trong hoạt động khai thác thủy hải sản trên địa bàn, nhất là đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, có tình tiết tăng nặng.

Đại úy Trần Hữu Thanh, Phó trưởng Công an xã Lộc Điền cho biết, khi bắt giữ đối tượng, ngoài xử lý theo quy định tại Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì phải cương quyết thu giữ tang vật vi phạm.

Theo kế hoạch phòng chống đánh bắt thủy hải sản hủy diệt của tỉnh, lực lượng biên phòng tỉnh được giao nhiệm vụ làm chủ công, phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức có hiệu quả các giải pháp phòng chống, nhất là phương tiện đánh bắt bằng giã cào. Theo đó, lực lượng biên phòng trên địa bàn Phú Lộc sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng của huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bằng các phương tiện công suất lớn nhằm bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy hải sản, bảo vệ sinh kế cho ngư dân trên địa bàn.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức chương trình “Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho người dân toàn tỉnh”.

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân
Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách: Cùng vào cuộc

Mặc dù môi trường du lịch Huế ngày càng được cải thiện nhưng thi thoảng những vụ việc “chặt chém” khách về giá lại làm cho du lịch Huế “mang tiếng xấu”. Tuyên truyền và có chế tài xử phạt là điều cần làm, nhưng để hiệu quả, cần sự phối hợp vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và mỗi một người dân, du khách.

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách Cùng vào cuộc
Return to top