ClockThứ Tư, 23/10/2024 16:28

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách: Cùng vào cuộc

TTH.VN - Mặc dù môi trường du lịch Huế ngày càng được cải thiện nhưng thi thoảng những vụ việc “chặt chém” khách về giá lại làm cho du lịch Huế “mang tiếng xấu”. Tuyên truyền và có chế tài xử phạt là điều cần làm, nhưng để hiệu quả, cần sự phối hợp vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và mỗi một người dân, du khách.

Phát triển du lịch bền vững và thân thiện môi trường Xúc tiến, quảng bá, kết nối phát triển du lịch Hơn 70 doanh nghiệp lữ hành khảo sát các tour tuyến, điểm du lịch ở Huế

 Tiểu thương chợ Đông Ba niềm nở giới thiệu giá niêm yết trên các món đồ cho khách du lịch

Một vụ việc, nhiều nỗi lo

Trở lại Huế một ngày đầu tháng 10, Nguyễn Việt Cường, là du khách từ TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nhắc lại chuyện ly nước mía 30.000 đồng mà một quán nước gần lăng vua Tự Đức bán cho khách bị phản ánh dịp lễ 2/9 vừa qua. Cường bảo: “Vụ đó rầm rộ lắm, nổi cả trên facebook và tiktok. Bạn bè mình cứ cà khịa sao mức sống của Huế nay cao quá, ly nước mía tới tận 30.000 đồng”.

Chuyện Cường đề cập là một nỗi lo chung của ngành du lịch. Dù có trăm ngàn giải pháp để làm cho môi trường du lịch trở nên đẹp hơn, nhưng chỉ cần xảy ra một vài vụ việc, có thể vô tình hay cố ý, những “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ làm cho hình ảnh du lịch mang tiếng xấu. Trong thời đại công nghệ, tốc độ lan truyền thông tin nhanh, mỗi vụ “chặt chém” khách làm cho du lịch ảnh hưởng lớn đến du lịch địa phương.Thực tế, chuyện ly nước mía 30.000 đồng ở quán nước khu vực này không phải lần đầu bị khách phản ánh và quán nước mía này cũng đã mở bán từ nhiều năm nay.

Ông Võ Hoàng Nguyên Hữu, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân, TP. Huế cho biết, khi có phản ánh của du khách, đoàn kiểm tra, gồm lãnh đạo phường, cán bộ quản lý đô thị, công an phường đã làm việc với hộ kinh doanh quán nước giải khát trên. Đáng nói là quán có niêm yết giá, nhưng treo ở vị trí không thuận lợi. Cụ thể là quán có 2 lối đi nhưng bảng niêm yết giá có 3 loại cỡ ly khác nhau (nhỏ, vừa và lớn) chỉ để ở một lối đi, nên khách khó thấy. Và khi nhận đặt đồ uống, chủ quán cũng không hỏi kỹ khách để xác nhận loại đồ uống khách muốn. Cái khó là nếu chủ quán bán đúng giá niêm yết, lại không có cơ sở để xử lý, chỉ có thể nhắc nhở.

 Lực lượng chức năng kiểm tra, làm việc với chủ quán kinh doanh nước mía bị tố "chặt chém" khách về giá

Du lịch Huế nói riêng, các địa phương trong nước nói chung từng xảy ra nhiều vụ việc bị du khách phản ánh “chặt chém” khách. Song, vụ ly nước 30.000 đồng lại bị du khách “mổ xẻ” vì nhiều lý do. Việc chủ quán có niêm yết giá nên theo quy định không thể xử phạt. Tuy nhiên, theo nhiều du khách, niêm yết giá ở một vị trí mà khách khó thấy như một cách lừa du khách và để qua mặt lực lượng chức năng khi giá ly nước mía thông thường chỉ khoảng 10.000 đồng. “Có rất nhiều mặt hàng rất khó định giá, bán giá nào cũng được. Đó là lý do khách cần các hàng quán, điểm du lịch niêm yết giá công khai, thông tin đầy đủ, dễ nhìn và nên đề nghị khách xác nhận loại hàng và giá muốn sử dụng theo yêu cầu để khách yên tâm và quyết định sử dụng dịch vụ”, một du khách nhận định.

Du lịch là ngành kinh tế mang lại lợi ích cho rất nhiều bên. Việc thu hút và giữ chân du khách không chỉ giúp ngành công nghiệp không khói phát triển mà nhiều dịch vụ, hộ kinh doanh khác cũng được hưởng lợi, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người. Chính vì vậy, việc thu hút và giữ chân du khách không phải là trách nhiệm riêng của ngành du lịch, mà cần sự chung tay của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và từng người dân. Khi du khách mất niềm tin vào điểm đến, vào dịch vụ và giá cả, hệ lụy không chỉ là việc đánh mất một vài người khách mà nỗi lo sẽ lớn hơn rất nhiều.

Cùng vào cuộc

So với giai đoạn trước, tình trạng “chặt chém” khách du lịch đã giảm bớt rất nhiều. Ngành du lịch phối hợp lực lượng công an, các ngành, đơn vị và chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường du lịch nhờ đó đã loại bỏ được rất nhiều “hạt sạn”.

Điển hình như tại chợ Đông Ba - ngôi chợ trước đây ít nhiều có lời ra tiếng vào về tình trạng “chặt chém” khách nay đã trở thành điểm đến được du khách yên tâm khi ban quản lý chợ chú trọng xây dựng và phát triển chợ Đông Ba với phương châm “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”. Tiểu thương chợ Đông Ba với “3 không” (không nói thách, không chèo kéo, không "mì xưa"/ép khách mua mở hàng), “2 có” (có chất lượng, có uy tín). Ban quản lý chợ thông báo trao thưởng số tiền 500 nghìn đồng cho tiểu thương hoặc du khách khi phản ánh đúng người, đúng cơ sở với những trường hợp bán hàng nói thách, không đúng giá. Đối với các trường hợp vi phạm, ban quản lý sẽ tiến hành đình chỉ và thu phạt theo quy định.

 Hướng dẫn viên du lịch tìm hiểu về giá để giới thiệu cho du khách

Cách làm của Chợ Đông Ba cho thấy được tính hiệu quả khi mỗi đơn vị, mỗi cá nhân cùng vào cuộc để xây dựng môi trường du lịch nói chung. Điều này cũng đặt ra yêu cầu về trách nhiệm, sự đồng hành của các ngành, đơn vị, chính quyền địa phương trong việc quản lý, kiểm soát vấn đề niêm yết giá và ngăn chặn tình trạng “chặt chém” khách về giá.

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc khẳng định, chính quyền địa phương và ngành du lịch rất trăn trở về những vấn đề tồn tại trong ngành du lịch, đặc biệt là tình trạng “chặt chém” khách về giá. Ngành du lịch tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và những người làm dịch vụ - du lịch.

Bên cạnh đó, ngành du lịch, công an, các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương, nơi có các hoạt động dịch vụ du lịch diễn ra trên địa bàn, cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hóa phục vụ khách du lịch, như: Chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, kiểm soát giá … đồng thời luôn theo dõi thông tin phản ánh các vụ việc trên Huế - S, đường dây nóng và diễn đàn mạng xã hội để chủ động phát hiện, xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế. Sở thường xuyên tổ chức định kỳ các lớp tập huấn kỹ năng du lịch cho các nhóm nhóm cộng đồng, làn du lịch, các tiểu thương và người đạp xe xích lô nhằm hỗ trợ, hướng dẫn những họ biết và thực hành các kỹ năng cơ bản khi phục vụ du khách. Sở cũng sẽ xây dựng đề án “Xây dựng môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh” để được các cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai trong thời gian tới nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao và duy trì bền vững hình ảnh du lịch địa phương.

Ngành du lịch tỉnh mong muốn du khách và các đơn vị lữ hành khi phát hiện các vi phạm, chặt chém khách về giá hoặc vấn nạn liên quan đến du lịch nên liên hệ ngay đường dây nóng của ngành du lịch, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để kịp thời xác minh, xử lý. Tránh đưa thông tin lên mạng xã hội khi chưa được xác thực để tránh sự hiểu lầm, suy diễn của dư luận làm ảnh hưởng đến du lịch địa phương và cộng đồng và doanh nghiệp đang kinh doạnh chân chính. Bên cạnh đó, khi liên hệ, phản ánh qua kênh chính thống, cơ quan chức năng cũng có thông tin của người phản ánh để liên hệ, tìm hiểu thông tin và phản hồi lại với du khách một cách phù hợp và thuận lợi hơn.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
Phát triển du lịch bền vững và thân thiện môi trường

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Việc hợp tác với các đối tác để tạo ra những sản phẩm du lịch mới mang tính chất xanh và bền vững, từ đó nâng cao trải nghiệm của du khách khi đến với Huế là giải pháp thiết thực mà ngành du lịch Cố đô lựa chọn.

Phát triển du lịch bền vững và thân thiện môi trường
Return to top