ClockChủ Nhật, 05/12/2021 15:56

Vai diễn bất đắc dĩ

TTH - Cô miệt mài viết. Viết mà đôi khi chẳng biết mình đang viết gì. Nghĩ cả ngày không ra cái tít ưng ý, để bài lưu trong máy tính cả tháng không thèm đụng đến. Lúc thật rảnh rỗi mới lôi ra đọc lại, đầu óc nhanh chóng “nảy số”, cô chộp lấy từng cái tựa hệt như người ta bắt bóng. Việc cô viết lách cũng giống kiểu nhiếp ảnh gia “chộp” khoảnh khắc. Nghĩ vậy, cô cười một mình.

Nắng về bến sông TraiSân nhà có nắngChè đắng

Nàng nhắn tin cho cô bạn đồng nghiệp, rủ đi vùng núi viết một đề tài vừa phát hiện ra. Bạn hẹn tuần tới, cuối tuần chỉ muốn tận hưởng chút thảnh thơi. Cô giật mình, bao lâu rồi bản thân chẳng chịu nhàn nhã. Ngày nghỉ nào cũng kiếm việc để làm, kiếm nơi để đi. Trời lất phất mưa, bữa trưa gọn lẹ chỉ mấy chiếc bánh quy và hộp sữa dự trữ trong ngăn tủ cá nhân, xong cô ngủ vùi trên chiếc sofa nơi làm việc. Ngày nào đi cơ sở thì thôi, còn làm việc ở cơ quan thì trưa cô hay ở lại. Một phần vì chỗ trọ xa, phần vì luôn muốn tranh thủ để viết. Nhưng ngủ ở cơ quan cứ chập chờn mê tỉnh, nằm được lúc cô lại mò dậy, bật laptop lướt web, tìm kiếm đề tài, dành cho tâm hồn mơ mộng một khoảng thời gian để sáng tác những bài tản văn, tùy bút, truyện ngắn… Tuy chẳng nhiều nhặn gì, nhưng viết những thứ không thuộc phạm trù báo chí là một cách cô tự bộc bạch, giãi bày với cảm xúc của chính mình, nó khiến tâm trí nàng dễ chịu, cân bằng với áp lực công việc chuyên môn hơn. Có rất nhiều khi cảm xúc ùa đến chỉ từ một câu nói thú vị, một mùi hương cây cỏ…, cô lại tí tách gõ phím. Viết cả nghìn chữ, rồi khi thấy cái tứ không hấp dẫn, tình huống không bất ngờ, lại lưu quên trong ổ cứng. Đôi lúc cô thấy mình như phát điên vì chữ nghĩa.

Lâu lắm cô mới khóc nhiều đến vậy. Cô ngồi nơi góc phòng làm việc như pho tượng sống, tận khi đèn đường bật sáng, cả cơ quan không còn ai mới lững thững xuống nhà xe. Chiếc khẩu trang và cặp kính cận không giấu được đôi mắt đỏ hoe ư ứ nước. Người lớn không để ý, một cô bé ngồi đằng trước xe mẹ nhìn thấy cô khi dừng đèn đỏ, hồn nhiên hỏi thăm: Chị khóc à, sao chị lại khóc? Người đàn bà quay sang nhìn rồi cúi xuống dặn dò con điều gì đó. Khi đèn chuyển xanh, bé gái đưa bàn tay bé nhỏ vẫy chào cô như muốn an ủi. Lòng cô lắng lại với ý nghĩ, tất cả những đứa trẻ đều là những thiên thần.

Cô trấn tĩnh, hít một hơi thật sâu và thở ra thật mạnh như để giải phóng những ấm ức dồn nén. Tại sao lại phải khóc vì một gã đồng nghiệp nhỏ mọn, ích kỷ? Chỉ là một bài viết, chỉ là một khoản nhuận bút chia đôi, vậy mà to tiếng cãi vã. Anh ta bảo cô điên, cô là con “ngựa non háu đá”, sống giả tạo lấy lòng cấp trên. Cô thanh minh, rằng cô đâu chạy tới mà kêu người chấm nhuận chia phần như vậy. Làm chung đề tài, cô cũng vất vả chứ không phải dạng làm ít ăn nhiều. Sao lại vì vài bức hình do anh ta chụp được sử dụng mà đem so đo từng đồng thù lao như thế. Cô khóc vì tủi thân. Một cô gái lập nghiệp nơi đất khách quê người, không người thân, không bạn bè, đáng ra nên được sẻ chia và thông cảm, đằng này lại bị ganh ghét, so kè thiệt hơn. Tiền với cô quan trọng, nhưng cô đâu chỉ sống cho riêng bản thân, còn cha mẹ già, còn em đi học, cô phải lo toan nhiều thứ. Nhiều lúc đầu cô như muốn nổ tung vì tiền ấy chứ. Nhưng với cô, tiền không mua được lòng tự trọng, không vì nó mà hạ thấp giá trị bản thân.

Cảm giác tổn thương đeo đẳng cô về tận phòng trọ. Chẳng thèm bật đèn, cô vùi đầu vào gối khóc hu hu như con nít. Những lúc cô đơn buồn tủi dễ khiến người ta nhớ nhà, nhớ bạn bè. Muốn chia sẻ, kể lể với ai đó, nhưng rồi lại sợ. Bạn bè, người thân ở xa, ai cũng lu bù công việc và áp lực bộn bề như vậy, sao cô có thể mang nỗi buồn hay năng lượng xấu nơi mình mà trút lên vai họ. Nhiều khi thấy cuộc đời bó hẹp quá trong muôn vàn bản ngã. Ai gặp cũng nói cô mạnh mẽ, sắc sảo. Cô không biết đó là lời khen hay là lời cảm thán nữa. Chỉ nghĩ, con người ta mạnh mẽ là bởi chẳng thể dựa vào ai cả. Suy cho cùng, dù có ngụy trang bằng vỏ bọc cứng cỏi hay bất khả xâm phạm thế nào, thì phụ nữ cũng chỉ là phụ nữ, vẫn mang bản năng yếu đuối và cần chở che mà thôi. Cô cũng thế, không ngoại lệ.

Tự khóc rồi cô tự an ủi chính mình. Tại sao phải khóc vì một gã đồng nghiệp “đàn bà” cho già đi nhỉ? Nghĩ thế, cô tìm đồ đi tắm và định bụng sẽ đi ăn món gì thật ngon. Điện thoại đổ chuông, tiếng chuông quen thuộc cô cài đặt riêng cho anh. Người đàn ông thông minh và hài hước cô quen trong một lần tác nghiệp. Anh người xứ này, nên luôn sẵn lòng trợ giúp cô cả trong công việc và cuộc sống.

- Này Nhóc, trà tối không em?

- Uống thứ gì ngọt một chút đi anh!

- Nước “khỏa thân” nhé, ngọt mà lại ngủ ngon…

Cô bật cười, trong chốc lát mọi buồn tủi như trôi tuột đâu mất. Tên gọi ấy là cô tự nghĩ ra để đặt cho nước của cây nhân trần. Nghe qua thì có vẻ hơi phản cảm, nhưng ai nghe cô giải nghĩa xong cũng gật gù đồng ý. Có những thứ bản chất rất đơn giản mà nhiều khi con người cứ nghĩ xa xôi. Lâu quá cô mới lại nghe có ai đó gọi mình là Nhóc. Cô thấy mình như đứa bé được chăm chút, yêu thương. Anh như chiếc túi hồ lô để cô trải lòng, những quan tâm, chia sớt giống một người anh lớn, một người bạn cùng trang lứa, lắm khi lại như một người thầy. Anh cất giấu bí mật cho cô, và cô giữ anh lại bên cạnh như giữ cho mình một điểm tựa để khóc, để yếu đuối mà không sợ ánh nhìn thương hại. Anh bảo cô hãy buông bỏ những phiền lụy nhỏ nhặt. Đừng vì bất cứ điều gì mà hao mòn tình yêu và niềm say mê với nghề.

Đêm đó, cô lại kỳ cạch gõ phím. Chỉ nghĩ đến việc được đi, được viết, được khám phá thế giới… là đã cảm thấy vui sướng rồi. Cái cách cô ghép những con chữ và phơi ra trên trang word hàng tá thứ lôi thôi hay những cái “entry cho ta” nho nhỏ, phần nào làm cô vơi nhẹ buồn lo. Cô viết như muốn ngấu nghiến thời gian, để cảm xúc chảy tràn đi những ấm ức, hậm hực trong lòng.

***

Cơ quan cô có chuyến từ thiện hai ngày ở mấy điểm trường bản làng vùng cao nghèo. Cô vận động sinh viên xung quanh khu trọ ủng hộ những bộ quần áo cũ nhưng còn tốt, tự tay phân loại, hăm hở đi. Những đôi mắt đen láy trên khuôn mặt lem nhem đất cát, câu cảm ơn ngại ngùng ghé sát tận tai khiến tim nàng nhộn lên. Những chuyến đi cho cô cảm nhận sâu sắc mình còn may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người khác như thế nào.

Cô hốt hoảng gọi tài xế xe dừng lại, hình như có ai đó đang chạy theo cầu cứu. Cửa xe vừa mở, cô bước vội ra.

- Làm ơn, anh chị làm ơn đưa nó đến bệnh viện giúp tôi - người đàn bà khóc không thành tiếng, đôi bàn tay bấu chặt cánh tay cô.

Cô và những người đi cùng chạy theo bà đến chỗ chàng trai đang nằm vật bên mép đường. Miệng anh ta sùi bọt, mắt trợn trừng, dáng nằm cong queo vẻ đau đớn. Cô quýnh quáng hỏi:

- Anh ấy bị sao vậy bác?

- Giời ơi! Nó uống thuốc sâu tự vẫn đấy. Vừa đi xuất khẩu lao động 3 năm ở Nga về, chả biết đứa con gái nó yêu mấy năm, từng thề non hẹn biển thế nào mà nay lại chuẩn bị đi làm vợ người ta. Chết chi cho uổng vậy con ơi? Bà vừa khóc vừa tất tưởi chạy theo sau khi các đồng nghiệp nam trong cơ quan xốc anh ta lên xe.

Chiếc xe phóng đi. Trong cơn mê man, chàng trai bỗng nắm chặt tay cô thì thầm. Đôi bàn tay lạnh buốt, cứng như thép.

- Cúc…, đừng bỏ anh, đừng rời… rời xa anh!

Mặt cô đổi sắc, sợ hãi định rụt tay lại. Nhưng tiếng khóc của bà mẹ như van nài cô đừng làm vậy. Cái nắm tay của anh tựa như đang dồn hết sức lực mà nắm níu. Cô không do dự, đưa bàn tay còn lại đặt lên bàn tay lạnh cứng của anh, cúi gần xuống, nhẹ nhàng nói:

- Em ở đây, không bỏ anh, không rời xa anh…

Mọi người nhìn cô, mỗi người một trạng thái cảm xúc. Còn cô thì thấy chuyện đang diễn ra y như những thước phim Hàn sến súa, hay giống một đoạn kịch trên sân khấu vậy. Và cô, bất đắc dĩ trở thành một diễn viên trong đoạn kịch này.

Cơn mưa cuối mùa vội vã ào xuống, cô đang ngồi hít hà mùi hương ngọt dịu từ tách trà hoa cúc cùng chàng trai vừa trở về từ cõi chết. Nghe anh say mê nói về dự định làm kinh tế, về ý muốn dạy ngoại ngữ cho đám trẻ trên xóm núi.

Những ngày sau đó, cô lại thả lòng mơ mộng miệt mài viết, viết như ngấu nghiến thời gian. Công việc cuốn xoay, vẫn có nhiều lúc cô tưởng mình như sắp điên lên vì chữ nghĩa, nhưng cô hiểu, nếu không đi, không viết thì cuộc đời thật vô vị. Lắm khi gặp chuyện không vui, cô hay nhớ về những chuyến đi. Và mỗi khi nghĩ đến vai diễn bất đắc dĩ của mình ngày nọ, cô lại vô thức cười một mình.

MAI ĐÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi bạo lực gia đình

Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã và đang có nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên cơ sở giới, các hoạt động vì phụ nữ yếu thế.

Đẩy lùi bạo lực gia đình
Thời hoa niên

Thời hoa niên, tôi dám cá rằng điều ước lớn lao nhất của đám học trò không phải là có thành tích học tập đứng “top”, mà là có một mối tình đẹp giống như những bộ phim thanh xuân vườn trường chúng nó hay xem.

Thời hoa niên
“Mẹ đừng lo lắng!”

Có lần, khi tôi bế mẹ từ giường ra nhà tắm, đặt mẹ lên tấm xốp mềm để chuẩn bị tắm rửa cho mẹ, thấy mẹ có vẻ rất hoang mang.

“Mẹ đừng lo lắng ”
Bạn “nợ đời”

Những cuộc gọi đi không có tín hiệu, mỗi một tiếng “tít” vang lên, trái tim Thư lại nhói lên một khắc. Thư hoảng hốt, rồi tức giận, rồi điên cuồng kiếm tìm sự giúp đỡ, cho đến lúc này thì chỉ muốn ngã khuỵu.

Bạn “nợ đời”
Return to top