ClockThứ Bảy, 28/01/2023 10:14

Vại muối chua của mạ

TTH - Như là của để dành để nhớ về thời đồ nhựa chưa được sử dụng rộng rãi như bây giờ, mạ tôi có cả một “bộ sưu tập” những lu, hũ, vại bằng sành xưa cũ. Những ngày cận tết, song song với bao công việc tất bật, thế nào bà cũng bê mớ đồ sành ấy ra để lau rửa và ướp những mẻ muối chua thật thơm ngon.

Tết ấmQuà quê

Khi còn bé, tôi đã quen với những đồ sành, sứ với nước da thô. Họa hoằn lắm mới có chiếc hũ nhỏ được vẽ, tô với những hoa văn, họa tiết hoa lá. Ở trong bếp, một chiếc hũ nhỏ được dùng để đựng than củi. Ngay sau chái bếp, hai chiếc lu to lúc nào cũng đứng im ỉm. Mỗi khi có buồng chuối già, mạ tôi khéo léo chia nải, kéo mớ rơm lót vào lu, chặt thêm tàu lá chuối để rấm cho chuối chín đều.

Những chiếc lu, hũ đều có công dụng riêng của mình. Ngay cả vại sành cũng thế. Vào những ngày cận kề tết, năm nào những vại sành của nhà tôi cũng được ưu ái sử dụng để muối chua các loại rau củ nhà trồng. Không quá cầu kỳ như dưa món nhưng theo lời mạ tôi, muốn làm dưa chua ngon cũng cần phải có “tay”. Thu hoạch cải bẹ, cải củ, dưa leo, sau khi làm sạch, chỉ cần phơi một nắng cho heo héo là đã có thể muối chua.

Tuổi thơ lớn lên với mùi thơm thơm của rau củ ở làng, tôi thuộc nằm lòng công thức muối chua của mạ. Chẳng cần cân đo đong đếm, mọi bí quyết đều nằm ở đôi mắt tinh ý ước lượng và đôi bàn tay đã quen với cái mặn mòi của nắm muối hạt xứ biển. Cứ mỗi lượt muối là một lượt rau củ được nén, vại nào thức ấy cho đến phía trên cùng của vại là nắm muối được rắc lớn hơn cả. Sau đó chỉ cần dùng nước đun sôi để nguội đổ vào xâm xấp chiếc vại sành.

Ngoài ra, không thể thiếu trong công thức của mạ tôi, đó là những hòn đá cuội to bằng cả chiếc xoong con con đã được chùi rửa cẩn thận. Hòn đá này sẽ nén thật chặt mớ rau củ đã muối, để chỉ sau đó 4 - 5 ngày, từ những cây cải củ trắng nõn nà, mớ cải bẹn xanh ngát hay rổ dưa leo to bằng cổ tay, nhà tôi đã có ngay những vại dưa muối thơm lừng mùi chua thanh, những củ cải, cải bẹ, mớ dưa leo màu vàng thơm ngon, thích mắt.

Có biết bao nhiêu là món ngon từ những vại muối chua mạ làm. Củ cải muối chua bóp với nước mắm ớt tỏi, cải bẹ muối chua xào, canh chua cá lóc, gỏi dưa leo muối chua... Nhất là những ngày cuối năm bộn bề thịt cá, chỉ cần một đĩa rau củ muối chua thôi là đã đủ đánh tan cái ngấy của mớ thức ăn giàu đạm.

Những năm thời tiết thuận hòa, rau củ tốt tươi, không chỉ muối để dùng trong nhà, mạ tôi còn mang mớ củ cải, cải bẹ muối ra chợ. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của bà trong những buổi chợ hối hả ngày cận tết. Khi lần giở mớ rau củ muối khỏi lớp lá chuối, mùi thơm chua rộn ràng đánh thức khứu giác của các bà, các mẹ xung quanh. Nhiều hôm, ngồi chưa kịp ấm chỗ, mớ dưa muối thơm ngon hấp dẫn của mạ đã bán hết veo.

Hôm rồi tôi về làng, thấy nơi bể nước những chiếc vại áng lên màu xưa cũ đã được mạ mang ra chùi rửa cẩn thận tự bao giờ. Năm nay mưa gió thất thường, cải củ còn non, cải bẹ cũng chưa đến thì, chỉ có mấy vồng dưa leo là cho trái chi chít. Nhìn cơn mưa rả rích và rùng mình bởi cái lạnh se sắt, lòng tôi chỉ thầm mong những ngày mưa chóng qua để rau củ tốt tươi. Có như thế những chiếc vại sành mới có dịp được sử dụng, và mạ tôi cũng có cơ hội phô diễn tài năng muối chua cho con cháu đi làm xa lâu lâu mới về quê ăn tết thưởng thức.

Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top