ClockThứ Bảy, 19/08/2023 16:42

Ván trượt Cố đô

TTH - Cứ tầm 16 giờ 30 mỗi ngày, chỉ cần trời không mưa, tại công viên Thương Bạc, công viên Dã Viên hay dưới chân cầu Trường Tiền, ta có thể dễ dàng bắt gặp một nhóm tầm 20 nam thanh nữ tú, mặc những bộ đồ rộng rãi để chơi thể thao, mang giày da lộn đế bằng, tay cầm ván trượt. Các bạn trẻ ấy sẽ tập và biễu diễn những động tác trượt thu hút. Đó chính là các thành viên của Hue Skateboarding, cộng đồng trượt ván đã hoạt động hơn 10 năm của thành phố Huế.

Skateboarding - sắc màu đường phố

leftcenterrightdel
Các bạn trẻ trình diễn kỹ năng của bản thân 

Anh Phạm Hồng Duy (1992), một trong những người thành lập Hue Skateboarding chia sẻ, cơ duyên biết đến trượt ván là nhờ xem một bộ phim về Skater (người trượt ván) trên tivi từ hồi còn nhỏ. Sau khi xem phim, anh khao khát được lướt trên ván trượt… và nằng nặc đòi  bố mẹ mua ván về. Tự tập, ngã trầy chân vẫn tập, mày mò mãi đến năm 2008 mới chính thức “tập trượt ván” thành công. Năm 2010, Hồng Duy lên đại học, đem theo đam mê từ thành phố Đồng Hới vào Huế. “Ở Huế, không quen biết ai, chơi một mình tầm nửa năm thì có vài bạn nhỏ xin chơi chung, tạo được một nhóm tập nhộn nhịp, hiệu quả. Tiếng lành đồn xa, các cộng đồng khác của hip-hop Cố đô, như: parkour, patin, BMX (xe đạp biểu diễn) cũng làm quen rồi tập tành trượt. “Đến tháng 7/2010 thì mình cùng các anh em thành lập cộng đồng “Đại Nội SK8”, tiền thân của Hue Skateboarding bây giờ”, Duy cho biết. Khi ấy, Đại Nội SK8 chỉ có tầm 10 người, sinh hoạt chủ yếu tại khoảng sân trước mặt Đại Nội, thỉnh thoảng đổi gió thì lên tượng đài Quang Trung.

“Ngày ấy, tụi mình gặp khá nhiều khó khăn để có thể duy trì cộng đồng. Nhiều người không đủ kinh tế để mua một tấm ván trượt đâu, nên đôi khi một tấm ván mà hai, ba người chơi chung. Mình thường tìm kiếm các phụ kiện ván cũ về rồi lắp lại để mọi người trượt. Rồi cả những lần trượt dưới chân cầu Trường Tiền bị dân vạn đò đuổi đánh, lấy đá ném”, Hồng Duy nhớ lại. Điều giúp Đại Nội SK8 vượt qua khó khăn chỉ đơn giản nhờ vào đam mê cháy bỏng đối với tấm ván trượt. Hiện nay, Đại Nội SK8 đã đổi tên thành Hue Skateboarding, trở thành một cộng đồng lớn của Huế với số lượng hơn 300 người. Trên mạng xã hội Facebook, lượng thành viên của nhóm đạt đến con số 2.000 người. Duy đã thành công khi truyền ngọn lửa đam mê, xây dựng thành công một cộng đồng trượt ván phát triển như bây giờ.

leftcenterrightdel
 Cộng đồng Hue Skateboarding

Đỗ Ngọc Bình Quân (sinh 2005), hiện là một trong những thủ lĩnh của Hue Skateboarding cho biết: “Thường là 16h30 mỗi chiều tại các điểm, chúng mình sẽ tự chia thành từng nhóm khoảng 20 người, cùng tập luyện, chia sẻ kỹ năng về trượt ván, như: ollie, nollie (bật nhảy cùng ván mà không cần dùng tay) hay kickflip (bật nhảy nhưng làm cho ván xoay một vòng trên không trước khi tiếp đất)".

Với những skater, việc bị trầy xước đã quá quen thuộc, nhưng nhờ vào sự cẩn thận của bản thân và cả sự nhắc nhở của cộng đồng là không tự thực hiện những động tác nguy hiểm, nhờ vậy các thành viên Hue Skaterboarding chưa bao giờ gặp phải các tai nạn nghiêm trọng. Nhóm cũng cẩn thận chọn những góc vắng để không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Thế nhưng, cũng không ít lần nhóm gặp khó khăn về việc chọn địa điểm sinh hoạt. “Hồi trước, bọn mình hay tập luyện ở công viên Tứ Tượng, nhưng trong một buổi sinh hoạt hồi đầu năm, các bác bảo vệ đã đến và cấm bọn mình chơi tại đây. Chia tay địa chỉ này chúng mình rất tiếc. Giấc mơ có một địa điểm chuyên dùng để những hoạt động, như patin, trượt ván sinh hoạt vẫn chỉ là giấc mơ”, Quân chia sẻ.

Theo Bình Quân, không như ngày trước, lượng người tham gia bộ môn trượt ván của Thừa Thiên Huế hiện ngày càng tăng. “Không chỉ ở thành phố mà ngay cả các huyện cũng có rất nhiều người chơi trượt ván. Mới tháng trước mình đã đi A Lưới gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt cùng với những bạn yêu thích trượt ván ở đây. Các bạn rất đam mê và có chung tâm sự về sự bất tiện khi không có những không gian dành cho trượt ván”.

Như các bộ môn khác, Hue Skaterboarding cũng thường xuyên tổ chức các giải đấu trượt ván. Tại đây, những skater thể hiện kỹ năng qua nhiều vòng đấu. Với các giải nhỏ, lượng người tham gia khoảng 30 người, còn các giải lớn định kỳ vào dịp tết, ngày hội trượt ván 21/6, ngày Halloween..., tầm 50 người. Giải thưởng dù không nhiều, phần lớn đến từ nhà tài trợ, nhưng là cơ hội để những người tự tin vào bản thân phô diễn kỹ thuật, đồng thời giao lưu với những người cùng đam mê. Cũng từ những giải đấu tự phát này mà càng ngày càng có nhiều người tìm đến bộ môn, cộng đồng trượt ván Huế cũng ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Chuyển đổi để nâng tầm

Thực hiện Quyết định số 2117 ngày 6/8/2024 của UBND tỉnh, Trường trung cấp Thể dục Thể thao được chuyển đổi thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Mô hình hoạt động mới này nhằm đưa thể thao thành tích cao, các môn thế mạnh của Thừa Thiên Huế phát triển đúng hướng, vươn lên tầm vóc mới.

Chuyển đổi để nâng tầm
Return to top