ClockThứ Sáu, 17/11/2023 06:23

Vừa chăm sóc sức khỏe người dân, vừa phòng, chống dịch mùa mưa lũ

TTH - Công tác phòng, chống thiên tai luôn được ngành y tế lên kế hoạch từ sớm. Song song với đó là sự rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng để không bị động trong các tình huống theo đặc thù từng địa bàn.

Đa dạng các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổiGhế công thái học - Giải pháp bảo vệ sức khỏe hàng đầu cho người dùngCung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho 100 đoàn viên, người lao động miền núi

Nhân viên Trạm Y tế Hương Toàn chuẩn bị thuốc men xử trí tình huống khẩn cấp mùa mưa lũ 

Sẵn sàng phục vụ bệnh nhân

Khi chúng tôi đến, cán bộ Trạm Y tế Hương Toàn (TX. Hương Trà) vừa tiếp đón người bệnh đến khám vừa tranh thủ dọn lại tủ thuốc, bàn ghế sau đợt nước dâng cuối tháng 10 vừa qua. Hương Toàn là địa bàn thấp trũng, 11 thôn đều rơi vào tình trạng ngập lụt đồng loạt nếu mực nước sông Bồ dâng lên. BS Phạm Văn Lại, Trưởng trạm Y tế Hương Toàn (TX. Hương Trà) chia sẻ: “Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã thường xuyên theo dõi sát sao, đốc thúc công tác phòng, chống thiên tai ở Hương Toàn vì đây là địa bàn dễ bị ngập nhất huyện. Qua nhóm zalo cập nhật tình hình, nghe thông báo nước sông Bồ trên mức báo động 1 là anh chị em trong trạm bắt tay kê cao đồ đạc, rà soát thuốc men, chuẩn bị mì tôm, gạo, dầu hỏa”…

Toàn xã có 145 ngàn người dân trong khi trạm có 8 cán bộ. "Đón lụt" nhiều khiến cán bộ trong trạm dàn dạy kinh nghiệm. Còn nhớ đợt lụt lớn nhất năm 2020, trạm bị nước lũ bao vây suốt 5 ngày 4 đêm. Nhờ chuẩn bị tốt nên ngay khi nước dâng cao, trạm tiếp đón một số cụ già ở vùng thấp trũng bị huyết áp cao và vấn đề về tim mạch ở lại và theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, một bà mẹ mới sinh con ở thôn Giáp Trung cũng đến trú ẩn trong 10 ngày. Chị Nguyễn Thị Ái Mỹ, nữ hộ sinh ở trạm, kể lại: “Lúc ấy, các chị phải thay phiên nhau tắm rửa cho bé và thăm khám thường xuyên cho bà mẹ sau sinh. Cũng may lương thực, thực phẩm và cơ số thuốc đã dự phòng từ trước nên tất cả bệnh nhân đều được chăm sóc, ăn uống đầy đủ. Bác trạm trưởng cũng túc trực cùng mọi người làm nhiệm vụ suốt mấy ngày”.

Theo đặc thù địa bàn, TTYT Phong Điền chủ động kế hoạch bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong mùa mưa bão, đặc biệt là các bà mẹ mang thai dự sinh những tháng cuối năm. BSCKII. Nguyễn Đức Lợi - Giám đốc TTYT Phong Điền cho hay: “Chúng tôi phân công trực đường dây nóng 24/24 nhận thông tin cấp cứu. Các trạm y tế xã, thị trấn bố trí cán bộ trực gác đầy đủ, sẵn sàng phục vụ bệnh nhân tận nhà khi xảy ra bất trắc. Riêng đối với Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Phụ sản, cán bộ trực có mặt tại chỗ 100%, tổ chức kíp trực ngoại viện với đầy đủ cơ số thuốc và các phương tiện nhằm bảo đảm cấp cứu chi viện cho tuyến trước. Truyền thông về tuyến dưới nhằm vận động các bà mẹ thai trên 36 tuần đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc TTYT huyện”. Nhờ quản lý và truyền thông tốt nên hạn chế được những tai biến sản khoa không đáng có, tạo sự an toàn cho bà mẹ - em bé. Đợt mưa bão trung tuần tháng 10 vừa qua, ê kíp trực đã xử lý 2 ca sinh thường và sinh mổ tránh lũ tại TTYT huyện.

Giám sát, ngăn dịch phát sinh

Là địa bàn thường xuyên đối mặt với lũ lụt, thiên tai những tháng cuối năm, TTYT huyện Quảng Điền xây dựng kế hoạch phòng chống từ sớm. TTYT huyện, các trạm y tế phân công nhân lực trực 100%. Ngoài chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc, phương tiện, hóa chất, đơn vị còn dự trữ thực phẩm, nước uống cho bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế trong vòng 1 tuần… Rà soát vận động người lớn tuổi bệnh nặng và 240 phụ nữ mang thai dự sinh mùa thiên tai đến các cơ sở y tế khi có dự báo bão/lũ lụt lớn xảy ra. Huyện Quảng Điền còn thiết lập kết nối mạng zalo Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tuyến huyện, tuyến xã/thị trấn và người dân để nắm bắt tình hình, liên lạc, kịp thời chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ. Sau mưa lũ lụt tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực dọn dẹp vệ sinh, làm sạch môi trường.

Mới đây, lãnh đạo Sở Y tế cùng các thành viên có buổi làm việc và kiểm tra công tác chủ động ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Quảng Điền. Lãnh đạo ngành đánh giá cao sự chủ động của địa phương, đồng thời lưu ý mảng xử lý dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Theo các chuyên gia y tế, trong và sau mưa lũ, nguy cơ ô nhiễm môi trường, vi khuẩn sinh sôi gây bệnh cao. Một số bệnh thường phát sinh như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, viêm da, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy cấp… Phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, người dân cần đảm bảo ăn chín, uống sôi; Rửa tay với xà phòng; Thay rửa bể nước; Dùng trang thiết bị bảo hộ trong khi làm vệ sinh môi trường, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.

Giám sát dịch, truyền thông, hỗ trợ các đơn vị, ThS.BSCKII. Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cơ số thuốc khử khuẩn, sát trùng và chủ động cấp phát sớm cho các đơn vị để khử khuẩn, phun sau dịch. Đối với từng loại bệnh phát sinh sau lũ sẽ có phương pháp phòng bệnh khác nhau. Điều quan trọng là truyền thông đảm bảo môi trường sạch sẽ, giữ vệ sinh cơ thể, lưu ý nhất nguy cơ xảy ra bệnh Whitmore ở vùng ngập lụt. Bên cạnh đó, cần lưu ý diệt loăng quăng, bọ gậy nhằm phòng, chống sốt xuất huyết”.

Sở Y tế đã chỉ đạo y tế các địa bàn tăng cường công tác giám sát dịch chặt chẽ mùa mưa lũ, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời, yêu cầu cán bộ y tế phối hợp cùng chính quyền địa phương về cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân.

Bài, ảnh: LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến nền y tế hiện đại, tăng sự hài lòng của người dân

Trong xu thế đẩy mạnh chuyển đổi số, Sở Y tế đầu tư xây dựng Trung tâm Điều hành y tế thông minh (YTTM) nhằm phục vụ cho việc hoạch định chính sách, quản lý điều hành, phòng, chống dịch bệnh, giúp người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế đã trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế về vấn đề này.

Hướng đến nền y tế hiện đại, tăng sự hài lòng của người dân
​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức chương trình “Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho người dân toàn tỉnh”.

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân
Ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 xuất viện

Ngày 12/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin, người được ghép tim xuyên Việt thứ 12 đã làm thủ tục xuất viện. Lãnh đạo BV cùng đội ngũ chăm sóc sau ghép tặng hoa chúc mừng và chia vui cùng gia đình người bệnh.

Ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 xuất viện
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

TIN MỚI

Return to top