ClockThứ Bảy, 15/04/2023 14:19

Vững an cư, vui bám biển

TTH - 100 ngôi nhà cho ngư dân khó khăn được xây mới ở các vùng ven biển 4 huyện: Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và Phong Điền. Từ sự hỗ trợ của Công ty CP Tập đoàn Trường Hải thông qua Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, những mái ấm thấm tình nghĩa cộng đồng giúp ngư dân yên tâm lập nghiệp.

Làng thương vợNiềm vui từ những ngôi nhà cho ngư dân nghèo

leftcenterrightdel
 Anh Nguyễn Tiến tăng gia sản xuất trước ngôi nhà mới

Không còn sống cảnh phập phồng 

Gia đình anh Nguyễn Tiến và chị Trần Thị Quỳnh Thư ở thôn Phú Hải (Lộc Vĩnh, Phú Lộc) 10 năm qua sống trong ngôi nhà cũ 56m2. Anh Tiến theo nghề ngư, song thu nhập không ổn định. Chị Thư làm công nhân một nhà máy bánh kẹo lại bị bệnh viêm khớp. Chị Thư kể, mỗi lần mưa lớn là phải gửi hai đứa con qua nhà bà con hoặc hàng xóm để trú ẩn, vì nước dột chảy thành từng dòng. Cơn bão cuối năm 2022 bốc luôn một phần mái tôn, hai vợ chồng anh chị phải kiếm vật liệu che tạm để sống.

Thế rồi từ chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” (Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát động; Tập đoàn Trường Hải tài trợ), vợ chồng anh Tiến được hỗ trợ 50 triệu đồng. Vay mượn thêm người thân, ngân hàng, anh đã xây dựng ngôi nhà mới rộng rãi, khang trang khiến bà con chòm xóm vào thăm đều khen.

Đón đoàn khách đến thăm nhà trong lễ khánh thành, vợ chồng anh hân hoan nhận những món quà mừng nhà mới. Anh chia sẻ: “Có nhà mới, vợ con tránh mưa, nắng yên ổn, không còn sống trong cảnh phập phồng như những năm trước. Giờ lên kế hoạch bám biển và làm thêm để trả nợ làm nhà cho xong. Hy vọng nếu trúng nghề biển thì sẽ thanh toán món vay sớm”.

Cùng cảnh, anh Lê Hoanh (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) cũng đã có mái ấm mới sau 3 tháng xây dựng. Căn nhà mới 75m2 vững chãi khiến anh đỡ lo âu mỗi lần ra biển làm nghề. “Thiệt không biết nói chi ngoài lời cảm ơn. Cũng nhờ Hội CTĐ và mạnh thường quân, vợ chồng em mới có được căn nhà như hôm nay”.

Xã Lộc Trì có hai thôn, người dân chủ yếu theo nghề ngư nghiệp. Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” giúp 12 hộ ngư dân ở xã có căn nhà kiên cố, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm gánh nặng an sinh xã hội cho địa phương.

Ngư nghiệp là nghề chính của nhiều cư dân ven biển miền Trung, song một số hộ gia đình do điều kiện kinh tế nên chưa an cư lạc nghiệp ổn định. Bà Nguyễn Thị Thừa (Lộc Vĩnh, Phú Lộc) - một bà mẹ có con làm ngư dân cũng chung niềm lo lắng khi con cái sống trong cảnh tạm bợ. Anh Nguyễn Văn Đoàn là con trai đầu của bà Thừa, song 10 năm qua vẫn ở chái nhà lụp xụp. “Nghe được hỗ trợ 50 triệu, tui họp gia đình kêu gọi mọi người chung tay góp công, góp của. Mừng lắm, mưa gió chi cũng che bạt làm cho kịp, cho xong cái nhà. Chừ nhìn cảnh con cháu sum vầy trong ngôi nhà mới cứng, ấm cúng, bậc làm mẹ như tui như cởi được gánh nặng trong lòng bấy lâu”, bà Thừa nói.

Tiếp thêm động lực cho ngư dân

Từ tháng 10/2022 đến nay, Hội CTĐ tỉnh phân bổ nguồn tài trợ 5 tỷ đồng hỗ trợ xây nhà cho 100 hộ ngư dân nghèo ở 18 xã, thuộc 4 huyện trên địa bàn tỉnh. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 50 triệu đồng. Trong 100 hộ, có 50 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo và 25 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, có 38 căn nhà tại huyện Phú Lộc, 35 căn nhà tại huyện Quảng Điền, 11 căn nhà huyện Phú Vang và 16 căn nhà tại huyện Phong Điền hoàn thiện đưa vào sử dụng.

Theo ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, đây là một chương trình ý nghĩa, tiếp thêm động lực, sẻ chia cùng ngư dân nghèo giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Những căn nhà nghĩa tình này cũng giúp huyện sớm hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm trên địa bàn trong quý III/2023.

Thực hiện chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát động, Hội CTĐ tỉnh phối hợp chính quyền các địa phương tổ chức hỗ trợ sinh kế, tập huấn sơ, cấp cứu, trao học bổng, tặng quà và khám cấp phát thuốc miễn phí... cho các ngư dân trên địa bàn tỉnh. Bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết, trong năm 2023, Hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền pháp luật, kiến thức cho bà con cũng như kỹ năng phòng, chống thiên tai… tạo điều kiện giúp ngư dân yên tâm phát triển kinh tế biển.

Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam cho rằng, 100 căn nhà cho ngư dân khó khăn có sự đồng hành, chung tay của cộng đồng giúp ngư dân có thêm động lực bám biển. Thừa Thiên Huế là một trong 23 tỉnh, thành phố giáp biển đầu tiên trong cả nước triển khai Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”. Đây là kinh nghiệm để triển khai các hoạt động có hiệu quả, bền vững và cần sự cộng hưởng các cấp đảng ủy, chính quyền địa phương... Kết quả của chương trình là cơ sở triển khai nhiều chương trình ý nghĩa trong thời gian tới, góp phần tạo sinh kế cho người dân vùng ven biển.

Bài, ảnh: L.TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Động lực từ “ngôi nhà” Nhân Đạo

Tập trung phát triển sản xuất song song với đẩy mạnh công tác nâng cao tay nghề cho người lao động, Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nhân Đạo trực thuộc Hội Người mù (HNM) TP. Huế (gọi tắt là HTX Nhân Đạo) đã duy trì hoạt động hiệu quả, từ đó tạo sinh kế bền vững cho nhiều hội viên khiếm thị.

Động lực từ “ngôi nhà” Nhân Đạo
Ấm áp trong những ngôi nhà Đại đoàn kết

Với phương châm “Tất cả vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong năm 2024, ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động được trên 85,5 tỷ đồng xây dựng mới, sửa chữa 2022 nhà Đại đoàn kết (ĐĐK), giúp người nghèo có nơi an cư, thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống.

Ấm áp trong những ngôi nhà Đại đoàn kết
Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo

A Lưới từ lâu đã gắn liền với hình ảnh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chăm chỉ làm ăn, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mơ ước về một ngôi nhà kiên cố để tránh bão lũ, bảo vệ gia đình khỏi thiên tai với nhiều người vẫn còn là điều xa vời. Với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giấc mơ của nhiều người dân dần trở thành hiện thực.

Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo
Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng
Return to top