ClockThứ Ba, 24/09/2019 09:07

Xóm ấm

Yêu thương bằng cả tấm lòngNhững điều tốt đẹp

Quán chị thường mở cửa sớm. Cũng chẳng có gì nhiều nhặn và gần như chỉ dành cho mấy người khách quen thường ghé uống cà phê sáng. Mùa hè, cỡ chừng gần 5 giờ đã thấy chị đặt ra ngoài lề đường mấy chiếc bàn, ghế nhựa và lom thom chuẩn bị trà, đá sau khi quét qua khoảng sân nhỏ. Có hôm vì khó ngủ và chắc có phần nhạt miệng, chồng tôi ra quán sớm, gọi chị ới ời rồi tự bưng bàn, bưng ghế. Rỗi được một lúc, chị ghé xuống ngồi với dăm ba câu chuyện phiếm.

Ngày gia đình tôi lên xây nhà ở trong ngõ, đã thấy dáng chị tần tảo lúc thúc trong ngôi nhà cũ và dăm ba món hàng trong kiot đầu ngõ, dù không nhiều nhặn các mặt hàng tạp hóa nhưng cũng có thể đáp ứng đủ những thứ người ta cần. Sau một thời gian thì có thể định vị được món hàng chạy nhất của chị là bia chai. Lúc đó trong ngõ có đến 4-5 ngôi nhà đang được xây. Cuối tuần người ta hay gọi bia đãi thợ. Cánh phụ nữ thì luôn nhớ đến chị khi nhà cón món gì ngon và dành lại những thứ chị có để mua.

Ngày đó thi thoảng chuyện trò, tôi mới hay chồng chị mất chưa được bao lâu, để lại cho chị hai đứa con đang học trung học cơ sở và ngôi nhà đã rệu rã. Người phụ nữ chỉ biết gia đình buộc phải gồng mình xoay xở. Tôi nhớ chị bảo, điều khó nhất là đi đâu làm gì cũng thấy bóng dáng của chồng. Phải mất một thời gian rất lâu chị mới có thể bình tâm trở lại để lo cho con. Chúng đều đang trong tuổi lớn và đôi khi còn mải chơi. May mắn là chúng cơ bản ngoan, biết bảo ban nhau giúp đỡ mẹ và chăm học. Ba mẹ con chị cứ thế mà nương tựa vào nhau để vượt qua biến cố lớn của gia đình.

Giờ thì hai cậu con trai đều đã đứng chân ở hai đơn vị khác nhau. Chị cũng đã có con dâu. Nhà cũ đã được thay bằng ngôi nhà hai tầng bề thế và rộng rãi từ nguồn tiền tích góp của chị và phần đóng góp của các con. Chị đã qua thời kỳ khó khăn nhưng cả trong những lúc bận rộn với mấy đứa cháu nội, chị vẫn nhận làm thêm việc của xóm mà không nề hà. Có vẻ như chị luôn muốn lấp đầy mọi thứ. Ngay cả việc vẫn lom thom bán cà phê sáng có vẻ như cũng chỉ là để luôn được trò chuyện, kết nối với khách quen. Tôi nhận ra điều đó khi chị bảo, sẽ cảm thấy mình thừa ra nếu không bắt đầu bằng một việc gì đó…

Cũng không nhớ là đã bao lâu nữa, chị luôn dành một chỗ ngồi cho một bác già, dù ông không uống cà phê mà chỉ ngồi để nhìn mọi người qua lại. Khách nơi quán chị cũng đã quen với điều đó và không hề thấy ai giành chỗ, dù hôm nào đó bác già mệt hay đau ốm không trở ra được. Mọi người còn thấy thiếu và thăm hỏi nếu chỗ đó lâu không thấy người ngồi.

Chỉ nhiêu đó thôi mà tôi thấy thật xóm mình thật ấm.

Lê Nguyễn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top