ClockChủ Nhật, 05/06/2022 22:44

Yêu Huế & lan tỏa những hình ảnh đẹp

TTH - “Mỗi bước chân, mỗi con người được gặp trong những chuyến đi đối với chúng mình đều là những hạt vàng thật rực rỡ”, Quốc Tuấn, thành viên sáng lập Journeys in Hue bộc bạch.

Quảng bá di sản Huế qua cổ phục

Nhóm Journeys in Hue góp phần gìn giữ nghề truyền thống với gối tựa cung đình của mệ Trí Huệ

Những chuyến đi

Cách đây 2 năm, nhóm các bạn trẻ Đoàn Công Quốc Tuấn, Trần Trí Quân, Nguyễn Văn Quốc, Lê Đức Hoàng, Trần Quang Thành, Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Phan Anh Thy với đủ tính cách, quê hương và lứa tuổi khác nhau đã có những chuyến đi thú vị khi khám phá các địa điểm của Huế. Quốc Tuấn kể: “Sau chuyến đạp xe về thăm làng Sình, chúng mình quyết định xây dựng fanpage để kể những câu chuyện về Huế. Mong muốn của nhóm cũng giống tên gọi mà các thành viên lựa chọn, Journeys in Hue sẽ là địa chỉ sẻ chia những chuyến đi, những góc nhìn với mục đích lan tỏa, quảng bá nét đẹp của Cố đô”.

Những chuyến đi, đó là cuộc sống hằng ngày của nhóm Journeys in Hue. Có những hành trình trong ngày. Cũng có những cuốc xe mà các bạn trẻ phải cùng ăn, cùng ở với nhân vật trong nhiều ngày liền. Chuỗi ngày vất vả nhưng cũng đầy đam mê ấy đã gắn kết các thành viên với nhau, gắn kết các thành viên với những nhân vật, những câu chuyện và những trải nghiệm đáng nhớ.

Những cuộc hành trình về miền quê yên bình

Một trong những chuyến đi lý thú đó là cuộc hành trình của Trí Quân và Đức Hoàng về vùng cát Phú Vang. Hai bạn trẻ chia sẻ: “Bốn ngày ròng rã tìm hiểu nghề khảm sành sứ, cùng ăn, cùng làm việc với các chú, các bác tại “thành phố lăng” An Bằng đã mang đến cho mình những cảm xúc thật đặc biệt. Dưới cái nắng như thiêu, các chú, các bác mình mẩy ướt đầm mồ hôi cắt từng mảnh nhỏ sành sứ, tỉ mỉ đắp lên những con lân, con phụng. Hình ảnh ấy đối với mình không chỉ rất công phu, tài hoa mà còn là sự nhẫn nại vô cùng to lớn”.

Hay như Quốc Tuấn, cùng chiếc máy ảnh và niềm háo hức khám phá những “bí mật” của nồi bánh canh Nam Phổ, anh đã cùng gia đình mệ Dư (một trong những gia đình có thâm niên trong nghề nấu bánh canh Nam Phổ) thức khuya, dậy sớm. Những trải nghiệm ấy đã trở thành chất liệu để các bạn trẻ có những bài viết chất lượng về Huế từ nhiều góc nhìn khác nhau. Đó là những bảng hiệu vẽ tay một thời hoài cổ đến ngôi mộ của các vị công thần. Những chuyến đi về làng ven sông thơ mộng, cuộc gặp gỡ với các o, các mệ “rặt” Huế đến làng bích họa hay nghệ thuật tranh gương. Đặc biệt hơn, các bạn trẻ còn quảng bá và kết nối để góp phần phát triển những sản phẩm thủ công đặc sắc của chốn kinh kỳ xưa.

Gửi gắm

Năm 2021, Journeys in Hue ghé thăm gia đình bà Công Tôn Nữ Trí Huệ (mệ Trí Huệ) và cũng từ mối duyên này, cả nhóm đã nảy ra ý tưởng giúp mệ cải tiến mẫu mã, hỗ trợ vận chuyển để sản phẩm gối tựa cung đình tiếp cận được với khách hàng, đặc biệt là giới trẻ.

Nội dung những bài viết đa dạng

Thông qua những lần livestream, bài viết quảng bá, những chiếc gối được làm thủ công của mệ Trí Huệ đã đến gần hơn với người cần. Từ chỉ mỗi mình mệ làm gối, đời sống bấp bênh, những người con, người cháu của mệ cũng bắt tay vào học và làm những công đoạn khác nhau. Trung bình mỗi tháng, mệ Trí Huệ có thể bán 15 chiếc gối, thay vì chờ đợi đơn đặt hàng rất hiếm hoi như trước kia.

Không dừng lại, với nỗ lực bảo tồn sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn của lịch sử, của thời gian, Journeys in Hue đã kêu gọi sự ủng hộ của những người yêu mến sản phẩm này để xây phòng trưng bày gối tựa cho mệ Trí Huệ. Đại diện nhóm chia sẻ: “Vào cuối tháng 3 vừa rồi, chúng mình đã nhận được nguồn quỹ vận động hơn 40 triệu đồng và trao đến tận tay gia đình mệ. Với số tiền này, hy vọng mệ sẽ tạo dựng được không gian trưng bày gối tựa thật chỉn chu, cũng như góp phần vào việc gìn giữ, phát triển nghề thủ công độc đáo này của Huế”.

Ngoài các hoạt động sẻ chia hình ảnh, bài viết và câu chuyện về Huế, các bạn trẻ còn tạo nên những diễn đàn thú vị như workshop ẩm thực Huế, phối hợp với các bạn trẻ trang fanpage Tản mạn kiến trúc chia sẻ kiến thức về “Kiến trúc truyền thống: Từ Kinh kỳ đến Nam kỳ”, tổ chức cuộc thi online “Viết về Huế”..., từ đó mang hình ảnh xứ Huế đẹp, bình yên, gần gũi và giàu cảm xúc đến gần hơn với mọi người.

Bài: MAI HUẾ - Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa những hành động đẹp

Qua gần 5 năm triển khai các hoạt động, phong trào xây dựng TP. Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, câu lạc bộ, đội, nhóm… trên địa bàn thành phố tích cực tham gia, góp phần xây dựng Huế ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh.

Lan tỏa những hành động đẹp
Đa dạng hình thức lan tỏa văn hóa đọc

Diễn ra trong vòng hơn 6 tháng, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 được Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế tổ chức đã thu hút đông đảo học sinh trên toàn tỉnh tham gia, với con số vô cùng ấn tượng hơn 16.300 bài dự thi đến từ 120 trường.

Đa dạng hình thức lan tỏa văn hóa đọc
Tăm cá mùa nước lên

Với những người ưa chuộng bộ môn câu cá, mỗi khi nghe nơi đâu có tăm cá, dù xa hàng chục cây số họ cũng sẵn sàng lặn lội đến nơi để thỏa lòng đam mê sông nước.

Tăm cá mùa nước lên
Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc

Được các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sôi nổi, hưởng ứng, tham gia; là hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống đoàn kết quân - dân, truyền thống anh hùng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, là thành công của các cuộc thi.

Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc
Return to top