Quán có giàn hoa tử đằng phủ xanh mái hiên nhỏ. Mùa hè nắng chói, nhưng chỉ cần nhìn những chùm hoa tử đằng tím rịm đung đưa trong gió là thấy lòng mát rượi. Quán có chiếc ghế gỗ đặt bên dưới giàn hoa. Chỗ ngồi sát hàng rào thấp lè tè bằng gỗ có thể nhìn sang con hẻm nhỏ bên kia đường. Từ nơi đó, cứ đúng 8 giờ sáng là thấy đôi vợ chồng già xuất hiện. Ông cụ lúc nào cũng cầm tay bà, chầm chậm dẫn vợ băng qua con đường tấp nập xe để đến quán cà phê.
Tôi thích cách ông đi bên trái bà, qua nửa bên kia đường thì đổi sang đi bên phải để chắn xe cho vợ. Thích cách ông khuấy cà phê cho vợ, đợi bà uống xong ngụm đầu tiên rồi háo hức hỏi bà với đôi mắt lấp lánh của tuổi già: “Cà phê sáng nay ngon không bà?”. Thích cả cách ông nghiêng người nói gần phía tai bà với âm thanh vừa đủ để bà nghe thấy. Ông nói bà bị điếc, nói nhỏ bà sẽ không nghe, nhưng nói lớn tiếng âm thanh bị vang, bà cũng không nghe thấy. Tôi thích nụ cười rạng rỡ của bà cụ cho dù đã khuyết mấy chiếc răng. Nụ cười đầy ắp sự bình yên, hạnh phúc của tuổi già.
Nụ cười ấy, tôi cũng từng gặp trong bệnh viện, khi nhìn ông lão loay hoay chăm vợ bệnh. Bà cụ nói với tôi rằng, con cái đứa nào cũng muốn vào chăm mẹ, nhưng đều bị ông đuổi về vì không yên tâm. Lúc con trai chở bà đi viện, ông nhất quyết ngồi phía sau xe để đỡ lưng cho bà. Nếu không chở ông theo, ông “dọa” sẽ bắt xe ôm đi. Bà cụ kể với giọng đầy bất lực, nhưng miệng lại móm mém cười hạnh phúc. “Mấy đứa tụi nó, sao chăm bà bằng tui được. Tụi nó có biết chỗ mua cháo hợp ý bà đâu. Mua cơm cũng không đúng món bà thích. Tui chăm cho bà nhanh khỏe, mới mau về nhà được”. Ông cụ leo mấy bậc cầu thang vào phòng, tay xách theo hộp cơm vừa mua về cho vợ, nghe thấy bà phàn nàn liền giải thích.
Ông nói rằng, tuổi già rồi, ai cũng vào ra bệnh viện như cơm bữa. Ông đi theo vào viện chăm bà, đến các khoa, các phòng trong bệnh viện ông đều quen đường đi nước bước. Các hàng quán mua thức ăn trong ngoài bệnh viện ông cũng thuộc nằm lòng. Chỉ cần bà muốn gì, một lát sau, đã thấy xuất hiện trên kệ tủ bệnh viện.
“Tôi nói để con cái vào chăm, cả người ta nhìn vào lại đánh giá mình. Nói con cái mình không lo cho cha mẹ, tội tụi nhỏ chứ phải không o? Nhưng ông bảo, ai nói gì kệ người ta”. Bà cụ phân trần. Ông năm nay 83 tuổi, còn bà 81. Ở tuổi về chiều, họ vẫn tìm thấy niềm vui khi được chăm sóc lẫn nhau. Tôi nhớ mãi ông cụ ấy nói với tôi rằng, niềm vui tuổi già, đó là may mắn người bạn đời vẫn còn bầu bạn bên cạnh, cùng nhau đi hết quãng đường ngắn ngủi còn lại. Được nấu cho nhau bữa cơm nóng ấm, được cùng ngồi bên nhau uống tách trà lúc sớm mai, hay cùng dắt tay nhau đi dạo lúc chiều tà. Chỉ vậy thôi mà thấy cuộc sống đủ đầy hạnh phúc.
Tôi chợt nhớ những lời phàn nàn của mẹ khi chăm ba, hối thúc ba ăn chén canh lúc còn ấm nóng, hối ba uống viên thuốc cho đúng giờ, dẫu có khi họ vẫn cằn nhằn về nhau lúc con cháu ghé chơi... Nhưng tôi luôn thích nụ cười, ánh mắt của họ lúc nhìn nhau, như muốn nói rằng, hạnh phúc nhiều lúc rất giản dị, đó là được may mắn đồng hành cùng nhau lúc xế chiều.