ClockThứ Năm, 22/11/2018 10:17

Cá bống suối về xuôi

TTH - Sáng ngang qua sông An Cựu, thấy miếng bạt trên vỉa hè bày thơm, cà, chuối, cá, rau rớn, xà lách xoong và cả mấy nhành lan người xúm đen xúm đỏ. Tò mò dựng xe chen vào, thì ra là sản vật A Lưới về xuôi.

Hết cơm với mắm cá sơnCá bống kho của mạ

Tuy cá bống suối hình dạng xấu xí nhưng ngon “nhức xương”

Kế bên những sản vật ấy là mớ cá con dài con ngắn to bằng ngón tay trỏ đổ lại, tiệp màu trong cái rá tre nâu bóng mồ hôi. Ít thôi, chừng một cân, và nhoằng cái đã biến mất sau vài tiếng hỏi mua.

Là đang nói đến cá bống suối, da trơn, màu nâu, thân vằn đen vàng – thứ cá quanh năm sống ở khe ở suối, ăn toàn rong rêu và sinh vật nhỏ, thịt dai, ngọt, thơm, xương mềm. Cá sống ở môi trường sạch nên khi câu, khi lưới về chỉ cần rửa qua, không cần gia vị nêm nếm cầu kỳ mà vẫn có thể chế biến thành món ngon “nhức xương”.

Câu được, muốn đơn giản thì cứ kiếm cành tre nhỏ chẻ một đầu, kẹp cá ngang lưng, với tay bứt sợi dây rừng định vị lại con cá. Lúc này, đứa bạn kế bên đã xong phần “khói lửa”. Kẹp cá đặt lên than hồng, vừa nghe tiếng than tí tách, tiếng mỡ cá thỉnh thoảng nhỏ xèo xèo, nghe tiếng lá cây xào xạc lẫn trong tiếng róc rách suối reo vừa hít hà mùi thơm của cá khi gần chín tới trong lúc hai chân đung đưa giữa dòng nước mát lạnh giữa chập chùng đại ngàn. Chừng đó thôi cũng đủ “ăn tiền” với cư dân phố thị.

Trút ra miếng lá chuối rừng lau sạch phấn trắng, nhón lấy chú cá vàng cháy chấm vào chén muối sống đâm tiêu xanh, ớt chỉ thiên rồi cứ thế mà nhai ngang, cứ thế mà tấm tắc... Ai không biết chứ với mình, ngang đó cũng đủ liệt cá bống suối vào danh mục “món ngon khó cưỡng”.

Không có dịp theo chân đồng bào trải nghiệm, nếu thấy, nhớ mua ngay nhà kho. Kho y chang như kho cá bống thệ, bống mủ. Cũng tiêu hành nước mắm, cũng thắng đường, để lửa liu riu. Lần sôi đầu tiên thì tắt lửa, chờ nguội kho thêm lần nữa cho thấm tháp. Muốn cho cá “ngó lui” thì trước đó kiếm cái nồi rộng để cá có không gian “trở mình”, mà nếu kỹ thuật chưa đạt thì cá “ngó tới” cũng ngon chẳng kém bao nhiêu. Và trong lúc kho, nhớ cho thêm vài trái ớt đỏ bẻ đôi mới đúng gu, đúng điệu.

Trước đây cá bống suối nhiều, nhất là sau những cơn mưa rừng cuốn theo phù du, xác sinh vật nhỏ đổ về khe, suối. Có khách quý, vác cần chừng một tiếng là đủ để khách lẫn chủ say lúy túy. Nhưng giờ muốn bắt, đồng bào phải đi từ 11, 12 giờ đêm, vừa câu vừa lưới vừa chài đến 3, 4 giờ sáng mới được dăm lạng một cân. Cũng vì cái sự vất vả ấy nên giá thành của thứ cá nho nhỏ này không rẻ, 200 ngàn đồng/kg, nhưng không phải khi nào cũng có.

Bài, ảnh: Lê Trang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa ớt the cay

Hôm nay, mạ tôi lại gọi cho tôi. Thói quen từ khi tôi rời nhà đi làm, hễ có món chi ngon thì bà lại gọi. Cá sòng kho xổi với ớt xanh, chỉ đơn giản như thế thôi nhưng qua cách mạ kể, tôi như nếm được vị mặn mòi của con cá biển hài hòa với chất ớt the cay.

Mùa ớt the cay
Hấp dẫn ẩm thực Nam Đông

Đó là nhận định của đông đảo du khách trước những gian hàng ẩm thực truyền thống đến từ 7/11 xã, thị trấn của huyện miền núi Nam Đông chiều 12/7.

Hấp dẫn ẩm thực Nam Đông
Nhớ cá chỉ vàng rim của mạ

Chiều, cơn mưa dông bất chợt, tôi nhớ ngay là phải điện thoại về dặn ba đêm đừng đi biển, vì đi biển gặp dông sẽ rất nguy hiểm. Chưa kịp để tôi lên tiếng, đầu dây bên kia là giọng nói ấm áp của mạ: "Lại điện thoại về dặn ba đừng đi biển hả, ba mi ở nhà đó, không đi mô. Hôm ni trời lại mưa dông, về mạ làm cá chỉ vàng rim cho mà ăn". Nói rồi, mạ cười hiền. Đúng là cứ mưa là tôi lại nhớ quay quắt món cá chỉ vàng rim của mạ.

Nhớ cá chỉ vàng rim của mạ
Ấm lòng xôi cá nửa đêm

Có thể nồi cá kho của chị Bé hơi ngọt, nhưng với nhiều người, cái “hơi” ngọt lại không hề có cảm giác tanh rất “có lý” khi ăn với xôi. Và vì rứa, cứ 12h đêm, gánh hàng ăn của chị người vô ra đều đều đến 5h sáng.

Ấm lòng xôi cá nửa đêm
Cá mại kho nghệ - dân dã mà ngon

Chỉ sau một ngày mưa dầm dề là cánh đồng và con sông trước làng đã ngập trắng nước. Đây cũng là thời điểm loài cá mại kéo nhau về từng đàn và di chuyển theo dòng nước vào các bờ mương, rồi tràn lên các ô ruộng rất nhiều. Tôi cũng tranh thủ giúp ba sửa lại tay lưới đã bạc rách vì dùng qua bao mùa lũ, rồi làm thêm vài chiếc vó bằng tấm màn cũ cùng mấy cái vợt lưới để ra đồng đơm cá.

Cá mại kho nghệ - dân dã mà ngon
Return to top