Quê tôi là xứ cát, thuở trước nổi tiếng bởi cau, chuối, ổi, quýt. Sau này, những người nông dân quê tôi trồng thêm nhiều loại cây. Và chẳng biết từ bao giờ, vùng đồng cát cũng nổi danh với những nương trồng ớt cao sản xanh tốt.
Tuy ớt cao sản nhiều thế nhưng với thói quen của người làng, hầu như nhà ai cũng có ít nhất vài ba cây ớt trong vườn nhà. Đó là những cây ớt tiêu (ớt xiêm) trái bé tí tẹo. Khác với ớt chỉ thiên, ớt xanh hay ớt cao sản (những loại ớt được trồng theo mùa vụ), ớt tiêu xanh tốt và cho trái rải đều quanh năm. Có lẽ vì thế, ngoài những cây ớt non xanh, không hiếm để bắt gặp trong vườn những cây ớt tiêu đã 2 – 3 năm tuổi. Chúng cứ túc tắc cho hoa, cho trái và chín đỏ au ngay bên mương nước, dưới vòm tán xanh um của hàng mãng cầu hay bất cứ chỗ nào có đất ẩm xốp.
Cứ sau Tết, những vồng ớt được trồng trên trảng cát bắt đầu vào mùa. Khác với ớt tiêu cho trái quanh năm, ớt chỉ thiên, ớt xanh và ớt cao sản đều rộ mùa sau Tết cho đến tháng 5, tháng 6. Thiên nhiên thật kỳ diệu, sự xuất hiện của những quả ớt thật sự đúng lúc. Vì sau Tết cũng là mùa rộn ràng của những chuyến biển đầu năm đầy ắp cá tôm. Thật khó tưởng tượng sẽ như thế nào nếu những món ngon miền biển, nhất là các loại tôm cá ấy thiếu đi vị cay nồng, thơm hăng của ớt.
Vừa có tác dụng khử tanh, vừa nâng tầm hương vị cho món ăn, lúc nào nồi cá sòng, cá nục kho, cá khoai um hay món cá trích nướng cũng không thể thiếu sắc màu và vị hương của ớt. Cùng là loại ớt mọc chỉa lên trời, nhưng với ớt tiêu, vị cay xè lại vô cùng hấp dẫn bởi cái giòn tan của lớp vỏ và mùi thơm nồng xộc thẳng lên mũi. Dù hương thơm không “quyến rũ” bằng, nhưng những quả ớt chỉ thiên “trổ trời mà lên” lại được ưu ái khi có kích thước lớn hơn hẳn và vị cay cũng vô cùng thú vị.
Mạ tôi rất kỹ lưỡng khi lựa chọn ớt cho các món ăn nhà làm. Ớt cao sản cay thơm, khoanh to rất phù hợp để dằm nước mắm, đây cũng là loại ớt chuyên dùng để ngâm chua. Ớt tiêu trái nhỏ thường được hái cả nạm còn nguyên cuống để trong mâm cơm, vừa gắp thức ăn, thuận tay vừa nhấc quả ớt lên cắn nghe giòn tan trong miệng. Ớt xanh chuyên dùng để kho cá, nấu lẩu bởi vị cay dễ chịu, ôn hòa. Còn ớt chỉ thiên thì phù hợp để làm nước mắm tỏi ớt hay muối ớt giã bởi sắc đỏ đẹp mắt và vị cay nồng háo hức.
Mạ tôi là “tay” ngâm ớt có tiếng ở làng. Mỗi lần mang ớt ra chợ bán, người mua quen sẽ tìm bà để lựa chọn cho được những quả ớt ngâm đã ngả sang màu vàng dìu dịu, mùi chua thơm đặc trưng. Ớt ngâm là món ăn kèm thơm lừng, mùi chua thật hữu ích không thể thiếu cho những bữa cỗ hoặc để ăn kèm những món thịt quay, cá béo.
Ngâm khéo và kỹ, những chum ớt được mạ tôi ngâm ngày càng lên màu đẹp, có chum ngâm hẳn một, hai năm rồi mà vẫn còn thơm lựng, màu nước ngâm vàng trong bao bọc lấy quả ớt bóng lưỡng. Không chỉ nhìn thích mắt thôi đâu, chỉ cần cắn thử một quả ớt thôi, cái chua mặn đậm đà của nước ngâm cộng với vị cay nồng, thơm phức của quả ớt sẽ làm người ăn hít hà, nhớ mãi.