Dưa sắn um cá thác món ngon vùng biển Vinh An
Các anh đều ở tuổi nghỉ hưu, bao nhiêu năm bận rộn với công việc, những ngày đầu nghỉ ngơi, quê nhà là nơi các anh thường tìm về với hy vọng tìm được nhiều ký ức tuổi thơ. Có lẽ vì thế mà bữa ăn hôm đó không đơn thuần là một bữa ăn, họ thay nhau kể thật nhiều những câu chuyện cũ, về cái thời mặc quần đùi, cởi trần trùng trục cả ngày dang nắng trên bờ biển để nhặt cá, vỏ ốc… Những câu chuyện cứ thế kéo dài cho đến khi chủ quán mang món cá thác um dưa sắn lên. Sự sôi động tạm lắng lại vài phút, người nhíu mắt nhìn vào đĩa thức ăn, người trầm ngâm cố nhớ tên, hương vị của món ăn...
“Cá thác um dưa sắn đó mấy anh”. Lời giải thích của chủ quán phá tan những thắc mắc của mọi người. “À, à… Ngày xưa, dưa sắn muối là món ăn chính trong bữa cơm của nhiều gia đình ở đây. Đất Vinh An là đất bạch sa, hoa màu may lắm chỉ trồng được sắn; thời đó, người dân chủ yếu ăn sắn thay cơm nên mới có nhiều vỏ để làm dưa”. Một người lên tiếng sau khi nhận ra những cọng dưa sắn trong đĩa thức ăn.
Nghe thế, chủ quán đáp lại: “Nhưng giờ là đặc sản rồi!”, “Ừ thì dưa sắn nấu với cá thác khác với dưa sắn xào, hay may lắm thì nấu canh với mớ cá vụn”. Một người lên tiếng.
Tôi thử gắp một đũa, vị chua chua bùi bùi của sắn quện cùng vị ngọt của cá biển tươi vừa khử hẳn mùi tanh của cá vừa tạo nên một hương vị độc đáo riêng của món ăn vùng miền. Chớp thời cơ, tôi hỏi công thức làm dưa từ chủ quán mới biết cũng không khó lắm. Dưa sắn được làm bằng lớp vỏ dày sau lớp áo lụa của củ sắn. Cắt củ sắn thành từng khúc dài khoảng 7 đến 8cm, rạch một đường dài, bóc ngang để vỏ không bị rách rồi thái sợi, ngâm qua nước gạo từ 1 đến 2 tiếng cho hết mủ và khử độ nồng; sau khi vớt ra, rửa sạch rồi pha nước muối nhạt ngâm ngập để tránh dưa bị thâm khoảng 2 đến 3 ngày là ăn được.
Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Ngày xưa khốn khó, lương thực nhà tôi cũng sắn nhiều hơn cơm, nào sắn ngào, sắn hấp, bánh sắn… nhưng không biết chi về dưa sắn. Được thưởng thức món ăn vừa ngon, vừa lạ lại nghe được nhiều chuyện, học được nhiều điều hay về một vùng quê xa ngái giúp tôi nhận ra cuộc sống còn nhiều điều mình chưa biết và cần học hỏi.
Vinh An bây giờ không nhiều người trồng sắn hay mua sắn về nhà tự nấu nên ít có vỏ sắn để làm dưa. Nhưng theo chủ quán, cũng không ít gia đình ở đây luôn có dưa sắn trong nhà để làm nguyên liệu chế biến những món ăn ngon, như nấu canh chua, um cá, xào với thịt… Như món cá thác hôm đó, không chỉ vì cá thác là loại cá hiếm có trên thị trường, mà nó sẽ chẳng thành đặc sản nếu không phải được nấu với dưa sắn. Cách chế biến món ăn này không có gì lạ ngoài việc phải chú ý độ mặn khi ướp gia vị trước khi um, vì dưa sắn muối vốn đã mặn. Dưa sắn xào qua trước, cá um vừa sôi thì cho dưa vào, để thêm khoảng 5 phút nữa cho thấm; tiêu, hành tươi, dùng làm nguyên liệu trang trí sau khi đã gắp cá ra đĩa.
Cứ tưởng đời sống bữa nay khá hơn ngày xưa nhiều thì vỏ sắn chỉ là thứ bỏ đi. Nhưng rồi, với sự sáng tạo của mình, người dân Vinh An lại biến từ món ăn dân dã trở thành đặc sản mà ít nhất trong bữa ăn hôm đó ai cũng công nhận sự độc đáo của nó.
Bài, ảnh: HƯƠNG LAN