ClockThứ Hai, 06/04/2020 06:30

“Gọi” tôm, cá trở về...

TTH - Khai thác gắn với quản lý, bảo vệ và hồi sinh nguồn lợi thủy sản (NLTS) là mục tiêu của việc thành lập các khu bảo vệ thủy sản (BVTS).

Thả 34.000 con cá xuống sông HươngKinh tế đầm phá trong xây dựng nông thôn mới - Kỳ 1: Hồi sinhBảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng

Thả thủy sản giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

Khi tôm, cá “trở về”

Ngư dân Trần Xuân Tú ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) chia sẻ, khi chưa thành lập khu bảo vệ thủy sản (BVTS), hầu hết người dân đánh bắt vô tội vạ, “mạnh ai nấy làm”, không tuân thủ các quy định bảo tồn, bảo vệ NLTS. Đó chưa kể nhiều hộ còn đánh bắt bằng các ngư cụ hủy diệt môi trường như lừ xếp, mắt lưới nhỏ, giã cào, xung điện, te quệu... Các loài thủy sản có giá trị kinh tế một thời rất dồi dào cũng dần biến mất, nguồn sinh kế của ngư dân thiếu ổn định.

Từ ngày thành lập khu BVTS Doi Trộ Kèn, ông Tú cùng với nhiều ngư dân ý thức hơn trong việc bảo tồn NLTS, chính là bảo vệ sinh kế bền vững. Các nghề đánh bắt hủy diệt môi trường được ngư dân bỏ hẳn, chỉ còn một số ít hộ đang được vận động tiêu hủy lưới cụ đánh bắt trái phép. Công tác tuần tra, truy bắt “ngư tặc”, bảo vệ NLTS không chỉ nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà còn có sự tham gia, vào cuộc tích cực của ngư dân.

Các loài thủy sản tự nhiên có giá trị một thời tưởng chừng đã mất nay xuất hiện trở lại với sản lượng ngày càng lớn, như cua xanh, dìa, nâu, ghẹ vàng, mú, hồng, bống thệ, ong, hanh, tôm đất… Từ khi NLTS phục hồi, dồi dào, hoạt động đánh bắt của ngư dân hiệu quả rõ rệt. “Chỉ trừ những ngày con nước “giận dữ”, còn lại đánh bắt thủy sản quanh năm, hầu như ngày nào cũng thu nhập 200 ngàn đồng, có ngày cao 500 nghìn -1 triệu đồng”, ông Tú “khoe”.

 Sự trở lại của NLTS trên đầm phá là cả một quá trình bảo tồn, bảo vệ một cách nghiêm ngặt, trong đó phải kể đến vai trò của người dân địa phương. Một bộ phận ngư dân một thời chuyên đánh bắt thủy sản trái phép đã bỏ hẳn nghề kể từ khi thành lập khu BVTS, chuyển sang tham gia cùng với chi hội nghề cá (CHNC), phối hợp với chính quyền địa phương giám sát, theo dõi, ngăn chặn “ngư tặc”. Hằng năm, có hàng ngàn lượt ngư dân chung sức cùng cơ quan chức năng tuần tra, bảo vệ NLTS vùng đầm phá. Chính họ là người phát hiện các vụ vi phạm, báo với CHNC triển khai xua đuổi, truy bắt kịp thời.

Các ban ngành, chính quyền các địa phương đều đánh giá cao tác dụng, hiệu quả của việc thành lập các khu BVTS. Số vụ vi phạm khai thác thủy sản trái phép trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai giảm đáng kể. Phần lớn ngư dân chấp hành tốt các chủ trương, quy định trong quá trình đánh bắt, bảo vệ NLTS. Các nghề khai thác thủy sản bằng lừ xếp, mắt lưới nhỏ, giã cào còn rất ít và đang được kiểm soát.

Nguồn trìa trên sông đầm với trữ lượng lớn

Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Khai thác gắn với bảo vệ, tái tạo NLTS được xác định là chủ trương, giải pháp phù hợp trong xu hướng hiện nay được tỉnh chỉ đạo ngành thủy sản, các địa phương triển khai một cách nghiêm túc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 23 khu BVTS; trong đó năm 2019 thành lập 6 khu tại vùng đầm phá thuộc các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền.

Đầu năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt thành lập thêm các khu BVTS Vũng Mệ, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) và Doi Chỏi, xã Phú Diên (Phú Vang) nhằm tăng cường công tác bảo vệ nơi cư trú, tập trung sinh sản, bãi giống, bãi đẻ thủy sản và tổ chức khai thác, sử dụng bền vững NLTS. Mục tiêu thành lập các khu BVTS quy định rõ, nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến NLTS tự nhiên và môi trường thủy sinh. Đó là nghiêm cấm khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản (động vật và thực vật thủy sinh), xây dựng các công trình sản xuất (bao gồm cả công trình nhà ở), chăn thả gia súc, gia cầm vào vùng lõi bảo vệ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ông Võ Giang cho rằng, thành lập các khu BVTS là điều tất yếu trước yêu cầu bảo tồn NLTS, bảo vệ đa dạng sinh học vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Từ khi được thành lập, các khu BVTS được bảo vệ khá nghiêm ngặt, NLTS trên đầm phá ngày càng sinh sôi, dồi dào. Đời sống ngư dân đã ổn định trở lại khi mỗi tháng thu nhập 6-10 triệu đồng/hộ từ nghề khai thác thủy sản trên đầm phá.

Tuy nhiên, quá trình quản lý các khu BVTS vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Một bộ phận ngư dân địa phương chưa ý thức vai trò, tầm quan trọng trong việc bảo vệ NLTS, còn tình trạng lén lút hoạt động bằng các nghề khai thác hủy diệt môi trường. Điều đó khiến hiệu quả bảo tồn, bảo vệ NLTS chưa thật sự đáp ứng kỳ vọng của tỉnh.

Một số đối tượng ở các địa phương khác còn đến xâm hại khu BVTS của ngư dân sở tại. Các đối tượng này rất manh động, sử dụng thuyền lớn, máy công suất lớn, hung khí chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện vi phạm. Trong khi đó, các phương tiện, dụng cụ hỗ trợ của các CHNC, cơ quan chức năng thô sơ không đủ khả năng xua đuổi, truy bắt. Cơ chế, mức xử phạt “ngư tặc” còn nhẹ, không đủ sức răn đe khiến nạn khai thác thủy sản trái phép trên đầm phá chưa ngăn chặn triệt để.

Hằng năm, CCTS tỉnh, các CHNC tổ chức trên dưới 1.000 lượt tuần tra, xử lý vi phạm khai thác trong khu bảo vệ NLTS. Trong đó phải kể đến những nỗ lực của các CHNC tại các địa phương, tích cực, tâm huyết trong quá trình BVTS vùng đầm phá. Tính riêng năm 2019, các CHNC, lực lượng chức năng đã tuần tra, truy bắt và xử lý 15-16 vụ vi phạm đánh bắt thủy sản trái phép trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động phục hồi, tái tạo NLTS. Riêng năm 2019 đã thả bổ sung, tái tạo hơn 104 ngàn con tôm sú giống, 2.000 con cá dìa vào các khu BVTS. Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất đã thả 20 ngàn con tôm sú giống, 10 vạn con cá kình giống trên đầm phá.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm.

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản

Từ một hộ nông dân vốn nhiều khó khăn, nay ông Trương Ngọc Nhật ở xã Phú Gia, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Phú Vang đã vươn lên làm giàu chính đáng trên đất quê hương.

Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản
Ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 xuất viện

Ngày 12/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin, người được ghép tim xuyên Việt thứ 12 đã làm thủ tục xuất viện. Lãnh đạo BV cùng đội ngũ chăm sóc sau ghép tặng hoa chúc mừng và chia vui cùng gia đình người bệnh.

Ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 xuất viện
Ghép tim xuyên Việt, hồi sinh thêm một cuộc đời

Trái tim hiến từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã đập những nhịp đầu tiên trong cơ thể một bệnh nhân đánh dấu thành công cho hành trình chuyển giao sự sống. Đây là ca ghép kỷ lục với thời gian cấy ghép tim chỉ hơn 50 phút tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Ghép tim xuyên Việt, hồi sinh thêm một cuộc đời
Thêm nguồn thức ăn nuôi trồng thủy sản an toàn

Diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đang tăng lên. Điều này kéo theo những vấn đề lo ngại về bệnh tật, nguồn thức ăn cho thủy sản, môi trường nước và các chi phí khác... Việc nghiên cứu thành công sản xuất và sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho một số loài thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh mở ra cơ hội mới và những lợi ích kinh tế, xã hội đi kèm.

Thêm nguồn thức ăn nuôi trồng thủy sản an toàn
Return to top