ClockThứ Hai, 30/01/2017 08:11

Mứt mướp đắng, ngọt tình thông gia

TTH - Tuần trước, từ phi trường chuẩn bị đi công tác xa, em tôi nhắn tin: “Mướp đắng đậu trái rồi. Chị về mà coi. Năm ni kỵ ông ngoại có mướp rồi đọ”! Chừng đó thôi mà lòng tôi vui suốt ngày.

Mảnh vườn bé xíu trên sân thượng của em tôi như là mảnh đất hứa để chúng tôi cùng nhau tìm về quá khứ, về mảnh vườn nhà cũ và dáng lui cui của ông nội suốt ngày chăm chút cho cây ra hoa, đậu trái, chỉ để mang tặng bà con lối xóm và từ sâu thẳm, tôi hiểu ông, một thành viên khai phá kỳ cựu trong đoàn bác sĩ Yersin ngày ấy - luôn nhớ về thời trai trẻ ngang dọc khắp đất nước để khai phá những miền đất xa xôi, để lập những vườn cây ăn trái mà ông ưa thích. Ông ngoại thích mướp đắng và các món ăn từ mướp đắng. Giàn mướp đắng của ông nội mỗi năm hai mùa sai trái làm ai đi ngang cũng suýt xoa, ấy vì mướp đắng là để tặng cho ông ngoại của chúng tôi.

Ở đường Hàng Bè (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Huế) hồi ấy, ai cũng biết ông ngoại tôi, ông Tú Địch. Ông đỗ tú tài chữ Nho, đi dạy ở làng Tiên Nộn (Phú Mậu, Phú Vang). Mùa nắng, chiều nào ăn cơm xong, ông mặc áo quạ bằng lụa màu ngà, chống gậy lên cầu Gia Hội hóng gió. Thi thoảng ông nội ghé qua, hai người tâm tình cả buổi. Ông nội gọi ông ngoại là ông Tú. Những ngày mát trời, hai ông ngồi trong vườn nhà tâm sự, đàm đạo, ngâm nga thi sử, nhấp trà và nhâm nhi mứt mướp đắng mà mạ tôi làm. Đứa cháu nào trong lũ chúng tôi được các ông ban thưởng đĩa mứt ấy thì đúng là một niềm vui khó tả vì ngoài vinh dự được thưởng thì còn được nhấm nháp miếng mứt gọi là đắng mà không đắng chút nào. Nó thơm mùi vani và mùi… mướp đắng, giòn gần như mứt bí đao mà không mau ngán như bí đao vì vị ngọt của nó vẫn còn đẫm chút mằn mặn của muối mạ ngâm qua đêm.

Rồi ông ngoại mất sớm, vườn sau của ông nội, giàn mướp đắng chỉ lên một mùa, đó là lúc sắp tới ngày giỗ của ông ngoại. Ngày giỗ ông, bà con về chật nhà, mạ tôi năm nào cũng say mê vất vả theo cả chục ký mướp đắng để làm thứ mứt ông ngoại thích hồi ấy. Lũ chúng tôi là một bầy chị em họ ngang tuổi chờ mạ cắt tỉa trái mướp ra thành từng hình quả trám nhỏ để thi nhau xăm trong nước muối, vừa làm vừa tán chuyện râm ran cả nhà. Mạ tôi ngâm mướp vào cái nồi đồng cả đêm, hôm sau mới xả rửa và sên đường làm mứt. Mạ nói phải nồi đồng thì mướp mới giữ được màu xanh đẹp. Đó là làm mứt ướt. Còn mứt khô thì phải nhiều công kỹ hơn, mạ lựa mướp trái nhỏ, lấy ruột, sau khi xăm ngâm nguyên cả trái trong nước muối, xong còn phải ngâm nước vôi, rồi lại luộc sơ qua phèn chua, cuối cùng mới tới giai đoạn ngào đường. Nấu nước đường chờ nguội rồi ngâm mướp đắng lần thứ nhất, vớt ra, rồi nấu lần hai và ngâm, sau đó mới sên lần cuối để nhúng vào chờ cho trái mướp đắng được áo bên ngoài bằng lớp đường trắng trong óng ánh, mới đem ra hong gió lần sau cùng. Một giã mứt ướt chỉ cần hơn một ngày là hoàn tất nhưng với giã mứt khô, mạ tôi phải mất cả hai ba ngày, ấy vậy mà mạ vẫn say sưa, cần mẫn, như để vơi hết nỗi nhớ thương…

Ông nội về ở với chúng tôi khi không còn đủ sức chăm lo khoảnh vườn mà ông yêu quý ở dốc Nam Giao. Ba tôi dành miếng đất sau nhà cho mấy cây đu đủ, cây trứng cá và tự ba trồng giàn mướp đắng cho ông. Mấy ai biết căn nhà ở phố có khoảng vườn xanh tươi như ở nhà chúng tôi. Ông nội bệnh, nhìn ra giàn mướp đâm hoa, mắt cười sáng rỡ: “Ráng chăm cho tụi hắn đậu trái kịp ngày kỵ ông Tú hí”!

Ngày em tôi xây lại nhà, cái nồi đồng ngâm mướp là thứ đầu tiên mạ tôi gói ghém, dặn dò cất giữ. Em tôi phá mảnh vườn cũ để nhà được rộng hơn. Mạ buồn mà không nói, chỉ hay kể về tình bạn thâm giao của ông nội và ông ngoại ngày ấy. Ngày em tôi nói để làm cái vườn trồng rau sạch trên sân thượng, mạ vui vẻ hẳn ra: “Rứa có trồng được giàn mướp đắng không con?”. Hai chị em chúng tôi giật mình, mới hiểu ra niềm vui của mạ.

Giàn mướp đậu trái rồi, tôi sẽ thay mạ làm lại món mứt của mối thâm giao ngày ấy. Tết sẽ thật ấm, thật lắng sâu trong đáy lòng những đứa cháu luôn da diết nhớ về cội nguồn thương yêu.

Bài, ảnh: Nguyễn Phước Túy Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện người đàn ông làm bánh Huế

Xưa nay chuyện bếp núc, nhất là làm các món bánh, mứt đòi hỏi đôi bàn tay mềm mại khéo léo nên đa phần do người phụ nữ đảm trách. Ấy thế nhưng lại có một chàng trai theo đuổi đam mê này, đó là Trần Thanh Quang, một nghệ nhân trẻ năm nay 45 tuổi, là chủ nhân một quán trà, bánh, mứt khá “chất” ở Huế.

Chuyện người đàn ông làm bánh Huế
Ngọt ngào mứt, bánh “nhà làm”

Cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cành mai vàng thì kiểu mứt, bánh “nhà làm” cũng là một trong những lựa chọn của nhiều gia đình, như cách để giữ gìn phong vị của tết cổ truyền.

Ngọt ngào mứt, bánh “nhà làm”
Mướp đắng Vinh Thanh

Ngoài trồng dưa, lúa, đánh bắt thủy hải sản…, người dân Vinh Thanh (Phú Vang) còn trồng thêm nhiều cây hoa màu khác để tăng thu nhập, trong đó có mướp đắng. Nhờ ứng dụng được khoa học kỹ thuật nên ngoài mướp chính vụ, họ còn trồng được mướp trái vụ. Nhờ thế, họ có thể cung cấp mướp quanh năm cho một số chợ trên địa bàn.

Mướp đắng Vinh Thanh
Muôn món ngon từ mướp đắng

Nhớ có lần ăn tết quê xong, trên đường từ làng cũ về lại phố, ngang qua chợ An Lỗ, một ngôi chợ khá lớn ven Quốc lộ 1A, vợ tôi thấy một rổ mướp đắng tươi xanh của một mệ già vừa hái từ vườn nhà mang ra chợ bán liền mua ngay. Đi một đoạn, nàng mới chợt giật mình: “Ui chao, đầu năm mà mua mướp đắng!”. Tôi cười: “Mướp đắng người miền Nam còn gọi tên khác là khổ qua. Đầu năm mà ăn khổ qua là may mắn đang đến đó!”.

Muôn món ngon từ mướp đắng

TIN MỚI

Theo bạn ăn mít sấy có nóng không những điều cần lưu ý
Return to top