ClockThứ Sáu, 03/11/2023 07:14

An toàn cho du khách mùa mưa lũ

TTH - An toàn cho du khách là vấn đề quan trọng được các điểm du lịch đặt lên hàng đầu vào mùa mưa lũ.

Sử dụng xe điện trung chuyển du khách tham quan Đại Nội HuếĐa dạng trải nghiệm cho khách du lịch hèĐiểm đến tuyệt vời là khi du khách được hỗ trợ kịp thời

 Du khách đến Huế du lịch trong một ngày mưa

An toàn là trên hết

Mới đây, vụ lũ quét cuốn trôi du khách tại khu du lịch làng Cù Lần, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng xảy ra đầu giờ chiều 24/10 khiến 4 người chết (gồm 3 hành khách bị lũ cuốn trôi và 1 hành khách bị thương chết trên đường đi cấp cứu) làm dấy lên nhiều lo ngại. Với ngành du lịch, đó là vụ việc đáng tiếc và đau lòng.

An toàn cho du khách lâu nay luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong ngành du lịch. Từ du lịch suối thác, biển, đầm phá… đến các loại hình du lịch khác, ngành du lịch đã nhiều lần khuyến cáo và có chỉ đạo cụ thể liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Song, đáng lo là những vụ việc không may vẫn còn xảy ra.

Tại Thừa Thiên Huế nói riêng, khu vực miền Trung nói chung, lo ngại lớn nhất vào mùa mưa lũ, nguy cơ mất an toàn tại một số điểm du lịch có thể xảy ra do diễn biến thất thường của thời tiết cực đoan. Anh Hoàng Thanh Duy, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch sinh thái Cộng đồng A Nôr (huyện A Lưới) cho biết, vấn đề an toàn cho du khách vẫn là trên hết. “Vào mùa mưa lũ, chúng tôi cảnh báo và không cho khách lên tắm thác vì sợ mất an toàn. Tuy nhiên, điều quan trọng là vẫn rất cần ý thức của du khách”, anh Duy khẳng định.

Thực tế thì rất nhiều du khách không muốn ở lại trong khách sạn trong ngày mưa khi đến Huế. Đơn cử như giữa tháng 10/2023, Huế bước vào đợt mưa lớn, chúng tôi vẫn gặp một đoàn du khách Đức tại khu du lịch sinh thái Thủy Biều. Anh hướng dẫn viên du lịch cùng đơn vị lữ hành phải trao đổi với khách, điều chỉnh hàng loạt hoạt động trải nghiệm của du khách, kể cả đạp xe, đi bộ hay đi thuyền rồng ngắm sông Hương cũng phải thay đổi. Anh Hoàng Dũng, hướng dẫn viên chia sẻ: “An toàn của du khách là ưu tiên số một. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, những hoạt động du lịch có thể gây mất an toàn cho du khách phải tạm dừng và thay đổi phù hợp. Chỉ một vấn đề nhỏ xảy ra, cũng để lại rất nhiều hậu quả”.

Ngành du lịch địa phương nói riêng, Việt Nam nói chung đều hướng đến xây dựng một môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Vào mùa mưa lũ, ngành du lịch không thể ngừng hoạt động nhưng cũng phải điều chỉnh kế hoạch để đảm bảo được mục tiêu kép là vừa phát triển du lịch vừa đảm bảo an toàn cho khách. Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế cho biết, dựa trên lịch đặt tour của khách và tình hình thời tiết, các đơn vị lữ hành thay đổi kế hoạch để thích ứng với mưa lũ, có sự thống nhất với khách. Trước tình hình mưa lớn, tùy chương trình tour và các điểm du lịch, các đơn vị lữ hành thay đổi thời gian, đổi tour, chuyển sang một điểm đến khác không bị ảnh hưởng hoặc rút ngắn chương trình. Trong trường hợp khách không đồng ý thì đơn vị lữ hành phải hoàn tiền lại cho khách. Tuyệt đối không bất chấp nguy hiểm đưa khách đi theo kế hoạch trước đó.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Trước vấn đề an toàn cho du khách và quản lý các điểm du lịch, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Văn bản số 4584/BVHTTDL-DLQGVN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường quản lý điểm đến. Đáng chú ý, Bộ đề nghị các địa phương phải tiến hành rà soát, cảnh báo, có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch đặc biệt trong mùa mưa bão và các điều kiện thời tiết bất thường.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, ngoài các kênh thông tin tiếp nhận và hỗ trợ du khách, trước các mùa mưa bão, Sở Du lịch đều chủ động kiện toàn Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của Sở. Ban chỉ huy sẽ phân công trong ban giám đốc, các phòng chuyên môn và bộ phận hỗ trợ du khách có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành và du khách; thường xuyên theo dõi các thông báo, công điện phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn của tỉnh để chuyển đến các doanh nghiệp qua nhiều kênh.

Khi có bão lũ, Sở Du lịch sẽ gửi văn bản khẩn cấp đến tất cả các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn; nhấn mạnh vấn đề đảm bảo an toàn cho du khách. Các doanh nghiệp lưu trú cũng chuẩn bị phương án “5 tại chỗ”, phối hợp với doanh nghiệp lữ hành thông báo đến du khách về thời tiết. Ngoài ra, Sở Du lịch phối hợp với lực lượng công an và các đơn vị liên quan để tăng cường thêm một số biện pháp đảm bảo an toàn cho khách.

Ngoài các giải pháp gắn với an toàn tại các điểm đến, bố trí các biển cảnh báo, rào chắn tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn thì cũng cần đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, du khách khi đi du lịch, tránh những trường hợp bất chấp cảnh báo vẫn "liều mình" trải nghiệm những điểm du lịch có khả năng gây nguy hiểm.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguồn nhân lực cho ngành du lịch

Chất lượng nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi để phát huy tiềm năng du lịch. Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, du lịch của Cố đô cũng phải được nâng lên xứng tầm với vị thế, trong đó có yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực cho ngành du lịch
Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông

Trên nhiều tuyến đường của thành phố Huế như Bà Triệu, Trịnh Công Sơn... tình trạng các nhân viên quán nhậu tràn ra đường để chặn đầu xe, chèo kéo khách xảy ra thường xuyên, gây mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông
Ngày 28/11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, miền bắc trời rét

Trong 24 giờ qua (từ 1 giờ ngày 27/11 đến 1 giờ ngày 28/11), khu vực tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Cẩm Yên 112,2mm (Hà Tĩnh); Hồ Troóc Trâu 180mm (Quảng Bình); Bạch Mã 159,8mm (Thừa Thiên Huế); Trà Dơn 122,8mm (Quảng Nam); Trà Thanh 121,4mm (Quảng Ngãi); ...

Ngày 28 11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, miền bắc trời rét
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25/11.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

TIN MỚI

Return to top