|
Du khách bơi thuyền SUP. Ảnh: Lương Hiền |
Mới đầu hè mà trên địa bàn tỉnh đã đón cái nắng oi bức và dự báo nắng nóng còn tiếp diễn trong nhiều ngày đến. Nhu cầu giải nhiệt với nhiều người lúc này càng đỉnh điểm hơn bao giờ hết.
Nhóm bạn của tôi Trịnh Thế Vinh, Lê Song Thao, Trịnh Quân… thường có sở thích đi du lịch cả các vùng nông thôn, từ biển đến vùng miền núi. Mới đầu hè, nhóm bạn tôi đã lên kế hoạch đi tham quan, nghỉ dưỡng cả đầm phá, bãi biển và suối thác ở Nam Đông. Chuyến đi đầu tiên của Vinh, Thao, Quân là đầm phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền. Đến với vùng đầm phá mùa hè, nhóm bạn được thỏa sức tắm phá, chèo xuồng ngắm cảnh thiên nhiên, rừng ngập mặn ở Quảng Lợi. Họ còn được ngư dân tận tình hướng dẫn trải nghiệm nghề câu cá, bủa lưới, đổ nò, đạp trìa…
Thưởng thức các món ăn thủy, hải sản đầm phá, ven biển, dân dã của ngư dân bản địa là điều thích thú của các bạn. Thủy, hải sản ở đây không chỉ tươi, ngon mà giá cả cũng hợp lý, phù hợp với điều kiện thu nhập, đời sống tương đối của nhóm bạn Vinh, Thao, Quân…
Nơi phố thị xô bồ, nóng nực của tiết trời mùa hè thì các điểm du lịch đầm phá, biển, suối thác ở vùng núi là sự lựa chọn thích hợp. Sau những ngày rong chơi trên vùng đầm phá, bãi tắm Tân Mỹ, Cương Giáng ở Quảng Điền, nhóm bạn đã có chuyến nghỉ mát, giải trí, khám phá cảnh đẹp nhiên nhiên mà tạo hóa ban tặng cho thác Mơ, thác Kazan… ở Nam Đông.
Trịnh Quân bảo, cứ vào dịp hè thường đưa gia đình cùng với bạn bè thỏa sức vui chơi tại các điểm du lịch sinh thái, nông thôn trên địa bàn tỉnh, kể các các điểm du lịch đã được đầu tư khai thác bài bản và không ngoại trừ các điểm tự phát. Đến các điểm du lịch nông thôn không chỉ được nghỉ mát, nghỉ dưỡng lại còn thưởng thức những món ăn dân dã mà không phải tốn kém nhiều tiền như các điểm du lịch sang trọng khác.
Ông Lê Thành Nam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh đánh giá, qua khảo sát cho thấy hệ thống bãi biển, đầm phá hay nhiều điểm suối thác ở vùng núi trên địa bàn tỉnh có nhiều tiềm năng đầu tư phát triển du lịch. Ở vùng đầm phá, ven biển hiện vẫn còn lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống, văn hóa đặc trưng của ngư dân vùng sông nước, nhiều di tích lịch sử có giá trị.
Nơi vùng cao Nam Đông, A Lưới, hay các vùng núi đồi ở Phú Lộc, Phong Điền… hiện còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số như Pa Hy, Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi, cùng hệ thống thác, hồ, sông, suối hoang sơ, cảnh quan núi rừng thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Nhiều nghề, làng nghề hình thành và phát triển, từng bước tham gia vào chuỗi du lịch nông thôn của tỉnh như các làng nghề đúc đồng Phường Đúc, làng nghề gốm Phước Tích, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, nghề pháp lam, nghề chế tác nhà rường, nghề may áo dài truyền thống, giấy trúc chỉ, nghề nón lá, mây tre đan, dệt zèng A Lưới…
Nhiều điểm du lịch, lễ hội được đầu tư bài bản như Chợ quê ngày hội – Cầu ngói Thanh Toàn, Hương xưa làng cổ gắn làng nghề gốm Phước Tích và mộc Mỹ Xuyên, Sóng nước Tam Giang, ngày hội vùng cao A Lưới tái hiện nghi lễ cúng dâng zèng của người Tà Ôi… Các tour du lịch làng nghề bước đầu được hình thành, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch có nghề, làng nghề.
Ngày 25/3 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND triển khai Quyết định số 922/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Mỗi huyện, thị xã, thành phố Huế có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng từ một đến hai sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Mỗi địa phương có trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Du lịch nông thôn phải gắn với quá trình chuyển đổi số, ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá, mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù…