Đầu tư khu dịch vụ tại cảng
Sự hợp tác của một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới - Caribbean - sẽ tăng đáng kể lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế bằng đường biển. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phấn khởi: “Sắp tới, cảng Chân Mây sẽ đón những chuyến tàu trên 5.000 khách, 4.000 thủy thủ đoàn của Caribbean. Sau chuyến tàu lớn thứ 3 thế giới Voyager of the Seas, năm nay, cảng Chân Mây sẽ đón 3 chuyến tàu lớn nữa của Royal Caribbean. Năm 2016, theo kế hoạch đăng ký, sẽ có 13 chuyến tàu lớn của hãng này cập cảng. Mỗi năm, Royal Caribbean sẽ đưa khoảng 25 nghìn khách với khoảng 5-10 chuyến tàu cập cảng và lượng khách tàu biển của Thừa Thiên Huế ước đạt khoảng 60-70 nghìn lượt. Điều này cho thấy, chiến lược phát triển du lịch tàu biển và cảng du lịch tàu biển miền Trung ở Chân Mây là bước đi đúng đắn trong phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế”.
|
Khách tàu biển đến cảng Chân Mây
|
Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã có những định hướng để tổ chức các dịch vụ phục vụ khách tàu biển. “Tàu biển là loại hình du lịch thu hút lượng khách lớn và đang được những người có thu nhập cao ưa chuộng. Một khách du lịch đi bằng tàu biển chi gấp 5-7 lần khách đi bằng hàng không. Quy mô, phạm vi, tính chất giải trí và mua sắm cũng sẽ nhiều hơn các loại hình khác. UBND tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu dịch vụ ở cảng Chân Mây và ở Huế đáp ứng phục vụ một lúc các đoàn khách du lịch tàu biển từ 1.000 đến 2.000 người nghỉ ngơi và sử dụng các dịch vụ, mua sắm hàng hóa”, ông Phan Tiến Dũng cho biết. Trước mắt, cần tập trung cung ứng các dịch vụ trên bờ, gồm: dịch vụ phục vụ khách đi tham quan và cả cho khách, thuyền viên ở lại cảng. Trong đó, chú trọng việc xây dựng khu dịch vụ tại bến cảng, gồm: khu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí; khu mua sắm hàng lưu niệm với các mặt hàng mỹ nghệ chất lượng cao; khu ẩm thực với nhiều sản vật của địa phương. Dự kiến, khu dịch vụ này cách cảng Chân Mây khoảng 1km và sẽ có hệ thống xe điện trung chuyển.
|
Các gian hàng lưu niệm ở cảng Chân Mây hiện vẫn nhỏ lẻ, đơn điệu
|
Ông Nguyễn Hàng Quý, Giám đốc Công ty HG Huế cho rằng, bên cạnh số khách đi tham quan, sẽ có nhiều người ở lại cảng. Các dịch vụ ngay tại cảng sẽ thu hút nhiều khách xuống tàu. Vì thế, cần có nơi nghỉ ngơi đúng nghĩa cho du khách. Đó là không gian khách có thể thoải mái thư giãn, tìm hiểu văn hóa bản địa, mua những sản phẩm vùng miền, thưởng thức món ăn đặc sản của địa phương mà họ không thể tìm được trên tàu.
Tùy theo nhu cầu của khách, từ Chân Mây có thể kết nối tour tuyến lên Huế tham quan di tích thắng cảnh; hoặc nghỉ ngơi, đánh golf, sử dụng các dịch vụ giải trí của khu du lịch Laguna; nghỉ mát ở Bạch Mã… Ông Phan Tiến Dũng thông tin thêm: “Chúng tôi đã giới thiệu với đại diện hãng tàu biển và các hãng lữ hành những sản phẩm du lịch trong hệ thống di tích cung đình, chùa chiền, một số dịch vụ tắm nước khoáng nóng ở Mỹ An, Thanh Tân… Họ tỏ ra thích thú và cho biết, sắp tới sẽ dành thời gian nhiều hơn để du khách vừa tham quan, vừa sử dụng các dịch vụ nghỉ dưỡng”.
Ông Lê Minh, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Saigontourist tại Huế cho biết: “Khách tàu biển rất khó tính nên bắt buộc chúng ta phải hoàn thiện hơn nữa về hạ tầng như đường sá, xe cộ, đồng thời tăng cường các dịch vụ. Để thu hút nguồn khách này, Saigontourist sẽ tăng cường dịch vụ và mở rộng các khoảng không gian để khách tham quan”.
Qua tìm hiểu ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, được biết, hiện có nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư khu dịch vụ tại cảng Chân Mây. Việc đầu tư khu dịch vụ tại cảng đang ở giai đoạn đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và triển khai. Việc kêu gọi tổ chức các điểm dừng chân, bán hàng dọc đường từ cảng Chân Mây đến Huế sẽ được triển khai sau khu dịch vụ tại cảng một bước, trên cơ sở cân đối một cách hài hòa nhu cầu của khách với dịch vụ trên tuyến.
|
Khuyến khích đầu tư
Ông Phan Tiến Dũng cho biết, tỉnh đang kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các điểm dừng chân, trạm đón tiếp, ví như có thể xây dựng trạm dừng chân ở Phú Gia để khách quan sát, nghỉ ngơi, ngắm biển. Một số doanh nghiệp đang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư tìm địa điểm gần trung tâm thành phố để xây dựng khu dịch vụ có thể phục vụ được từ 1.000 đến 1.500 người. Tỉnh sẽ có chính sách ưu tiên về cơ chế đầu tư, mặt bằng, giảm thuế… để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhằm làm phong phú sản phẩm du lịch.
Ngoài những du khách đã đặt tour tham quan từ trước, còn một lượng khách và thủy thủ đoàn sẽ ở lại tàu. Có thể khi xuống tàu, họ thấy hứng lên và muốn đi thăm thú. Hướng đến phục vụ đối tượng này, Công ty Huetourist, Công ty CP HG Huế... đã tổ chức dịch vụ khai thác lượng khách chưa mua tour trước trong thời gian tàu lưu lại cảng Chân Mây, như: phương tiện vận chuyển, tổ chức cho khách đi tham quan. Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho biết: “Khi tàu Voyager of the Seas cập cảng, chúng tôi đã bố trí 40 xe du lịch 16 chỗ để đưa đón khách và đã khai thác được gần 300 khách. Họ có thể lựa chọn các tour đi tham quan Huế, Đà Nẵng hoặc Hội An trong vòng 6 tiếng hay những thắng cảnh tại Chân Mây – Lăng Cô”.
Ông Nguyễn Hàng Quý cho rằng, có thể tổ chức cho khách vui chơi, nghỉ dưỡng tại chỗ hoặc tham quan một số điểm lân cận ở Lăng Cô. Vì thế, cần có dịch vụ vận chuyển công cộng cao cấp vào những ngày có tàu biển cập cảng. Cần đưa vào khai thác những sản phẩm thật sự nổi trội, đặc trưng và khác với trên tàu, ví như thăm làng chài, hoặc kết hợp giữa các dịch vụ ở Laguna với thăm làng chài, Thiền viện Trúc Lâm...
Theo ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế, việc xây dựng, tổ chức các loại hình dịch vụ phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của khách. Vì vậy, cần phải điều tra nhu cầu của khách. Lênh đênh trên biển cả tháng trời, có lẽ thứ mà khách du lịch tàu biển muốn nhìn thấy là đất liền và văn hóa xứ sở của điểm đến, mang lại cho họ trải nghiệm mới lạ. Thừa Thiên Huế có những chỗ dừng chân rất đẹp để khách ghi lại phong cảnh tuyệt vời trong chuyến hành trình. Ngoài ra, các sản phẩm trong tổ hợp dịch vụ ở Chân Mây cũng nên khác với các cảng khác ở Việt Nam mà khách từng đến.
Việc tổ chức các dịch vụ về mua sắm, ăn uống, giải trí, phương tiện vận chuyển, hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách tàu biển cần phải chuyên nghiệp và có sự phối hợp của nhiều đơn vị. Để phục vụ chu đáo một lượng khách lớn, cần tạo điều kiện cho lực lượng biên phòng, đội ngũ hải quan làm thủ tục nhanh hơn; chuẩn bị đội ngũ hướng dẫn viên phong phú, nhất là hướng dẫn viên “tiếng hiếm”, như tiếng Hàn, Tây Ban Nha, Đức… Việc trung chuyển khách từ Chân Mây đến các điểm tham quan, từ bến xe Nguyễn Hoàng đến Đại Nội phải đảm bảo an ninh trật tự, tạo hình ảnh về một điểm đến an toàn, thân thiện.