ClockThứ Tư, 28/09/2016 13:51

Chao Phraya làm được, sông Hương chẳng lẽ thua?

TTH - Máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok- Thái Lan) lúc đã 2 giờ chiều. Chúng tôi được nhân viên của Tổng cục Du lịch Thái Lan đón ra xe và đưa thẳng về Cố đô Ayutthaya để nhận phòng. Xe lăn bánh ngay và chúng tôi ăn trưa ngay trên xe để về Ayutthaya cho kịp trước khi mặt trời lặn. Mục đích của bạn là để cố làm sao cho khách du thuyền và ăn tối trên sông, ngắm cảnh hoàng hôn Ayutthaya từ sông Chao Phraya.

Thuyền du lịch trên sông Chao Phraya

Hoàng hôn Chao Phraya

Theo giới thiệu, dọc con sông Chao Phraya có rất nhiều cung điện, chùa tháp cổ của kinh đô Ayutthaya một thuở nay vẫn còn lưu dấu và rất đẹp nếu ngắm chúng trong ánh hoàng hôn. Nghe thật hấp dẫn khiến chúng tôi ai cũng cảm thấy nôn nao. Xe đến nơi kịp thời gian đã định. Chúng tôi được dẫn băng qua một nhà hàng ven sông để xuống thuyền. Đây là nhà hàng “mẹ” của các du thuyền, các món ăn đều được chuẩn bị từ đây rồi đưa xuống thuyền phục vụ thực khách. Du thuyền bằng gỗ, hình dạng cũng gần giống như các con thuyền lớn vẫn thấy xuôi ngược trên các dòng sông ở miền Nam xứ ta, không sang trọng lắm, nhưng thiết kế phù hợp cho việc chở khách du lịch với sàn gỗ 2 tầng bằng phẳng, tiện cho bài trí các bàn ăn, có lan can xung quanh đủ an toàn cho khách tựa mình ngắm cảnh, chụp hình, nhiều thuyền còn có thêm cái sân thượng nho nhỏ nằm ở phía sau. Tài công “lộ thiên” với tay lái và chiếc ghế ngồi đơn giản mé bên phải đầu mũi. Có điều, máy thuyền khá êm nên khi thuyền chạy, du khách vẫn có thể vừa ăn uống, vừa chuyện trò với nhau bình thường chứ không nhất thiết phải “vận công lực” hết cỡ như đi thuyền rồng sông Hương. Tôi đưa mắt nhìn quanh, không chỉ có thuyền của đoàn Việt Nam chúng tôi mà còn rất nhộn nhịp, khách Á châu, Âu- Mỹ, và cả sinh viên, học sinh Thái. Hướng dẫn viên du lịch cho hay, dịp lễ lạc hay cuối tuần, sinh viên, học sinh Thái Lan vẫn thường bao luôn cả con thuyền để tổ chức liên hoan, dạ tiệc. Nói chung là một sự chọn lựa mà giới trẻ Thái rất thích.

Tổng cục du lịch Thái đón và mời khách Thừa Thiên Huế dùng bữa, ngắm hoàng hôn trên dòng Chao Phraya

Ayutthaya được vua  U-Thong khai lập vào năm 1350 và trở thành kinh đô của vương quốc Ayutthaya, tức Xiêm La ngày trước và Thái Lan ngày nay. Năm 1767 trong cuộc xâm lăng của người Miến (Myanma), Ayutthaya bị phá hủy gần như toàn phần. Phế tích xưa nay được duy trì là công viên lịch sử Ayutthaya và đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ayutthaya bây giờ là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Ayutthaya. Sông Chao Phraya cũng bình thường như những con sông khác ở miền Nam nước ta với dòng nước ngầu đục phù sa và nhiều bèo lục bình. Sông không lớn, nhiều đoạn chỉ rộng hơn sông Đông Ba của Huế đôi chút. Cảnh sắc hai bên cũng không có gì đặc biệt cho đến lúc thuyền đi vào địa phận công viên lịch sử. Hình ảnh các phế tích của Cố đô Ayutthaya in đậm trên nền hoàng hôn đúng là đẹp và phảng phất chút gì đó rất liêu trai. Thuyền trôi chầm chậm, đủ cho khách thong thả vừa ăn, vừa ngắm cảnh, vừa miên man với những ý nghĩ về câu chuyện của chiến tranh-hòa bình, bài học đau thương mà nhân loại học hoài vẫn chưa thuộc...

Khi mặt trời đã khuất hẳn và màn đêm bắt đầu buông, một cô bé trên thuyền mang bánh mỳ đi mời chào. Đó có vẻ là những ổ bánh mỳ nguội tồn dư sau mỗi ngày kinh doanh. Khách nhiều người đang chưa hiểu thì đã được giải thích là thuyền sắp đi vào vùng nước của một ngôi chùa Thái. Đó là nơi có rất nhiều cá. Tự nhiên chứ không phải cá nuôi, nhưng không hiểu sao chúng chỉ sống quanh quẩn ở vùng nước trước chùa. Khách du lịch khi đến đây vẫn thường mua bánh mỳ cho chúng ăn, vừa để xem cá, vừa như một hình thức cầu phước. Bánh mỳ vừa thả xuống, lập tức cá đàn đàn lớp lớp đổ về đặc kín mặt nước. Đó là giống cá da trơn, trời tối, nhưng nhiều người khẳng định chúng là cá tra, cá ba sa- giống cá mà bà con ở miền Tây Nam Bộ vẫn nuôi rất nhiều. Không bị đánh bắt, lại thường xuyên... xơi bánh mỳ, nên con nào con nấy to tổ chảng, rất khiếp. Ở Huế, cái khe nước tự nhiên chảy ngang trước chùa Trúc Lâm gần cầu Lim (Thủy Bằng- Hương Thủy) cũng có rất nhiều cá, toàn là cá lóc. Nghe nói đó là cá được phật tử phóng sanh, và cũng không hiểu tại sao mà chúng không bỏ đi nơi khác, cứ sống quần cư quanh quẩn ở đoạn khe trước chùa vậy. Nhiều con sống lâu năm, rất lớn, vảy nổi rêu nổi mốc theo thời gian. Không rõ các hãng lữ hành có biết mà dẫn khách đến tham quan (?)

Và sông Hương...

Đêm Ayutthaya, cứ thao thức miên man đủ chuyện bao đồng. Và chiếm chỗ nhiều nhất trong tâm trí tôi vẫn là dòng Hương xứ Huế. So với Chao Phraya, dù có khiêm tốn bao nhiêu đi nữa thì sông Hương quê tôi vẫn ở ngôi vị nữ hoàng. Vậy mà, ngoài món ca Huế ra đời đã lâu mà vẫn đang trên qúa trình hoàn thiện và tái hoàn thiện, những nhà làm du lịch quê tôi hình như vẫn chưa tổ chức được một dịch vụ gì ra tấm ra món để phát huy và khai thác thế mạnh của dòng sông huyền thoại. Quả là hơi tiếc! Ngay đơn giản như tiếng máy thuyền thôi, ồn ào thô thiển so với “mình rồng” và dáng sông, đã có không ít góp ý mong cải thiện nhưng nào có đổi thay. Sau này, một doanh nghiệp du lịch đã kết nối với cơ quan di tích để đưa chiếc ngự thuyền phục chế vào khai thác. Đó là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ sẽ rất khó nhân rộng. Đơn giản là kinh phí cho việc phục chế một chiếc thuyền ngự là rất lớn, tiền đâu cho xuể để tậu được cả đoàn thuyền mà làm du lịch. Cho nên, dịch vụ trên ngự thuyền chỉ- và nên- phục vụ cho một bộ phận khách sang, đủ sức chi tiêu đẳng cấp. Còn mang tính “phổ thông” cho quảng đại du khách như ở Chao Phraya của Ayutthaya, phải có một sự tính toán phù hợp.

Một “show” ăn tối ngắm hoàng hôn sông Hương nếu được tổ chức chuyên nghiệp, chăm chút thường quy chắc chắn sẽ hút khách. Và chừng ấy thôi cũng đã góp phần đáng kể kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến Huế. Con số gần 30 triệu du khách tới Thái mỗi năm thật hấp dẫn, và trong đó hẳn có một phần góp sức của dịch vụ trên sông Chao Phraya.

Chao Phraya làm được. Sang trọng, đẳng cấp như dòng Hương xứ Huế, chẳng lẽ lại đành chấp nhận phí hoài?

HUY KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển mùa

Đã qua tiết thu phân. Ngọn gió ngoài sông phả về hơi lạnh nghe ra mùi hương đất đai kỳ hoai ủ. Con nhóc giờ này năm xưa rén nhẹ bước chân vo bơ gạo độn khoai, rang thêm mẻ hạt dầu với ruốc. Một phần cho mẹ ra đồng, phần nữa con theo đám các bà dì đi qua chợ huyện rồi đến trường học. Những ngọn đồi mù mịt trong mưa. Đứa trẻ mắt nhắm mắt mở thấy mình mãi vòng quanh không qua hết bìa rừng... Nó ứa nước mắt thèm ngủ vùi trong mùi lá còn vương.

Chuyển mùa
Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương
Sai sai, ngược ngược…

Tuần vừa rồi, tôi có dịp trở lại thành phố Đà Lạt, được thưởng thức đêm cồng chiêng dưới chân núi Langbiang huyền thoại - một trong những hoạt động được đánh giá là hấp dẫn nhất về đêm tại thành phố ngàn hoa.

Sai sai, ngược ngược…
Mùa trái chín

Sau những cơn dông ngột ngạt hơi nóng của đất và cỏ mục, tiết trời chuyển thu như chỉ sau một đêm về sáng. Nghe trong tiếng vạc kêu khuya kéo theo làn sương mỏng về bên sông. Những khu vườn như vàng lên theo từng gân lá. Bình minh rộng mở. Không gian dìu dịu màu nắng và mùi hương hoa cỏ, trái chín. Mặt nước sông Hương nhuộm sắc trời thiên thanh. Phố quanh quanh, làng tiếp nối cho đến tận đường viền của ngọn núi Phụng mơ hồ một màu tím trong mây nhạt.

Mùa trái chín

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top