Tôi có một thời gian sinh sống, học tập ở TP Hồ Chí Minh (TP HCM). Thỉnh thoảng vào dịp hè, bạn bè tôi đều thuộc loại son rỗi cả nên thường gạ gẫm nhau “góp gió” đi du lịch chơi. Danh sách các điểm được đưa ra, và Huế bao giờ cũng nằm trong “top” được ưu tiên lựa chọn. Dĩ nhiên, trong đó có lý do vì ở Huế có nhà tôi, sẽ... đỡ một phần chi phí lưu trú. Nhưng tôi biết, lý do quan trọng hơn là vì Huế quê tôi từ lâu lắm rồi đã ở trong tâm khảm của nhiều người. Và ai cũng muốn trong đời sẽ được đôi lần ghé qua...
Tiềm năng hiếm có
Cũng phải thôi, quần thể di tích Cố đô Huế với hệ thống thành quách, lăng tẩm... đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới đầu tiên của Việt Nam từ năm 1993; tiếp đó là Nhã nhạc cung đình được UNESCO công nhận Di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại; hệ thống chùa chiền với nhiều ngôi cổ tự danh tiếng toạ lạc trên vùng đất được mệnh danh là kinh đô Phật giáo; dòng sông Hương huyền thoại làm nao lòng bao tao nhân mặc khách; Bạch Mã- Đà Lạt của miền Trung; Lăng Cô- Vịnh đẹp thế giới; hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai rộng đến 22.000 hecta ẩn chứa trong lòng nhiều “của ngon vật lạ” hiếm có; các ngôi làng cổ, các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã từng tạo tác nhiều sản phẩm nổi tiếng như đúc đồng (phường Đúc-Huế), gốm Phước Tích, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, rèn Hiền Lương, kim hoàn Kế Môn (Phong Điền), tranh giấy làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên (Phú Mậu-Phú Vang),... Đặc biệt là nếp sống khoan thai mà thâm trầm, sâu lắng của người Huế...Tất cả đã tạo nên sức cuốn hút đến khó cưỡng đối với du khách gần xa. Vậy nên không có gì khó hiểu khi một thời du lịch Thừa Thiên Huế đã giữ vị trí top đầu của đất nước. Xin được dẫn một vài thông tin đã được công bố để minh chứng: “Sau khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại (1993), khách du lịch đến Huế tăng vọt, từ chỉ khoảng 8.000 lượt của năm 1990 lên đến 200.000 vào năm 2000, gấp 25 lần! Mức đóng góp của du lịch vào GDP của tỉnh tăng từ 1,43% (năm 1990) lên 5% (năm 2000). Huế trở thành điểm đến số một ở miền Trung...”.
Tổ chức các kỳ Festival Huế là một trong những nỗ lực để làm lấp lánh thương hiệu vănhóa-du lịch của vùng đất Cố đô.
Ảnh: Diên Thống
Sức hấp dẫn của Thừa Thiên Huế như thế nên sự chọn lựa điểm đến là Huế của bạn bè tôi từ thành phố phương nam xa xôi năm nào cũng là lẽ thường tình dễ hiểu...
Nỗ lực không ngưng nghỉ
Đời sống xã hội ngày càng phát triển. Nhu cầu dịch chuyển, thăm thú của mọi người cũng tăng dần. Ngành dịch vụ du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng thể nền kinh tế. Các địa phương do vậy tăng cường đầu tư, tăng cường quảng bá cho các điểm đến của đơn vị mình. Cuộc cạnh tranh trong du lịch ngày mỗi quyết liệt khiến vị thế của Thừa Thiên Huế trên bản đồ du lịch quốc gia có dấu hiệu “mờ” đi mà trên các diễn đàn, trên báo chí nhiều người gọi là “tụt hậu”. Trong cơn lốc cạnh tranh đó, với sự lãnh đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh, sự nỗ lực tối đa của ngành văn hoá, thể thao và du lịch (VH-TT-DL) bằng việc bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung khai thác, phát huy giá trị di sản văn hoá, các hoạt động lễ hội, tăng cường quản bá, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch... du lịch Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Năm 2010 tổng lượt khách đến Thừa Thiên Huế đạt 1,5 triệu (tăng khoảng 12%), doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2009). Đến năm 2011 vừa rồi, trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn còn suy thoái, kinh tế trong nước đối mặt với lạm phát, trượt giá... nhưng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế vẫn tăng. Theo báo cáo của ngành VH-TT-DL, lượt khách đến đạt con số hơn 1,7 triệu (tăng 11% so với năm 2010), trong đó khách quốc tế đạt 702.000 lượt. Ngày lưu trú bình quân đạt 2,06 ngày. Doanh thu du lịch đạt gần 1.700 tỷ đồng (tăng 21% so với kế hoạch). Doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt 4.100 tỷ đồng, cho thấy du lịch đã giúp cho nhiều người có việc làm, có thêm thu nhập. Đây là điều hết sức ý nghĩa.
Tam Giang, một góc nhìn. Ảnh: Minh Trí
Diễn ra từ ngày 7-15/4, Festival Huế 2012 có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” gắn với khai mạc Năm du lịch quốc gia 2012 với chủ đề “Du lịch di sản. “Festival Huế 2012 còn gắn với chủ trương của Bộ Ngoại giao về hoạt động “Giao lưu văn hoá Đông Á - Mỹ Latinh thông qua Festival Huế” và Hội nghị toàn thể lần thứ 13 Liên đoàn các thành phố lịch sử sẽ diễn ra tại Huế.
Tại Festival Huế 2012, Ban tổ chức sẽ xét chọn các đoàn nghệ thuật tiêu biểu theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả.
|
Cũng trong năm 2011, Sở VH-TT-DL đã tích cực triển khai xây dựng dự án khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch về đêm, xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch vùng đầm phá, du lịch cộng đồng; tập trung khai thác một số sản phẩm như tham quan làng cổ Phước Tích, Cầu ngói Thanh Toàn, Khu nghỉ dưỡng Thanh Tân, Làng hoa giấy Thanh Tiên, võ thuật Vạn An... Đặc biệt là đã phối hợp với Tập đoàn Akitek Tenggara tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế „Xây dựng thương hiệu du lịch Thừa Thiên Huế“, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hoá, các doanh nghiệp du lịch... trong và ngoài nước nhằm tìm ra những định hướng và giải pháp tạo bước đột phá trong phát triển du lịch... Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tiếp tục được tập trung đẩy mạnh, nhất là hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ 2012 do Huế đăng cai như tổ chức thành công chương trình „Khai hội văn hoá du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế 2011“; Hội nghị xúc tiến du lịch 2011 tại Hà Nội, Tp HCM; tham gia Hội chợ ITE HCMC tại Tp HCM và Hội chợ JATA Tourism Forum & Trade show 2011 tại Nhật Bản; Hội chợ xúc tiến đầu tư Du lịch tại Khonkean Đông Bắc Thái Lan; Hội nghị liên kết du lịch tại Phú Yên; Chương trình „Đêm Huế ở phương Nam“ với sự tham gia của hơn 500 doanh nhân thành đạt đã và sẽ đầu tư vào Thừa Thiên Huế; xây dựng bản đồ du lịch Huế để tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn du khách đến Huế, đặc biệt là khách du lịch tàu biển...
Việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cũng được ngành VH-TT-DL coi trọng. Trong năm 2011, Sở VH-TT-DL đã phối hợp với Trường cao đẳng Nghề du lịch Huế tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý khách sạn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho gần 500 lái-phụ xe vận chuyển khách du lịch; bồi dưỡng nghiệp vụ buồng, lễ tân và tổ chức thi nâng bậc nghề cho 158 nhân viên trong ngành... Những hoạt động trên góp phần khắc phục những khiếm khuyết trong phục vụ, để lại niềm vui và sự hài lòng, thiện cảm cho du khách khi đến Huế...
Mục tiêu 50% GDP
Những ngày này, Huế như sôi động hẳn khi Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 với chủ đề “Du lịch Di sản” đã khởi động với nhiều hoạt động ngay từ đầu năm: Đại lễ cầu nguyện Quốc thái dân an; Lễ hội Đền Huyền Trân; Lễ hội thơ Nguyên Tiêu... Đặc biệt, khắp nơi ai ai như cũng đều nao nức chờ đến tháng 4, thời điểm mà Năm Du lịch Quốc gia gắn với Festival Huế 2012 chính thức khai mạc với nhiều hoạt động văn hoá-lễ hội đặc sắc; với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, nhiều đoàn nghệ thuật tiêu biểu của trong và ngoài nước. Nói về Fesstival Huế năm 2012, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Điểm đặc trưng nhất của Festival Huế 2012 là việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, cho nên các loại hình nghệ thuật là một trong những điểm nhấn để Huế giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Để làm việc này trong các lễ hội, ngành VH-TT-DL đã huy động các nhà khoa học, các chuyên gia xây dựng kịch bản, đưa các lễ hội này đảm bảo tính chân xác. Bước tiếp theo là đưa những lễ hội này trở thành những sản phẩm du lịch chứ không chỉ dừng lại ở khía cạnh biểu diễn. Đó mới là chiến lược bền vững mà tỉnh đang hướng đến...“.
Tính đến hết năm 2011, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 535 cơ sở lưu trú với tổng số 9.800 phòng, 17.500 giường. Công suất phòng hoạt động bình quân đạt trên 60%.
|
Cùng với Festival Huế 2012, xuyên suốt trong năm 2012 sẽ diễn ra hơn 30 chương trình, hoạt động do Bộ VH-TT-DL, tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh Bắc Trung Bộ tổ chức. Đây là cơ hội để Thừa Thiên Huế quảng bá hình ảnh và giá trị văn hóa của vùng đất Cố đô. Thừa Thiên Huế phấn đấu thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách trong Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2012, tạo nguồn thu từ 2500-3000 tỷ đồng và dịch vụ du lịch sẽ đóng góp 46-48% trong tổng sản phẩm GDP của tỉnh. Hướng đến năm 2015 dịch vụ và du lịch sẽ chiếm khoảng 50% GDP- là tỷ lệ cao nhất cả nước, cũng là sự thể hiện việc phát huy giá trị di sản, văn hóa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương - Ông Phan Tiến Dũng khẳng định khi trả lời báo chí .
Quyết tâm tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia và Festival Huế 2012 cũng là một trong những nỗ lực của ngành VH-TT-DL nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh, trong đó có mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là Trung tâm Văn hoá, du lịch đặc sắc của Việt Nam, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Huyền Diệu