Nhâm nhi một tách cà phê, ngồi ngắm những bức ảnh với đủ mọi chủ đề về cuộc sống người dân, thiên nhiên xứ Huế. Một chiếc xe bus chở một đoàn khách du lịch nước ngoài khoảng vài chục người đậu ngay trước quán, ông chủ vội vàng nở nụ cười thân thiện, niềm nở đón khách, chào hỏi khách bằng tiếng Anh một cách lưu loát. Những vị khách cũng hồ hởi chào “Mr Cu” như là người quen nhau từ lâu. Ăn uống xong, mỗi du khách tự động chọn cho mình những tấm bưu ảnh Huế và vui vẻ xin ông chủ chữ ký phía sau món quà. Sự thân tình đó khiến chúng tôi phải tò mò về ông chủ của quán Mandarin, số 24, đường Trần Cao Vân, TP Huế.
Đưa hình ảnh Huế “đi đây đi đó”
Bước vào quán Mandarin, đập ngay trước mắt chúng tôi là những bức ảnh đủ loại kích cỡ lớn bé treo dọc bên tường. Nhìn vào đó, ít ai ngờ chủ nhân của chúng chỉ là một người chụp ảnh nghiệp dư, ông tên Phan Cử.
Phan Cử rất thích tìm kiếm hình ảnh Huế ở các làng quê ven đô. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đến với nhiếp ảnh khi đã qua tuổi 40, ngoài chiếc máy ảnh hiệu Mamiya cũ rích mượn được của một người bạn, ông không biết gì hơn về chụp ảnh. Nhưng bằng niềm đam mê nghệ thuật và tình yêu cuộc sống, ông đã trở thành một tay máy tài tử nhưng rất độc đáo ở Huế. Phan Cử đặt chân đến mọi vùng đất của Huế, đến với người dân tộc ở A Lưới, rảo qua vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, những buổi sinh hoạt chợ bên sông.
Lúc đầu, ông chỉ dùng những bức ảnh trưng bày trong quán của gia đình để trang trí. Sau đó, vì muốn có một chút quà cho du khách mỗi lần ghé thăm quán, ông in thành những tấm bưu ảnh nhỏ, gửi tặng cho khách miễn phí. Cứ thế, những bức bưu ảnh kèm chữ kí của ông chủ quán Mandanrin theo chân các đoàn khách du lịch đến nhiều nước trên thế giới. “Tấm bưu ảnh không mấy tiền nhưng có thể đưa hình ảnh Huế đi đây đi đó, để họ hiểu hơn con người, thiên nhiên xứ Huế”, ông Cử bộc bạch.
Tình cờ trong một lần đến làm việc, năm 1997, ghé thăm Huế, vào quán Mandarin, ông Gérard Amigues, phụ trách về văn hoá của hội đồng Lot, nước Pháp đã gặp Phan Cử. Cảm mến tài năng của Phan Cử, Gérard Amigues mang gần 100 bức ảnh mà Phan Cử gửi tặng về nước Pháp tổ chức triển lãm mang chủ đề “Phan Cử, cái nhìn về Việt Nam” tại thị trấn Cahors, nước Pháp. Sau này, trả lời một tờ báo của Pháp về lí do tổ chức buổi triển lãm, ông Gérard Amigues, nói: “Tôi không thể ích kỷ giữ nó riêng cho tôi được, tôi muốn chia sẻ những hình ảnh Việt Nam qua cái nhìn của Phan Cử, cho người nước ngoài xem để họ hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam. Và tôi cũng muốn bán những bức ảnh này làm chi phí cho Phan Cử sang gặp các nhà nhiếp ảnh lớn trên thế giới vào mùa xuân tại Cahors”.
Từ đó, cuộc đời của người tự xem mình là “đứa trẻ của dòng sông” (đây cũng là tên của cuộc triển lãm ảnh của Phan Cử sau đó, tổ chức tại thị trấn Limogne, tỉnh Lot, nước Pháp, năm 1999), cùng với quán Mandarin và những bức ảnh của ông được một số tạp chí du lịch nước ngoài đưa vào như một điểm dừng chân của du lịch ở Huế, Việt Nam.
Cái bình dị rất đặc biệt
Hình ảnh một ông già mang lỉnh kỉnh những chiếc máy ảnh, cùng đi với khách nước ngoài lang thang săn ảnh đã trở nên quen thuộc với người dân các làng quê ven Huế. Những xóm vạn đò nghèo, những đứa trẻ quê hồn nhiên, những con hói hiền lành (con kênh theo cách gọi người Huế), những ruộng lúa thanh bình, những gánh hàng rong đi trong mưa gió lạnh buốt… đó là hình ảnh của một Huế - Việt Nam bình dị xuyên suốt trong tất cả tác phẩm của ông. Một vẻ đẹp bình dị nhưng không nhàm chán, đơn điệu, bởi nó được nhìn qua một con mắt rất tinh tế. “Du khách nước ngoài rất thích nhìn Việt Nam bằng những hình ảnh đời thường chân thực”, Phan Cử cho biết.
Hình ảnh bình dị của Huế mà Phan Cử miệt mài tìm kiếm đã theo du khách
"đi đây đi đó’ quảng bá cho du lịch Huế - Việt Nam. Ảnh: trang web www.mrcumandarin.com
Phan Cử xem du lịch và chụp ảnh như là thú chơi riêng của mình. Ông nói du lịch không phải đâu xa xôi mà chính ngay nơi mình đang sinh sống. “Có những góc phố, góc làng của Huế trong ảnh của tôi, nhưng ngay người Huế khi xem ảnh của tôi đã hỏi: chỗ mô ri ?”. Không ngừng khám phá “Huế mình” tức là khám phá “chính mình”, đó chính là nghệ thuật nhiếp ảnh của Phan Cử. Ông chụp say sưa không biết chán về đời sống bình dân: phiên chợ quê, đánh cá trên sông, nông dân thu hoạch lúa, trẻ chăn trâu trên cánh đồng… Và sau cùng, ông muốn dùng những bức ảnh đó để quảng bá hình ảnh Huế với du khách nước ngoài.
Địa chỉ từ thiện cũng là những điểm đến rất nhiệt tình của Phan Cử. Ông thường xuyên tìm đến những trung tâm nuôi người già neo đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa mà ông cho là cần thiết với khách du lịch, các tổ chức từ thiện của nước ngoài. Không ít lần các tổ chức từ thiện như tổ chức từ thiện Eurasia Thụy Sĩ, tổ chức DOVE (Developmentof Vietnam Endeavors, Hoa Kỳ), Liên đoàn Bóng đá Na Uy..., nhờ ông làm người chỉ dẫn và giúp đỡ đến một số địa điểm để phục vụ hoạt động từ thiện ở Huế.
Thành lập năm 1991, quán “Mandarin café” của ông được xem là một trong những tiệm ăn du lịch đầu tiên ở Huế, và được đưa vào sách Guide book từ năm 1993. Không chỉ được du khách nước ngoài biết đến, nơi đây còn là một điểm hẹn, là cầu nối giữa những tấm lòng, những tổ chức từ thiện nước ngoài với người nghèo ở Huế. Một số nhân vật như đại sứ Na Uy, đại sứ Thụy Điển, vợ chồng GS Trần Thanh Vân mỗi lần đến Huế đều ghé thăm quán để gặp và gửi lời cảm ơn người “nhiếp ảnh gia” giản dị đã giúp họ trên con đường làm từ thiện và tìm hiểu Huế. Mối đồng cảm với người nghèo khổ của Phan Cử có lẽ xuất phát từ chỗ, ông vốn xuất thân từ dân nghèo. Ít ai biết rằng, Phan Cử sinh ra và lớn lên từ vạn đò Trường Độ (Thương Bạc bây giờ).
Chưa một lần những tác phẩm của Phan Cử được mang đi thi hay tham gia một hội, đoàn nào về nhiếp ảnh. Bản thân ông cũng không nhận mình là một nhà nhiếp ảnh. Nhưng, nếu bạn một lần ghé thăm quán Mandarin café, hoặc vào trang web www.mrcumandarin.com, ngắm nhìn những bức ảnh do ông chụp không qua xử lý photoshop sẽ thấy được cái tài ẩn trong con người bình dị nhưng rất đặc biệt này.
Tiến Long