Nhiều công trình được bảo tồn, tu bổ
Sau 30 năm thành lập và trưởng thành, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã khẳng định được vai trò vị thế trong nước cũng như quốc tế. Năm 2012, các lĩnh vực công tác của Trung tâm, từ hoạt động bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, hoạt động nghiên cứu khoa học, hướng dẫn, dịch vụ, hợp tác - đối ngoại, trưng bày cổ vật, đến gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá phi vật thể… đều hoàn thành với kết quả tích cực. Festival Huế 2012 – điểm nhấn quan trọng của năm Du lịch quốc gia - thành công rực rỡ, trong đó cũng có sự đóng góp nổi bật của tập thể cán bộ Trung tâm.
|
Khách thăm Đại Nội ngày mưa |
Với mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng, kỹ thuật ngày càng chuyên nghiệp, nhiều công trình di tích đã được bảo tồn, tu bổ với dáng vẻ nguyên xưa, từng bước thu hẹp không gian hoang phế, đổ nát ở Hoàng Thành, các đàn miếu và một số lăng vua triều Nguyễn. Có thể kể đến như: Điện Long An;Tây Khuyết Đài - Hoàng Thành; Nhà Tế Tửu; Xiển Võ Từ; các nhà vệ sinh khu vực Tả Vu, Hữu Vu, Thần Trù - Thế Miếu, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức và lăng vua Khải Định, hệ thống chống sét các điểm di tích, Tả Tùng Tự - lăng Minh Mạng. Đồng thời, thực hiện các công trình nối tiếp như: Thái Bình Lâu, hệ thống Kinh Thành, Đàn Xã Tắc, lăng Gia Long, cảnh quan bảo vệ khu vực lăng Minh Mạng, tổng thể lăng Đồng Khánh…
Là một trong những địa phương có quan hệ hợp tác quốc tế sớm, đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực bảo tồn di sản, Trung tâm BTDTCĐ Huế tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai thực hiện các dự án, chương trình ở các khu di sản. Như: lập hồ sơ dự án Bảo tồn và phục chế trang trí nội thất công trình Tả Vu - Đại Nội Huế và đào tạo kỹ thuật thuộc Dự án đào tạo kỹ thuật và bảo tồn do Đại sứ quán Đức tài trợ; thực hiện dự án tập huấn bảo tồn cho chuyên gia của các khu di sản ở Việt Nam do Ba Lan tài trợ; Phối hợp nghiên cứu, đào tạo và bảo tồn tại khu di tích Huế với Viện Di sản Waseda - Nhật Bản; Phục hồi Điện Chiêu Kính; lập hồ sơ đăng ký tiếp nhận tài trợ dự án bảo tồn trùng tu công trình Diên Phước Trưởng công chúa Từ.
Đạt được nguồn thu gần 10 tỷ đồng, nhiều hoạt động dịch vụ khai thác thuyền cung đình, đưa đón khách bằng xe điện, xe ngựa, voi… đã được khai thác khá hiệu quả trong năm qua. Trong đó, đáng kể nhất là hiệu quả từ dịch vụ đưa đón khách tham quan quanh Đại Nội bằng xe điện. Thời gian qua, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã đầu tư thêm xe điện, tuyển và đào tạo đội ngũ nữ tài xế với những kỹ năng giao tiếp với khách, kiến thức về các khu di sản Huế để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này. Trung tâm cũng đang có kế hoạch liên kết mở rộng dịch vụ đưa đón khách tham quan Kinh Thành Huế bằng xe điện. Tổng doanh thu từ vé tham quan và dịch vụ đạt hơn 104 tỷ đồng, lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ, tăng 24 tỷ so với năm trước.
Đón nhận cơ hội mới
Với các khu di sản Huế, sự kiện mới mẻ, tạo được lan toả trong năm là thành công của chương trình kích cầu du lịch “Di sản Huế - Tuần lễ của du khách”, diễn ra trong tuần cuối cùng của năm. Ý tưởng tổ chức tuần lễ vàng này là của 2 đơn vị Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế và Trung tâm BTDTCĐ Huế, được các doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở lưu trú du lịch hưởng ứng tích cực bằng những sản phẩm cụ thể. Tuần lễ đã có rất nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, nội dung phong phú nên dù thời tiết mưa và lạnh sâu vẫnthu hút hơn 45.000 lượt khách, tăng hơn 38,5% so với cùng kỳ năm 2011, đạt doanh thu hơn 2,8 tỷ đồng. Dịp này Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng đã đón lượt khách 2 triệu đến thăm di sản Huế.
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, phấn khởi: Mặc dù chúng tôi mới thực hiện thử nghiệm nhưng đã thu hút được sự quan tâm rất đặc biệt của du khách và cộng đồng. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi, trong đó có nhiều ý kiến rất thiện cảm và nhiều ý kiến góp ý rất có lợi để chúng tôi điều chỉnh cho phù hợp. Trong hoạt động kích cầu đầu tiên này, điều chúng tôi vui mừng nhất là Trung tâm BTDTCĐ Huế, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Khách sạn và các đơn vị khai thác dịch vụ đã thực sự nắm tay nhau để cùng chia sẻ trách nhiệm, lợi ích để cùng nhau khai thác tốt nhất những tiềm năng mà chúng ta đang có. Từ sự thành công này, chúng tôi sẽ có kế hoạch thực hiện thường xuyên trong năm 2013. Trước mắt, chúng tôi dự kiến mỗi quý tổ chức một lần.
Năm 2013 hứa hẹn tiếp tục là thời gian thuận lợi với di sản Huế khi cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã cho Thừa Thiên Huế cơ chế đặc biệt với việc hỗ trợ 800 tỷ đồng từ nay đến năm 2020, UBND tỉnh cũng đồng ý với đề án phát triển dịch vụ tại khu di sản. Năm nay, Trung tâm BTDTCĐ Huế tiếp tục thực hiện Đề án Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020; dành khoảng 94 tỷ đồng để tu bổ di tích; tập trung triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đã được UBND tỉnh phê duyệt; tiếp tục bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực của đơn vị… TS. Phan Thanh Hải chắc chắn: “Để tiếp nối thành công cho 2013, điều quan trọng nhất là phải biết phát huy những thành quả đã đạt được của 2012. Khắc phục những khó khăn mới nảy sinh, năng động, sáng tạo trên tất cả các mặt trận công tác, chủ động phối kết hợp với các ban ngành liên quan và cộng đồng để thực hiện các nhiệm vụ được giao”.
Năm 2012, Trung tâm BTDTCĐ Huế nhận được nhiều bằng khen và danh hiệu cao quý:
- Bằng khen Đơn vị xuất sắc tham gia Năm du lịch quốc gia 2012 của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch
- Giải Nhì giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh 2012 cho đề tài Sưu tầm sắc phong triều Nguyễn (không có giải nhất ở lĩnh vực khoa học xã hội)
- Bằng khen Đơn vị xuất sắc bảo đảm an ninh của Bộ Công an
- Hai nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu cao quý: NSND cho Nghệ sĩ Bạch Hạc và danh hiệu NSUT cho Nghệ sĩ Thanh Long
|