ClockChủ Nhật, 10/07/2016 09:13

Ngủ biển...

TTH - Ngủ biển gắn bó từ bao đời với những con người “ăn sóng nói gió” ở các làng quê ven biển.

Sau đêm ngủ, cát trắng cả chiếu

Anh bạn mỗi lần điện thoại cứ giục: “Về làng ngủ biển, ăn cá mi ơi. Thanh niên làng miềng (mình) đi làm ăn xa không ai ngủ biển, giờ tụi con nít rủ nhau ngủ biển vui lắm…”

Truyền nghề trên “khách sạn ngàn sao”

Mùa hạn, cây cối khô khốc, cát “rang cháy” chân người, những chiếc thuyền nan “úp mái” tu sửa chờ mùa cá mới. Lão ngư Lê Văn Lượng (70 tuổi, thôn 10, Điền Hòa, Phong Điền) trần mình giữa cái nắng đổ lửa quệt phân trâu vào đáy thuyền, lớp phân dày cộm, thoáng chốc khô rang rồi lão lấy chiếc cọ chế từ vỏ dừa phết tiếp lớp dầu rái đen bóng. “Kỹ nghệ” sơn thuyền đó có từ lâu và dân làng biển ai cũng thuộc nằm lòng. Lão bảo, mùa này lật ghe (thuyền) trét rái nhanh để đến tối ai đi ngủ biển có nơi mà trú nếu trời bất chợt đổ mưa nửa đêm.“Tháng 5 (AL) trời hạn là treo ghe. Khoảng độ nửa tháng sau cho ghe xuống “xông” bắt đầu mùa vụ mới. Dù đã khác xưa, người ngủ biển không còn đông, nhưng không phải rứa mà biển vắng. Tối mô lũ con nít cũng rủ nhau xuống biển ngủ. Những ai đi xa về quê cũng ghé biển ngủ một đêm để thỏa nỗi nhớ”, ông Lượng chia sẻ.

Mặt trời ló dạng cũng là lúc thu dọn mền chiếu rời biển

Ngọn ngành của câu hỏi tưởng chừng đơn giản tại sao đi ngủ biển thật khó lý giải. Những lúc trăng thanh, lớp ngư dân trẻ quê tôi thường đố nhau. Có người bảo, mùa hè, gió nam từng cơn thốc thẳng vào mặt người, ngủ biển để giải nóng nhưng cũng có người cãi rằng, ngủ biển cốt ngắm sao định hướng, người già truyền kinh nghiệm định hướng những chòm sao để sau này, con cái họ đi biển đoán được hướng trở về đất liền… Lý giải nào nghe cũng hay ho, ý nghĩa.

Ông Lượng kể: “Lúc trước mần chi có quạt máy, đến hè ai cũng đi biển ngủ. Con nít vọc cát, lặp dấu chân còng, đàn ông ngủ đợi nửa đêm đi biển, đàn bà ngủ để sớm mai phụ giúp chồng đẩy ghe, gánh cá. Cứ rứa chuyện đi ngủ biển truyền từ đời này đến đời khác, thấm vào tâm thức, máu thịt của ngư dân”. Nói đoạn ông ngâm những câu thơ được chắt lọc qua bao thế hệ người đi biển, lớp trước truyền miệng lớp sau: Ba mươi, mồng một nước cạn hôm mai/ Mồng một, mồng hai hôm mai cũng cạn; ba mươi, mồng một trâu cột nước lên… Và “tinh túy” đó được ngư dân truyền thụ ngay ở nơi mà họ gọi là… “khách sạn ngàn sao”. “Đã là ngư dân thì phải biết con nước ngày mô cạn ngày mô đầy, thời điểm mô thủy triều lên xuống mà biết đường cất ghe “đi tìm” con cá. Ngủ biển là thời điểm mình truyền kinh nghiệm và cho lớp trẻ thực hành ngay tại chỗ”, ông Lượng nói.

Theo những ngư phủ lão luyện, mùa hè con cá “có tật” đi ăn đêm, tìm kiếm “bạn tình” nên người đi biển cần xác định được luồng cá. “Con cá nục nằm dưới lùm chuông (lùm tre được ngư dân đặt ở biển để “dụ” cá), tùy con nước sinh, nước tử mà thả lưới trên hay dưới chuông. Nước tử là con nước thẳng (nước săn) cá không bao giờ bơi trên mặt nước, phải chờ đến khi con nước sinh (nước dịu) mới thả lưới. Mùa hè, khoảng 2 giờ sáng đi biển, đến 7 giờ sáng cho thuyền cập bờ, ngủ biển tiện bề xác định con nước, chọn thời điểm ra khơi. Chồng theo đuôi con cá, vợ ở đất liền vọng phu, thế hệ của tui là như rứa”, lão ngư Phan Văn Theo (thôn 11, Điền Hòa) chia sẻ.

Ngủ biển xuất hiện từ lâu ở các làng quê ven biển

Với ông Theo, gần 80 mùa ngủ biển giúp ông đúc rút thế này: “Trong các loại nghề đánh bắt, ngủ biển đúng dịp nghề kéo rùng. Nghề đi giật lùi ni ăn nhau biết chọn lúc thả rùng, ai theo nghề phải nằm lòng câu: “Nhất tắt quáng, nhì rạng đông”. Nghe tiếng chim sẻng (tên gọi một loài chim biển) ríu rít trên mặt nước thì phía dưới cá duội than, cá cơm, cá rò, cá me sẽ chạy theo đàn. Những kinh nghiệm đó tui đã truyền lại cho con cháu nhưng tiếc nghề này nay đã… biến mất”. “Trước đây tui hay đi biển ngủ để sáng sớm kéo rùng. Ngay trong đêm, dạo quanh bờ biển quan sát kỹ con nước, rứa là sáng ra ghe tui trúng đậm cá duội than mấy chục tràng, cả làng đều biết. Bà con ai cũng khen tui bủa rùng hay?!”, ông Theo khoe.

Biển se duyên

Giữa tháng 5, trăng sáng vằng vặc. Rìu vác chiếu ngồi ở hiên nhà anh Trung, mắt lim dim đợi bạn. Anh Trung rõ ý đồ hỏi: “Rủ cu Ri đi ngủ bại (biển) phải không? Để tau dẫn xuống”.

Xuống biển, anh Trung trải chiếu trên bãi cát trắng mịn. Những đứa trẻ quấn kín chăn, chừa cặp mắt ló nhìn trăng. Chúng là kết quả được se duyên chính vào những đêm trăng thanh tại bãi cát này. Hồi ức về những năm tháng đó, bố của 3 đứa trẻ ngượng ngùng: “Tui gặp mạ hắn (vợ) từ những lần vác chiếu xuống biển ngủ, ai cũng ngồi đợi ghe của ông già đi biển vô. Đợi có khi đến nửa đêm, lúc trăng sáng cùng nhau lặp dấu chân còng, vai kề vai, tay đụng tay thế là bén duyên từ lúc mô không hay. Ăn ở với nhau được 3 mặt con, tụi nó chừ đêm mô cũng đi ngủ biển, không biết rồi có như tui không”. Nghe chuyện ba “gặp” mạ ở biển Ri vùng khỏi chăn tò mò: “Rứa ba đẻ con ở đây à?”, câu hỏi “khó” khiến anh Trung chỉ biết gõ đầu Ri: “Tổ cha mi, ngủ đi!”.

Mùa hè, ở làng quê ven biển các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đều có người dân đi ngủ biển. Ở Thừa Thiên Huế, dọc theo các vùng biển bãi ngang Điền Hòa, Phong Hải (Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Vinh Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc)… người dân đi ngủ biển như lẽ thường của tự nhiên.

Không chỉ anh Trung, những “đêm tình” miệt biển se duyên cho nhiều đôi trẻ ở nơi đầu con sóng. Chị Trần Thị Tý (thôn 11, Điền Hòa, Phong Điền) e thẹn mỗi khi lật lại ký ức. Những lần vọc cát cầm tay, chia nhau nồi cá hơi (một số nơi gọi là cá ngọt) giúp chị và Hoàng thắm đượm tình quê. “Ai ở biển không nhờ biển se duyên chú.Thời buổi ni, thanh niên làm ăn xa, chứ thế hệ trước có khi tụi nó được đẻ ngay tại biển”, chị Tý cười xòa nửa đùa nửa thật.

Ngủ biển có nhiều chuyện oái ăm, chuyện trộm dưa, trộm khoai, mất cả áo quần khi thức giấc lúc bình minh… như một phần tuổi thơ của mỗi ngư dân. Đi ngủ biển, lớp thanh niên, trẻ con ai cũng thủ muối ớt hay sợi dây để đến khuya “đi phá”. Có người ngủ say, sáng hôm sau miệng mặn chát vì đầy muối, chăn mền “di động” sang chiếu bạn… “Khi tối em cởi áo, tuột quần dài thằng L. thu ở dưới vàng lưới. Hắn ngủ say không biết chi hết. Đến sáng, thằng L. tìm quần không ra phải cuốn chăn khắp người để lên nhà. Chi tối ni hắn cũng trả thù, ngủ phải…tỉnh mới được”, Trọng cười nắc nẻ. Ngồi kế bên, Quốc góp chuyện: “Tuột áo quần là bình thường, tau lấy dây dun (thun) cột hai ngón chân mạ (cái) của thằng V., thằng Đ. với nhau, tụi đó mở không ra rứa là ôm nhau ngủ suốt đêm”.

Một đêm lắng lại với làng, với biển gợi cảm giác man mác buồn. Biển vẫn xanh nhưng thuyền úp mái thưa dần theo năm tháng, không còn cảnh trẻ con tranh nhau nồi cá hơi buổi sớm hay đám thanh niên chọc ghẹo các cô gái gánh cá vượt cát khiến họ thả đòn gánh dũi cát hờn dỗi. Phía biển cách đất liền vài trăm mét sáng tinh sương, tàu giã cào ung dung nổ máy, đánh bắt, và nghề rùng, nghề dạ của ngư dân vùng bãi ngang biến mất âu cũng có những nỗi niềm riêng.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lối về ngõ hạnh

Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Lối về ngõ hạnh
TP. Huế tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, không để dịch bệnh bùng phát và hạn chế tối đa số ca mắc bệnh và tử vong, UBND TP. Huế chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024, đặc biệt là sốt xuất huyết và các bệnh dự phòng bằng vắc xin.

TP Huế tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Chủ động phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ vào mùa hè

Để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro đuối nước, tai nạn giao thông, hỏa hoạn, mắc, hóc dị vật…, nhiều phụ huynh đã chủ động trang bị các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích để bảo vệ con em mình.

Chủ động phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ vào mùa hè

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top