ClockThứ Sáu, 23/10/2015 14:56

Phát triển du lịch - cần những “cú hích”

TTH - Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong GDP của tỉnh. Tuy nhiên, để tạo được sự phát triển đột phá, du lịch cần những “cú hích”.

 

Tham quan Huế bằng xích lô

Đóng góp 56% GDP

Dù có nhiều khó khăn, Huế vẫn là một trong những điểm đến sáng giá của du lịch Việt. Cùng với du lịch di sản là nền tảng, việc liên kết phát triển các loại hình du lịch tâm linh, cộng đồng, đầm phá tạo được điểm nhấn. Việc triển khai các chương trình trọng điểm du lịch của tỉnh và tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012, các kỳ festival đã thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển. “Hội thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế 2014 đã hướng đến việc đầu tư, đưa cảng Chân Mây trở thành trung tâm du thuyền của Việt Nam. Hãng tàu Royal Caribbean Cruise của Mỹ đã đầu tư nâng cấp cầu cảng đón những chuyến tàu du lịch lớn nhất thế giới là bước khởi đầu đầy ấn tượng”, ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho hay.

Việc nâng cấp cảng Chân Mây sẽ gia tăng lượng khách tàu biển đến Huế

Liên tục từ 2012 đến nay, tỉnh luôn xác định phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng điểm. Điều đó thuận lợi cho việc tập trung các nguồn lực cơ bản để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm du lịch. Thứ nữa, công tác xúc tiến, quảng bá được đẩy mạnh, như: tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để công bố chương trình, sản phẩm và các gói kích cầu du lịch; xúc tiến du lịch ở các tỉnh miền Tây, tham gia hiệu quả các hội chợ du lịch tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh… Việc đẩy mạnh xây dựng tour tuyến du lịch nội địa, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong khu vực Duyên hải Bắc Trung bộ và cả nước được chú trọng, bên cạnh những biện pháp chấn chỉnh môi trường du lịch và lập lại trật tự đô thị của lãnh đạo tỉnh và TP Huế đã làm cho lượng khách tăng nhanh.

Khách du lịch mua sắm ở chợ quê

Ông Phan Tiến Dũng, TUV, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: “Phát huy thế mạnh về các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, Thừa Thiên Huế là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao so với cả nước trong hoạt động du lịch. Hiện tại, Thừa Thiên Huế có tốc độ tăng trưởng bình quân 15 - 17%/năm (cả nước là 10 - 11%/năm). Nếu năm 2010, Thừa Thiên Huế mới chỉ đón và phục vụ được 1,7 triệu lượt khách thì năm 2014 có 2,6 triệu lượt và dự kiến năm 2015 đạt 3,1 triệu lượt, tăng bình quân 12,2%/năm. Năm 2010, du lịch dịch vụ đóng góp 47 - 48%/vào GDP, bình quân 3 năm trở lại đây, đóng góp trên 50% GDP, riêng năm 2014 đóng góp 56% GDP của tỉnh”. Với những tiềm năng và thế mạnh có được, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; trong đó, Huế được xác định là trung tâm du lịch lớn nhất vùng.

Dù là địa phương có ưu thế dẫn đầu về lượng khách, nhưng sự phát triển về du lịch vẫn chưa tương xứng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: Hệ thống sản phẩm du lịch chính là văn hóa - di sản chậm đổi mới nên khả năng thu hút khách ít hơn giai đoạn trước. Di sản văn hóa ở Huế chỉ mới khai thác được một phần do khả năng nối kết khó khăn, các di tích, danh thắng khác chưa được đầu tư tu bổ hoàn chỉnh để thực sự trở thành các điểm du lịch hấp dẫn. Công tác xã hội hóa trong xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ còn yếu, các doanh nghiệp kinh tế, doanh nghiệp du lịch dịch vụ trên địa bàn nhỏ lẻ, thiếu đầu tư vào các dịch vụ cao cấp... 

Tạo đột phá

Theo ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, sản phẩm du lịch của Thừa Thiên Huế rất phong phú nhưng cần chăm chút lại, tạo được điểm nhấn. Văn hóa di sản là sản phẩm khác biệt với các địa phương khác nên vẫn là nền tảng, nhưng ngoài việc trùng tu, tôn tạo, phải làm mới dịch vụ, tức là thổi hồn vào sản phẩm để tăng sự tương tác với du khách. Ngoài ra, chú trọng kết nối du lịch tâm linh ngoài hệ thống chùa chiền; phát triển du lịch làng nghề, du lịch đầm phá, cộng đồng; nâng cao chất lượng biểu diễn ca Huế. Phát huy lợi thế của trung tâm y tế chuyên sâu để hình thành trung tâm du lịch chữa bệnh. Khai thác ưu thế cảnh quan thiên nhiên, di tích kết hợp với lễ hội để tham quan dọc tuyến sông Hương - phá Tam Giang bằng cả đường thủy lẫn đường bộ.

Hiện tại, khả năng kết nối sân bay quốc tế Phú Bài với các trung tâm trong khu vực vẫn thấp. Do vậy, phải chú trọng tháo gỡ, liên kết với các doanh nghiệp mở các đường bay nội địa. Ngoài nối Huế - TP Hồ Chí Minh - Hà Nội - Đà Lạt, cần nối tiếp Huế - Cần Thơ - Nha Trang và đường bay quốc tế nối Huế với các cố đô trong vùng: Huế - Luang Prabang (Lào) - Bangkok, Ayutthaya (Thái Lan) - Bagan (Myanmar). Xây dựng cảng Chân Mây là cảng biển du lịch quốc tế nối với Hạ Long, Vũng Tàu, Phú Quốc, Hong Kong, Singapore, Philippines...

Để tạo bước đột phá, cần có cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư có kinh nghiệm, thương hiệu, thực lực. Ông Phan Tiến Dũng cho rằng: “Cần nghiên cứu và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi đồng bộ, hợp lý để thu hút dòng đầu tư về du lịch, nhất là những nhà đầu tư chiến lược, như: Bitexco, BRG, Hilton, Hyyat, Marriott… để có những thương hiệu đẳng cấp đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, khách sạn, giải trí. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, các khu vui chơi giải trí hiện đại, trung tâm mua sắm có thể phục vụ cho đối tượng khách du lịch tàu biển và các đoàn có số lượng khách đông.

Công tác xúc tiến quảng bá cần được đẩy mạnh theo hướng hiệu quả, thiết thực. Trong đó, tập trung mở rộng xúc tiến và đổi mới hình thức quảng bá theo chiến lược phát triển sản phẩm, thương hiệu; tận dụng tối đa sức mạnh truyền thông qua các mạng xã hội. Bên cạnh thị trường khách nội địa là trọng yếu, tiếp tục đẩy mạnh các thị trường khách có mức chi tiêu cao, thị trường trọng điểm, như Tây Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và mới đây là thị trường Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… Du lịch Huế vẫn đang thiếu đội ngũ quản lý có trình độ, kỹ năng; thiếu đội ngũ buồng, bàn, lễ tân… có tay nghề và ngoại ngữ giỏi. Việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cần phải được chăm chút. Điều quan trọng không kém là nâng cao nhận thức làm du lịch dịch vụ cho người dân. Bên cạnh việc được tạo điều kiện tham gia và hưởng lợi thông qua sản xuất, kinh doanh trong du lịch, người dân cần chung tay tạo ra môi trường du lịch an toàn, thân thiện, chấm dứt nạn đeo bám, chặt chém du khách.

Bài, ảnh: MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top