|
Tiếp thị du lịch tại Cảng Chân Mây. Ảnh: Hà Giao
|
Có thể thấy mặc dù Thừa Thiên Huế có tiềm năng du lịch rất lớn, đặc biệt là du lịch văn hóa-di sản; cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, song những yếu tố đó chưa có những tác động tích cực đến sự phát triển mang tính đột phá của du lịch Thừa Thiên Huế tương xứng với vị thế của địa phương trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là trong một thời gian dài, hệ thống sản phẩm du lịch chính của Thừa Thiên Huế ít có sự thay đổi. Sản phẩm du lịch chính của Thừa Thiên Huế là du lịch văn hóa-di sản đã phát triển đến giai đoạn trưởng thành theo chu kỳ của quy luật và nếu không có sự đổi mới thì tính hấp dẫn của dòng sản phẩm này sẽ đi vào giai đoạn thoái trào, mặc dù thông qua nhiều lần tổ chức sự kiện Festival, nỗ lực này chỉ làm tăng lượng khách trong chỉ một thời gian rất ngắn (9 ngày) mà không thể giúp du lịch Thừa Thiên Huế có được bước phát triển mang tính đột phá.
Các dịch vụ bổ sung cho hoạt động du lịch còn quá hạn chế, nhất là dịch vụ vui chơi giải trí về đêm. Ngay cả ở TP Hồ Chí Minh, dịch vụ này không ngoài việc uống vài chai bia rồi về ngủ như báo chí nêu trong thời gian gần đây. Ảnh hưởng của tính mùa vụ cũng là hạn chế lớn trong hoạt động du lịch của Thừa Thiên Huế, du lịch nghỉ dưỡng sẽ bị ảnh hưởng lớn, trong lúc đó các tỉnh Nam Trung bộ từ Đà Nẵng trở vào hầu như không bị ảnh hưởng bởi yếu tố này.
Với tính chất là ngành kinh tế có tính liên vùng cao, du lịch cần loại bỏ khái niệm ranh giới hành chính mà cần có sự liên kết hợp tác một cách thực chất với các địa phương lân cận và đặc biệt với thành phố Đà Nẵng - nơi đang trở thành cửa ngõ lớn thứ ba của Việt Nam. Trong nhiều năm, sự liên kết vùng đã được đặt ra, song những cam kết này chủ yếu mang tính chính trị là chủ yếu, chưa thực sự đi vào thực chất.
Đã đến lúc phải nhìn nhận những thực trạng trên để có thể tạo ra những bước đột phá cho phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế. Đồng thời cũng cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận đối với sự nghiệp phát triển du lịch, cần phát huy những lợi thế so sánh của địa phương để có cách ứng xử phù hợp với các địa phương lân cận để liên kết phát triển du lịch vùng và khu vực. Theo tôi, những ý tưởng mới cần quan tâm là:
Hình thành thành phố du lịch Chân Mây-Lăng Cô
Ý tưởng này đã hình thành từ năm 1995 khi xác định tam giác Lăng Cô-Bạch Mã - Cảnh Dương là khu du lịch trọng điểm của vùng du lịch Bắc-Trung bộ nhằm giảm áp lực cho cụm trung tâm là Huế và vùng phụ cận, vốn phát huy các giá trị di sản văn hóa, tạo ra một khu vực đối trọng giữa “Huế xưa” với “Huế hiện đại”.
Đây là nơi hội tụ nhiều giá trị về cảnh quan, sinh thái, nổi bật là vườn Quốc gia Bạch Mã gắn kết với vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Trong thực tế, ý tưởng này đã bước đầu trở nên rõ nét khi Chân Mây đang dần trở thành một trong những trung tâm du thuyền lớn nhất của Việt Nam và vùng Đông Nam Á. Ý tưởng tạo dựng thành phố du lịch Chân Mây-Lăng Cô sẽ tạo sức hấp dẫn mới cho du lịch Thừa Thiên Huế, là sự kế thừa có chọn lọc ý tưởng đã được manh nha từ những năm 1990, khi tập đoàn Fujiken-Nhật Bản quyết định đầu tư vào khu vực này, và hiện nay tập đoàn Laguna Lăng Cô đang tiếp cận.
Dự án cụ thể cần được triển khai là hình thành Trung tâm du thuyền tại Chân Mây làm động lực cho thành phố này.
Phát triển du lịch đầm phá
Đây là bước phát triển đột phá thứ hai của du lịch Thừa Thiên Huế; là địa phương duy nhất trong vùng Đông Nam Á có vùng đầm phá trải dài gần 70 km, với diện tích mặt nước gần 22.000 ha với nhiều giá trị về cảnh quan, đa dạng sinh học và tài nguyên nhân văn trải dài trên 33 xã của 5 huyện; lợi thế này là rất lớn để phát triển những loại hình sản phẩm đặc thù có tính cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.
Để tạo động lực mới tại đây, cần kêu gọi dự án đầu tư trên vùng đầm phá, có thể tại Lập An hoặc tại Vinh Thanh làm động lực phát triển toàn vùng.
Làm mới sản phẩm cho du lịch văn hóa-di sản
Quần thể di tích Cố đô Huế - linh hồn của sản phẩm du lịch văn hóa di sản Huế đã đạt đến mức trưởng thành cao độ, vì vậy, cần làm tăng giá trị của nó, cần có một kế hoạch mang tính đột phá để trả lại một không gian cung đình xưa, đặc biệt với công trình Đại nội Huế.
Giải pháp khả thi là đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm dịch vụ của TTBTDT Cố đô Huế và đẩy mạnh xã hội hóa để làm mới các sản phẩm của quần thể di tích Cố đô Huế.
Khai thác dịch vụ trên sông Hương
Sông Hương không thể tách rời TP.Huế nói riêng mà còn có ý nghĩa với Việt Nam nói chung. Việc khai thác các dịch vụ trên dòng sông này cần được quan tâm, theo đó cần cân nhắc kỹ với dự án quy hoạch cảnh quan 2 bờ sông Hương do Tập đoàn Koica – Hàn Quốc đang triển khai nhằm có những thái độ đúng mực với những dự án đối 2 bờ của con sông huyền thoại này. Dòng sông này sẽ là nơi kết với giữa đất liền với biển thông qua hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu hai như đã nói ở trên.
Cần thiết xây dựng một dự án về quê hương Việt dọc 2 bờ sông Hương (có thể là Cồn Hến, hoặc Thủy Biều –Lương Quán);
Phát triển mạnh du lịch nông thôn, du lịch dựa vào cộng đồng
Việt Nam đang có 2 làng cổ được công nhận, trong đó có làng cổ Phước Tích; có 3 chiếc cầu mái ngói Việt Nam, trong đó có Cầu ngói Thanh Toàn; giá trị của làng quê Việt là ở đây, với những trải nghiệm của nền văn minh lúa nước sẽ là những kỷ niệm khó quên đối với các dòng du khách vốn đang theo chiều hướng về các sản phẩm du lịch phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.
Tất cả những ý tưởng trên nhằm tạo ra bước đột phá cho du lịch Thừa Thiên Huế cần có lộ trình và bước đi cụ thể từ nay đến năm 2020.