“Mưa dầm, thấm đất”
Thừa Thiên Huế có trên 500 di tích lịch sử cách mạng, lưu niệm danh nhân và sự kiện lịch sử. Nhiều di tích lịch sử cách mạng được trùng tu, tôn tạo và đưa vào tour tuyến tham quan. Hướng dẫn viên du lịch Vĩnh Hoàng cho biết: “Di tích lịch sử cách mạng là sản phẩm du lịch đòi hỏi sự am hiểu nên rất kén khách. Tôi thường đưa khách đi tour thăm lại chiến trường xưa ở A Lưới, hầu hết du khách, nhất là khách Anh, Mỹ đều tỏ ra thích thú. Tuy nhiên, để tạo sức hấp dẫn, thu hút của dòng sản phẩm này, cần sự đầu tư khai thác bài bản hơn”.
|
Khách du lịch trải nghiệm tour thăm lại chiến trường xưa ở A Lưới. Ảnh: Huetourist
|
Theo ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển Du lịch – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong số các dòng sản phẩm du lịch của Thừa Thiên Huế, du lịch địa danh lịch sử chưa phát triển mạnh. Loại hình du lịch này rất kén khách, đa phần là những đối tượng có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử, chủ yếu là cựu chiến binh. Họ đã lớn tuổi nên lượng khách ngày càng giảm. Thứ nữa, việc kết nối tour, tuyến chưa phát triển mạnh. Công tác quảng bá, giới thiệu chưa được quan tâm”.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho hay, xu hướng của du khách ngày càng thích các tour tham quan theo chủ đề. Vì thế, có thể xây dựng tour tham quan di tích cách mạng xuyên suốt theo chủ đề. Căn cứ cách mạng, chiến trường xưa là niềm tự hào của dân tộc. Mình cứ làm, “mưa dầm sẽ thấm đất”. Tôi tin rằng sẽ có khách, có thể hôm nay khách chưa đi nhưng tương lai sẽ đi.
Việc xây dựng sản phẩm du lịch thường tồn tại tâm lý: không có khách thì không làm, nhưng người ta quên mất một điều là cứ làm cho tốt rồi khách đến. Đây còn là câu chuyện cần sự hợp lực từ nhiều phía: đơn vị quản lý di tích, doanh nghiệp lữ hành, cơ quan chức năng và cả việc xây dựng lòng yêu thích tìm hiểu lịch sử của du khách từ trên ghế nhà trường. Phía đơn vị quản lý nhà nước cần tăng cường tuyên truyền quảng bá, tổ chức các Road show giới thiệu dòng sản phẩm này, tổ chức cho các đơn vị lữ hành cùng khảo sát, xây dựng sản phẩm. Ngoài ra, đơn vị quản lý di tích cần có quan hệ chặt chẽ, liên kết với các đơn vị lữ hành.
Ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, để di tích cách mạng trở thành một điểm đến du lịch phải có sự đầu tư đúng mức. Nhà nước cần dành nguồn kinh phí trong việc xây dựng, tôn tạo, trùng tu di tích, đồng thời có chính sách phù hợp thu hút các tổ chức, doanh nghiệp có tâm huyết đầu tư. Ví như, trên đường lên A Lưới, địa danh suối Máu là nơi xảy ra trận đánh ác liệt giữa bộ đội ta và địch. Bây giờ, nó là con suối trong xanh bình thường. Để khai thác du lịch ở địa danh lịch sử này, ít nhất cũng phải có bảng thông tin giới thiệu về lịch sử của nó, hoặc có thể xây dựng cụm tượng đài mô tả trận đánh… cho khách hiểu. Với những điểm di tích lớn, cần có nhà nghỉ và các thiết chế trong khu di tích phục vụ khách nghỉ ngơi và xem, phim ảnh tư liệu.
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế cho hay, công ty cũng hướng đến phát triển dòng sản phẩm này. Những địa điểm di tích cách mạng có tính hướng về cội nguồn với tất cả những gì thiêng liêng. Muốn khai thác du lịch ở những điểm đến này, phải hướng đến một đối tượng khách riêng. Để tạo ra sự thu hút, đòi hòi có sự đầu tư nghiên cứu để tạo cho sản phẩm thuộc tính riêng biệt so với những địa phương khác có dòng sản phẩm tương tự. Đồng thời, người tổ chức phải yêu thích lịch sử, am hiểu kỹ về di tích để thổi hồn vào nó. Vietravel đã tổ chức cho khách tham quan nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nổ và đường Mai Thúc Loan bằng xích lô. Tuy nhiên, để tạo thêm sức hút cho sản phẩm này cần có sự đầu tư kỹ hơn.
Làm sống lại lịch sử
Du khách, nhất là khách quốc tế thường đối chiếu những điều được nghe, được biết với những gì được chứng kiến. Các di tích phải xây dựng kịch bản tái hiện lại lịch sử cách mạng. Ông Nguyễn Quốc Thành đề xuất: “Phải làm sống lại di tích, thổi hồn để di tích trở nên sống động. Có thể chiếu những bộ phim mô tả, phim tư liệu về di tích đó cho khách xem. Nếu không, khách chẳng biết nhiều về nó. Chẳng hạn, muốn giới thiệu một cách sinh động cho du khách hiểu Khu chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ tại sân bay A So, A Lưới, vốn là nơi tập kết chất độc da cam đã hủy hoại cuộc sống của người dân Việt Nam, nếu chỉ vào bãi đất trống bây giờ thì khách khó cảm nhận được, cần cho khách xem những bộ phim tài liệu về nó hay những hình ảnh về tác hại của chất độc màu da cam, trưng bày hiện vật chiến tranh… để tăng tính hấp dẫn”.
Để “níu” chân du khách, những người quản lý phải biết thổi hồn vào di tích lịch sử thông qua những bài thuyết minh ấn tượng và huấn luyện đội ngũ thuyết minh viên có thể giới thiệu cho khách tham quan cảm nhận được giá trị lịch sử. “Do các di tích cách mạng gắn với ý nghĩa lịch sử, vì thế cần làm “mềm hóa” bằng cách gắn các hiện vật trưng bày với những câu chuyện cảm động, sâu sắc, tạo sức lôi cuốn. Có thể kể những câu chuyện lịch sử cảm động để du khách cảm nhận câu chuyện ấy dù thuộc về lịch sử nhưng không quá xa vời mà chân thật, gần gũi. Như mỗi lần tôi về thăm quê Bác ở Nam Đàn, Nghệ An là một lần rơi nước mắt khi nghe thuyết minh và lại muốn đến nữa”, ông Trần Viết Lực gợi ý.
Khi tổ chức tour về địa danh chiến tranh, có thể tạo cho du khách có những trải nghiệm thực sự ở di tích với những vật chứng của chiến tranh, như: những cái nón, mũ, cuốc, thuổng, gậy, gộc, hầm, hào..., nhân chứng sống động từng chiến đấu ở địa danh ấy kể chuyện lịch sử cho khách để thổi hồn vào tour. Ông Trần Quang Hào gợi ý: “Các điểm di tích phải tạo cho khách cảm giác trải nghiệm không gian hoang sơ của ngày xưa. Hiện nay, đường lên đồi A Bia đã được bê tông, tuy dễ đi nhưng lại mất tính nguyên bản. Ngoài tấm bia, ở đó cũng không có những vật dụng, hiện vật ngày xưa để khách chụp hình lưu niệm…”.
Ngoài ra, có thể kết nối các di tích lịch sử lại thành câu chuyện liên tục, thành mạch để dẫn dắt khách đi từ đầu đến cuối câu chuyện và kết thúc ở một điểm nào đó về du lịch; tổ chức cho khách được trải nghiệm, như: chui xuống hầm, đội mũ rơm, đi trên những cầu phao tránh bom... tạo nên sự hứng thú.