Giao lộ Trần Hưng Đạo - Lý Tự Trọng (Pleiku)
Cái se lạnh cuối mùa mưa đầu mùa khô là điều kiện lý tưởng cho hoa dã quỳ nở. Lúc tôi đến Biển Hồ Pleiku, những mảng vàng bắt đầu lấp ló, những dải lá cành có hơi hướng quấn quýt vào nhau chuẩn bị cho sự bùng lên thành vệt vàng nay mai thôi. Lúc đang cúi xuống nhìn thật gần một tổ hợp hoa – lá - cành dã quỳ, tôi bất chợt nhận ra yếu tố tạo nên sự chuẩn bị “bùng lên thành vệt vàng”chính là những vết nứt của nụ dã quỳ. Chưa hẳn đã thoát khỏi cái vỏ xanh bao bọc, cái nhú vàng lưa thưa không dễ thu hút ánh nhìn nhưng dễ để lại sự khắc khoải khi nhớ lại. Một sự chông chênh giữa ở lại và đi tới. Sự chần chừ giữa chạm vào và giữ khoảng cách. Cái trắc trở giữa mơ hồ và hiện thực. Cái khoảng cách thật mong manh. Vết nứt rất nhỏ trên nụ dã quỳ làm biến đổi chút sắc màu của lớp vỏ, vô tình tôn lên nét gợi cảm khó cưỡng khi hàng loạt vết li ti xếp liền nhau, hiệp lực chuẩn bị bung. Chỉ cần va phải một đợt gió chứa độ ẩm thấp hơn thường lệ, qua một đêm, mảng vàng lộ diện. Cái chấp chới chuẩn bị đi tới này là thời buổi hẹn hò của trời và đất, là thời điểm lớn dần lên những tầng nấc cảm xúc trong đời sống tâm hồn cư dân vùng cao.
Hàng cây Long Não trên đường Trần Hưng Đạo (Pleiku)
Hôm tôi đang len lỏi đi sâu vào con hẻm triền đồi vùng ven Pleiku bất chợt thấy một mảng vàng khác lạ trong một quán cà phê nhỏ. Cũng là dã quỳ nhưng sao có màu vàng chói chang hơn hẳn cùng thời điểm. Thùy – cô chủ quán trẻ từ Huế lên lập nghiệp – nở nụ cười thật duyên tiết lộ: “Đó chỉ là nhờ một mẹo nhỏ anh à”. Thì ra, cô sắp xếp mảng dã quỳ này ở hướng có mặt trời chiếu sáng nhiều nhất trong khu vườn. Cộng thêm một mảng kính phản chiếu tạo hiệu ứng ánh sáng nhẹ làm cho dã quỳ bừng sáng hơn. Chợt nhớ khi xưa người Pháp đưa vào trồng tại các đồn điền Lâm Viên, dã quỳ còn có một tên gọi khác: “Hướng dương Mexico”. Thì ra, loài hoa này rất cần ánh nắng. Và dã quỳ sẽ hướng thẳng về ánh mặt trời để rực rỡ. Để khoe sắc và như để nhắc nhở nhân loại cần hướng về phía mặt trời. Như thế mới thuận lẽ trời đất.
Ánh nắng bình minh Tây Nguyên có sự khác nhau tùy vào độ cao của đô thị đó. Như Kon Tum, ở độ cao 520 mét so với mặt nước biển, ánh mặt trời lúc sáng sớm cũng khác những nơi khác. Mặt trời nơi đây xuất hiện sớm hơn Pleiku, Buôn Mê Thuột, Gia Nghĩa hay Đà Lạt. Cầu treo KonKlor ở gần trung tâm thành phố Kon Tum là nơi lý tưởng nhất để đón ánh bình mình. Cây cầu gỗ nhỏ bắc qua sông chỉ đủ cho từng chiếc xe máy qua một lượt nhưng lại rất duyên cho những khoảnh khắc chụp ảnh “check-in”. Trong buổi chạy bộ lúc bình minh, tôi tình cờ gặp vợ chồng Natalie (người Canada) đang say sưa chụp ảnh trên cầu treo KonKlor. Họ để ống kính ngược nắng như cố tình hứng một chút vàng rộm ửng lên góc khuôn hình. Nơi góc khuôn hình có đọt cây tre vàng đặc trưng Kon Tum đang đung đưa. Nếu may mắn chọn đúng thời điểm, tia nắng vàng rộm sẽ làm biến dạng và biến sắc đọt tre, gây hiệu ứng tạo hình rất “ép-phê”. Cũng là màu vàng đặc trưng của mặt trời đầu mùa khô Tây Nguyên nhưng nhìn từ phía cầu treo KonKlor lên hướng núi, ánh dương thật mềm mại nhờ chút cộng hưởng từ hơi nước lúc bình minh. Vợ chồng Natalie đang có chuyến du lịch Tây Nguyên và từng có thời gian dài làm việc cho dự án rà phá bom mìn ở Quảng Trị, A Lưới. Khoe bức ảnh vừa chụp, Natalie thốt lên: “Bạn thấy không? Có cả một tấm áo choàng vàng rực trên đỉnh núi kia kìa”. Tôi đưa tầm mắt lên trên núi cao, cố hình dung cái màu vàng ảo diệu đó. Không biết cái màu vàng trên kia có màu của dã quỳ đang mùa chớm nở hay không. Cũng có khi, một cơn mưa vừa dứt đi để lại nỗi nhớ mơ hồ về mùa cũ đã qua nhưng còn chùng chình vắt qua không gian. Chia tay vợ chồng Natalie, khi xuống phố, tôi gặp một chùm hoa chuỗi ngọc còn sót lại từ cuối mùa hè. Loài hoa này vốn nở rực trên các con phố Kon Tum khi hạ về, nhưng sao bây giờ đã sang đầu đông vẫn còn đây. Phải chăng, lại là một sự níu giữ nào đó? Chợt nhớ một đoạn tản văn của người bạn xứ Truồi Ngô Công Tấn từng viết về hoa chuỗi ngọc Kon Tum: “Lang thang giữa đất trời dài rộng, những chùm hoa chuỗi ngọc rung rinh trải dài hút tầm mắt rực sáng cả cơn mê”. Phải chăng, bạn tôi còn gửi lại chút tâm tình gì ở chốn “bảng lãng trời mây, dốc võng đánh đu chân bước” nơi phố núi Kon Tum này?
Bình minh trên cầu treo KonKlor (Kon Tum)
Trở lại phố núi Pleiku. Trở lại những câu thơ năm xưa của Vũ Hữu Định: “Phố núi cao phố núi trời gần… Phố xá không xa nên phố tình thân…”, cũng là để trở về “con đường tình nhân” Trần Hưng Đạo. Con phố này có độ dốc thoai thoải, vừa đủ cho những tà áo dài trắng tung bay nhẹ khi lên hay xuống dốc. Chỉ những người tản bộ thật khoan thai mới cảm nhận hết nét duyên dáng của từng đoạn dốc nhỏ. Lần này, tôi chìm vào màu trắng của phố núi. Màu trắng đích thực của sương mù! Từ dưới nhìn lên, một làn hơi lưng chừng con dốc, như chiếc khăn len mỏng khoác ngang eo thiếu nữ. Khoan vội rời mắt khỏi làn sương trắng ấy vì chỉ trong chốc lát, một đoàn nữ sinh áo dài trắng đạp xe đi qua sẽ lưu dấu ấn vào cặp mắt si tình của lữ khách. Đôi mắt là chiếc camera rõ nét nhất và lưu trữ sâu sắc nhất những nét hình mỹ miều. Hèn chi, qua bao thế hệ học trò Pleiku, con phố Trần Hưng Đạo vẫn mãi mãi là con đường tình đi vào tiểu thuyết, thi ca. Rồi lại nhớ day dứt khi vừa băng qua con phố đó. Bao nhiêu lứa đôi thưở hoa niên đã qua lại hoài trên phố, không nói với nhau lời chi mà chỉ đếm từng bước chân khi băng qua hết làn sương mù mỏng mảnh. Sương mù rồi sẽ tan nhưng những dáng hình ảo diệu về một thành phố mù sương cuối mùa mưa vẫn lưu luyến trên từng con chữ.
Nơi góc giao nhau giữa hai con phố Nguyễn Du và Trần Hưng Đạo, tôi bắt gặp phía trên cao là sự giao hòa những tán lá cây long não và thông lá kim. Màu xanh tươi tắn của long não đây rồi! Cái mùi thơm phảng phất từ thớ gỗ long não cổ thụ, tưởng chừng chỉ tìm thấy ở công viên Tứ Tượng (Huế) hay trên đường Trương Định dẫn vào phía cổng sau Trường đại học Sư phạm Huế, thì nay lại viễn du lên xứ cao. Những tán lá giao giữa long não và tông lá kim như chứng nhân của những mối tình phố núi “lòng trong như đã”, như chỉ muốn song song đi về mỗi sớm sớm chiều chiều, chẳng muốn làn sương trắng tan đi, để có cớ còn hoài thương.
Chia tay những gam màu vàng – trắng – xanh trên những đô thị Tây Nguyên đương lúc cựa mình, tôi cứ ao ước những con phố, con dốc, ngọn đồi đó cứ giữ nguyên vẻ ngái ngủ như khi tôi đến. Hãy cứ trong trẻo như “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” để mai này quay lại, những đôi mắt của người đồng bằng sẽ còn ngơ ngẩn và tươi trẻ, dẫu dòng đời vẫn luân lưu trôi chảy. Đừng vội cựa mình nhé! Những con phố Tây Nguyên của tôi khi đông về.
Bài, ảnh: BÙI XUÂN HÒA