|
Sự phối hợp tốt giữa các ban ngành, đơn vị tạo ấn tượng tốt khi du khách đến Huế |
Chuyện nhỏ mà không nhỏ
Bước vào nhà vệ sinh ở Ga Huế, tôi bắt gặp một du khách nước ngoài đang bày tỏ sự khó chịu vì mùi hôi. Có lẽ do là nhà vệ sinh công cộng, nên một số người trước đó đã thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Song, đây là điều du khách, nhất là khách quốc tế đặc biệt quan tâm. Chuyện vừa kể có lẽ chỉ tùy lúc, nhưng từ những điều rất nhỏ ấy, ấn tượng đẹp của du khách với Huế ít nhiều bị giảm sút.
Không chỉ là chuyện nhà vệ sinh, rất nhiều việc “nhỏ” khác trở thành câu chuyện lớn cản đường sự phát triển của du lịch. Cách đây ít lâu, khi đang dừng đèn đỏ, tôi chứng kiến hai người khách Tây bước qua đường trên vạch kẻ của người đi bộ. Chỉ vừa bước vài bước, họ phải giật mình khựng lại vì có phương tiện vượt đèn đỏ. Một vị khách Tây phải đưa tay vuốt ngực để bớt căng thẳng, người còn lại cũng ngạc nhiên như không hiểu lý do chiếc xe kia băng qua đường.
Đem những câu chuyện trên chia sẻ với người làm du lịch, chính người trong nghề cũng tâm sự những khó khăn nếu du lịch “đơn độc” phát triển một mình. Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh chia sẻ: “Đơn cử như làm tour hiện nay trong nước và quốc tế khác nhau. Ở nước ngoài, doanh nghiệp du lịch và các đơn vị liên kết tạo thành liên minh, do đó chính sách giá tốt cho khách. Ở Việt Nam, câu chuyện mạnh ai nấy làm khiến doanh nghiệp lữ hành phải tính toán rất khó khi xây dựng giá tour, khó có các chính sách giá tốt. Đặc biệt, trong bối cảnh giá vé máy bay như hiện nay tăng cao. Đó là điểm “nghẽn” rất lớn”.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phạm vi hoạt động liên ngành, liên vùng, chỉ có thể phát triển mạnh khi khai thác được các tài nguyên văn hóa, giá trị thiên nhiên, sản phẩm của nhiều ngành, nhiều địa phương để bán cho du khách; mỗi người dân phải là một đại sứ du lịch. Ngược lại, nhiều ngành, địa phương muốn tiềm năng của mình được khai thác thì phải bắt tay với ngành du lịch. Thế nhưng câu chuyện “quyền anh, quyền tôi”, mạnh ai nấy sống, hay không thiện chí trong việc chia sẻ lợi ích vẫn tồn tại đâu đó.
Còn nhớ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 diễn ra ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”... Nghĩa là, để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.
Hợp lực từ nhiều phía
Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2023, ngành du lịch tỉnh đón gần 3,2 triệu lượt du khách, tăng 54,4% so với năm 2022; trong đó có gần 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 345% so với năm 2022. Tuy mức tăng trưởng sáng sủa nhưng so với kỳ vọng, có lẽ vẫn còn một khoảng cách lớn.
Ngoài các yếu tố khách quan thì còn rất nhiều nguyên nhân tác động tiêu cực đến phát triển du lịch, trong đó các đơn vị, địa phương chưa có sự gắn kết và trách nhiệm trong xây dựng thương hiệu, dẫn đến việc thông tin, quảng bá thu hút du lịch còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường quốc tế; việc triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng ra quốc tế chưa diễn ra thường xuyên và liên tục… Đặc biệt, sự gắn kết giữa các ngành, các đơn vị, địa phương vẫn chưa thực sự đủ lực để đưa thương hiệu du lịch Cố đô vươn xa.
Từ thực tiễn hoạt động du lịch trên địa bàn cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng cho thấy, muốn phát triển du lịch hiệu quả và bền vững thì không thể dựa vào năng lực tự thân của ngành du lịch. Nói cách khác, du lịch không thể phát triển một mình mà đòi hỏi các ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân phải chung tay phát triển ngành du lịch, tìm ra hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù, linh hoạt, không máy móc. Du lịch - hàng không, du lịch - giao thông, du lịch - văn hóa, thể thao… đều phải cần có mối gắn kết rất chặt chẽ.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, với sự chỉ đạo, định hướng của các bộ, ngành, địa phương, ngành du lịch và các cơ quan, ban ngành, đơn vị đang cố gắng nỗ lực gắn kết sâu, chặt chẽ hơn, cùng nhau trao đổi tháo gỡ những khó khăn với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Khâu quan trọng hàng đầu là hợp lực để tạo ấn tượng ban đầu tốt nhất cho khách, từ sự thân thiện, mến khách, từ yếu tố vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp. Các ngành dựa trên thế mạnh liên quan, cần gắn với du lịch để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tốt phục vụ du khách. Mỗi địa phương cần chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế về các di sản văn hóa, thiên nhiên, hệ thống lễ hội, làng nghề... để có sản phẩm du lịch độc đáo. Ngành chức năng tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với đa dạng hóa thị trường; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách tham quan, trải nghiệm.