|
Du khách xếp hàng mua vé tham quan Đại Nội. Ảnh: Bảo Phước |
Những ngày này, câu chuyện cò mồi, chèo kéo du khách ở các điểm tham quan di tích Huế lại nóng lên khi nhiều tài khoản trên mạng xã hội chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến việc “cò mồi” du khách trước Đại Nội Huế.
Đại ý là một số người bán hàng lưu niệm ở đường Lê Huân bám theo khách, khuyên khách không nên mua vé vào tham quan Đại Nội làm gì mà chỉ cần đứng trước Ngọ Môn chụp ảnh là đủ.
Lý do là vé vào Đại Nội quá cao, “đến 200 nghìn lận”, “mua cho cả đoàn thì tốn đến mấy triệu” và “để tiền đó mua quà lưu niệm còn có ích hơn”.
Thực hư chuyện này thế nào thì phải cần kiểm chứng. Tuy nhiên, những chuyện như thế này thì không phải là quá khó để kiểm chứng đối với cơ quan chức năng.
Và bản thân người viết, cũng đã rất nhiều lần có những trải nghiệm không vui liên quan đến chuyện cò mồi, chèo kéo khách, thậm chí cả xuyên tạc lịch sử và chính sách du lịch địa phương của những người bán hàng rong, hàng lưu niệm, xích lô, taxi… ở Đại Nội và nhiều điểm tham quan khác.
Những trải nghiệm không vui với du khách kiểu này, dù không phải chuyện đao to búa lớn gì nhưng lại âm ỉ tàn phá rất khủng khiếp hình ảnh du lịch của một địa phương, nếu không được chấn chỉnh kịp thời.
Còn nhớ hồi cuối năm trước, trong một cuộc họp bàn với cơ quan chức năng về thực trạng và giải pháp phát triển ngành du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý mạnh tay, giải quyết tận gốc các vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là nạn cò mồi, chèo kéo du khách để tạo ra môi trường du lịch sạch, bền vững, tốt hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Phương lúc đó có nói một ý rất hay và nhân văn. Đại ý gánh hàng rong là chiều sâu văn hóa của một đô thị, đằng sau là một gia đình, kế sinh nhai. Rằng người dân có quyền hưởng lợi trong việc mưu sinh từ du lịch, từ những thiết chế do tỉnh tạo ra. Song người dân buôn bán cũng phải cần giữ gìn vệ sinh môi trường, thể hiện được nét đẹp con người xứ Huế, thân thiện và mến khách.
Và ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, đó là bài toán khó mà các đơn vị chức năng cần tập trung tìm lời giải để làm sao người dân và môi trường du lịch của Huế cùng có lợi ích hài hòa...
Theo thống kê từ Sở Du lịch, năm 2023, Thừa Thiên Huế đón 3,2 triệu lượt khách du lịch. Trong đó đáng chú ý là khách quốc tế tăng mạnh, với gần 1,2 triệu lượt, đạt gần 445% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 6.605 tỷ đồng, đạt hơn 145% so với cùng kỳ năm trước.
Với những tín hiệu tích cực trong phục hồi du lịch, năm 2024, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60-70%; tổng thu từ du lịch khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023 và đầu năm 2024, Thừa Thiên Huế đón nhận một loạt giải thưởng, danh hiệu từ một số tổ chức, tạp chí, kênh thông tin du lịch quốc tế góp phần truyền thông, quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế trong khu vực và toàn cầu, thu hút các thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống và tiềm năng.
Trong đó đáng chú ý nhất là Huế, cùng với Vũng Tàu và Quy Nhơn được vinh danh là “Thành phố du lịch sạch ASEAN”. Đây là Giải thưởng nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF được tổ chức thường niên.
Đó là những thông tin rất vui nhưng cũng gây nhiều băn khoăn, trăn trở. Bởi để được công nhận là “Thành phố du lịch sạch” theo nghĩa ít rác thải, không khí trong lành, là điểm đến lý tưởng cho du khách là vô cùng khó. Tuy nhiên, Huế đã làm được dù chưa phải hoàn hảo. Tất cả nhờ công sức và sự kiên trì thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường của chính quyền và người dân địa phương.
Nhưng chỉ sạch về môi trường không thôi thì mới chỉ sạch ở bên ngoài. Còn muốn sạch cả bên trong, thì các cơ quan chức năng phải tìm cách giải quyết dứt điểm nạn cò mồi, chèo kéo du khách. Cũng như sớm có lời giải cho bài toán, làm sao người dân và môi trường du lịch của Huế cùng có lợi ích hài hòa như mong muốn của ông Nguyễn Văn Phương.