ClockThứ Bảy, 26/10/2024 06:47

Hoàn thiện sản phẩm du lịch, bổ sung dịch vụ bổ trợ

TTH - Các địa phương ở Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng một rào cản lớn là đang thiếu các dịch vụ bổ trợ để thu hút và giữ chân du khách.

Quảng bá và khai thác các sản phẩm du lịch mới của Hương ThủyHình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

 Đại diện các doanh nghiệp lữ hành trải nghiệm đạp xe, khảo sát các sản phẩm du lịch ở Hương Thủy

Khó hút khách, vì sao?

Để tìm hiểu, đánh giá chất lượng các sản phẩm du lịch, một thực tế chung được nhiều người thừa nhận là tiềm năng du lịch. Mỗi huyện, thị xã với điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên và nét đẹp bản sắc văn hóa, đều có thể xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc. Điển hình như hai huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới có nhiều lợi thế để phát triển du lịch suối thác, du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc... có thuận lợi trong phát triển du lịch biển, đầm phá. Đáng nói là việc thu hút khách, đặc biệt là giữ chân khách ở lại chưa thực sự tốt.

Bà Cái Thị Duyên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Hương Thủy trăn trở, lượng khách du lịch đến Hương Thủy có tăng qua các năm, địa phương cũng đã xây dựng và triển khai nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch để thu hút khách. Mặc dù lợi thế sân bay quốc tế Phú Bài đóng trên địa bàn, nhưng nếu xét trên tiềm năng thế mạnh mà Hương Thủy có, việc hút khách đến và ở lại chưa tương xứng, đặc biệt là du khách ngoại tỉnh, khách quốc tế.

Tại huyện Phú Lộc, việc giữ chân khách lưu trú cũng là bài toán nan giải, dù đây là một trong những địa phương giàu tài nguyên du lịch bậc nhất ở Thừa Thiên Huế khi có cả suối thác, biển, đầm phá, có vịnh Lăng Cô - một trong những vịnh biển đẹp của thế giới cùng nhiều điều kiện khác để phát triển du lịch. Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc chia sẻ, địa phương đã nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp, trong đó đã hình thành tuyến phố đi bộ về đêm. Song, thẳng thắn nhìn nhận thì Phú Lộc vẫn đang thiếu nhiều điểm vui chơi, giải trí, mua sắm, đặc biệt là các điểm vui chơi về đêm thực sự có quy mô.

Theo ông Trần Minh Tân, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển du lịch, Sở Du lịch, một đặc điểm dễ thấy là các điểm du lịch cộng đồng ở các địa phương xa trung tâm thành phố, nhưng vấn đề khách quan tâm là nếu ở lại thì buổi tối làm gì, chơi gì? Nếu không có dịch vụ bổ trợ, không tạo được nhiều trải nghiệm thú vị về đêm cho khách thì khách vẫn sẵn sàng rời điểm du lịch để lên thành phố, hoặc đáng tiếc hơn là đi đến địa phương khác.

Có lần, chúng tôi chứng kiến một gia đình sau khi vui chơi, ăn uống ở vùng đầm phá tại huyện Quảng Điền, đến hơn 8 giờ tối lại đặt xe để lên thành phố. Hỏi lý do vì sao không ở lại khi kế hoạch sáng mai họ lại về ngắm bình minh bên làng chài Ngư Mỹ Thạnh, có người trả lời: “Ban đêm ở đây khá buồn. Người đi du lịch muốn dành nhiều thời gian nhất có thể để trải nghiệm, vui chơi. Vì vậy, chúng tôi lên thành phố để chơi, sáng mai lại quay về sớm”.

Nghiên cứu & nâng cấp

Hai năm 2023 - 2024, ngành du lịch phối hợp với huyện Nam Đông, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Thủy triển khai nhiều chương trình khảo sát, đánh giá về chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng và các dịch vụ bổ trợ tại các điểm đến để có định hướng khai thác, quảng bá và phát triển. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đánh giá một số tour du lịch đã và đang được các doanh nghiệp lữ hành triển khai tại các huyện, thị xã để có giải pháp nâng cao chất lượng, hoàn thiện tour du lịch phù hợp với tình hình hiện nay.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, đoàn khảo sát có đại diện các doanh nghiệp lữ hành tham gia để cập nhật một số sản phẩm du lịch, góp ý và nghiên cứu để khai thác tour tuyến. Đại diện một công ty lữ hành ở TP. Huế cho rằng, các địa phương xa thành phố có nhiều điểm hay để khai thác du lịch, nhưng quan trọng vẫn là truyền thông và cách làm du lịch để hút khách. Chỉ nói riêng chuyện mua sắm ở các làng nghề ở vùng biển, khách rất thích mua các loại mắm, nước mắm. Nhu cầu khách có, họ thích mua sắm và tìm hiểu về nghề truyền thống, nhưng làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương, tạo thêm được trải nghiệm cho khách thì mới có thể khai thác du lịch.

Ông Tân phân tích, để phát triển du lịch, phải tạo điểm điểm nhấn cho sản phẩm du lịch. Ngoài điểm nhấn đó cũng phải có các dịch vụ bổ trợ để phục vụ nhu cầu du khách. Đây là điều mà các địa phương và những người làm du lịch cần nghiên cứu, kêu gọi đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, phải thay đổi từ cách làm mang tính chất tự phát sang chuyên nghiệp, bài bản hơn và dịch vụ rõ ràng, dù mô hình du lịch quy mô có thể còn nhỏ.

Liên kết trong phát triển du lịch là xu thế tất yếu. Đó không chỉ là những liên kết lớn giữa các quốc gia, các tỉnh, thành mà còn là những liên kết giữa các địa phương trong cùng một tỉnh, một huyện, thị xã để khai thác yếu tố tiềm năng, lợi thế, tạo những trải nghiệm đa dạng, thú vị và mới lạ nhằm thu hút du khách.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch

Với đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nhiều tiện ích đô thị ở một số khu vực trên địa bàn TP. Huế hoàn thiện đã góp phần kích cầu du lịch, tạo động lực để các doanh nghiệp (DN) đầu tư thêm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch
Return to top