|
Đón đoàn khách tàu biển quốc tế đến tham quan Cố đô Huế trên siêu du thuyền Diamond Princess. Ảnh: Sở Du lịch |
Đưa khách đến với Huế
Mới đây (ngày 10/12), Sở Du lịch vừa phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đơn vị liên quan tổ chức đón đoàn khách tàu biển quốc tế đến tham quan Cố đô Huế trên siêu du thuyền Diamond Princess. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Chương trình đón đoàn khách tàu biển lần này cũng là chào mừng một trong những hãng tàu du lịch lớn trên thế giới có hành trình trở lại Việt Nam du lịch sau hơn 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”.
Diamond Princess là một trong những du thuyền sang trọng bậc nhất trong khu vực, với hải trình dạo quanh những vùng biển ở Đông Á trong những tháng mùa hè và thực hiện các chuyến tham quan đến vùng biển Đông Nam Á vào mùa đông. Với thiết kế 12 boong tàu, Diamond Princess như một khách sạn năm sao quy mô lớn. Nhiều du khách còn ví du thuyền này như một thành phố trên biển. Điều ấn tượng là khách trên siêu du thuyền ghé thăm Huế các ngày 10, 19 và 29/12 với số lượng dự kiến 300 - 400 khách/ngày. Trong 3 chuyến đến Thừa Thiên Huế lần này có rất nhiều du khách đã từng theo tàu đến miền Trung tháng 2/2020 nhưng không thể cập cảng Chân Mây do phòng, chống dịch và phải lênh đênh ngoài khơi từ Vịnh Bắc Bộ đến Nhật Bản. Sau 3 năm chờ đợi, rất nhiều khách trong số đó đang thực hiện lại hành trình đến Huế và miền Trung đã bị bỏ lỡ.
Theo đại diện Sở Du lịch, tháng 12/2023 có 9 du tàu lớn cập cảng Chân Mây, đưa hơn 36.000 khách và 16.000 thủy thủ đoàn, riêng du thuyền Diamond Princess sẽ cập cảng Chân Mây 3 lần trong tháng 12/2023, mỗi đợt có 2.800 khách và 1.000 thủy thủ trên tàu. Sẽ có trên 50% số khách lên bờ đi theo các tour đến Huế, Đà Nẵng hoặc Đà Nẵng - Hội An. Riêng khách đi tour chiếm tổng số khoảng 35 - 40% trong 3 tour đi từ cảng Chân Mây. Đa phần khách đăng ký tour Huế là khách có thu nhập và mua giá tour cao nhất. Khách đi theo chương trình Đại Nội - 1 lăng - chùa Thiên Mụ. Đây là một cơ hội tốt cho du lịch Huế.
Chủ động nắm bắt
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, năm 2024 và 2025 sẽ có nhiều du tàu lớn đăng ký đến cảng Chân Mây hơn năm 2023. Các hãng du lịch, lữ hành đang quan tâm đến 1 điểm dừng nghỉ ăn uống, mua sắm kết hợp trải nghiệm văn hóa như Sống Platform và Aeon Mall.
Một thực tế đáng trăn trở nhiều năm qua là dù tỷ lệ khách cập cảng Chân Mây, sau đó di chuyển lên TP. Huế tham quan có tăng, nhưng chiếm tỷ lệ chưa thực sự lớn. Trong khi đó, khách vẫn chủ yếu vào Đà Nẵng hoặc ở lại trên tàu. Một số chuyên gia từ các đơn vị lữ hành cho rằng, khoảng cách xa giữa cảng Chân Mây và TP. Huế là lý do chính khiến du khách và các đơn vị làm tour ít đưa khách lên tham quan. Trong khi đó, thời gian cập cảng chỉ khoảng nửa ngày nên càng khó để các đơn vị làm tour điều phối thời gian phù hợp.
Mặt khác, để là một điểm dừng chính trong hải trình đòi hỏi Huế phải có những sản phẩm hấp dẫn và có trung tâm mua sắm đẳng cấp. Đây là điều mà ngành du lịch tỉnh nhà vẫn còn rất trăn trở. Thực tế từ nhiều năm cho thấy, rất nhiều tàu cập cảng Chân Mây vào buổi tối, ở lại một đêm và sáng mai tiếp tục hành trình. Do bị đánh giá là du lịch đêm ở Huế chưa sôi động, chưa có các trung tâm mua sắm đẳng cấp, dịch vụ về đêm tại Huế còn nghèo nàn nên chưa hút dòng khách hạng sang này lên Huế trong nhiều lần các siêu tàu cập cảng.
Tuy nhiên, hiện nay ngành du lịch rất quan tâm đến việc hút khách du lịch tàu biển. Trên nhiều bàn nghị sự, vấn đề này được nhắc đến không ít lần để đưa ra giải pháp thu hút dòng khách có thể chi nhiều tiền khi đi du lịch này. Ngành du lịch tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch ở các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, trong đó có hướng đến phân khúc thị trường khách du lịch tàu biển.
Về lâu dài, ngành du lịch Huế cần chủ động kết nối, làm việc với các hãng tàu, các công ty lữ hành để Huế là sự lựa chọn trong kế hoạch xây dựng điểm đến trên cung đường du lịch tàu biển quốc tế; quan tâm khâu thủ tục cấp phép thông quan phải nhanh gọn, tránh tình trạng chồng chéo gây phiền hà cho khách. Ngoài ra, các đơn vị liên quan nên nghiên cứu giảm chi phí vào cảng Chân Mây, tạo sức hút với các hãng tàu.