|
Phụ nữ A Lưới chuẩn bị các món ẩm thực phục vụ khách |
Hiệu quả đã thấy
Cách đây hơn 4 năm, “Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025” được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 9/7/2019 và Quyết định số 52/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 13/9/2019 đã tạo an tâm và niềm vui cho các địa phương và đơn vị, cá nhân làm du lịch. Quả thực, qua bốn năm thực hiện Nghị quyết, Quyết định trên, rất nhiều tín hiệu tích cực hiện rõ với loại hình du lịch cộng đồng ở các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, hiện nay, các địa phương đã hình thành các tuyến du lịch mới trên cơ sở gắn kết những điểm du lịch hiện có. Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 05 đã quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch và cải thiện điều kiện sống, mang lại nhu nhập ổn định cho người dân làm du lịch cộng đồng ở các địa phương.
Đến nay, các địa phương đã hình thành nên thương hiệu du lịch cộng đồng và thu hút nhiều luợt khách đến tham quan, trải nghiệm. Điển hình như lượng khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các loại hình dịch vụ du lịch tại huyện Nam Đông trung bình đạt 15.000 lượt khách/năm, trong đó khách lưu trú hơn 5.000 lượt, bình quân doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng/năm; huyện Phong Điền thu hút trung bình khoảng 120.000 lượt khách/năm, doanh thu bình quân khoảng trên 20 tỷ đồng/năm; Lượng khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các loại hình dịch vụ du lịch tại TP. Huế ước đạt khoảng 1,81 triệu lượt khách/năm, doanh thu từ du lịch đạt khoảng trên 2.800 tỷ đồng/năm…
Từ năm 2022 đến nay, các xã Vinh Thanh, Vinh An, Phú An (huyện Phú Vang) với sự hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng theo Nghị quyết 05, lượng khách đến các homestay ở Vinh Thanh và Phú An ước tính đạt khoảng 765 khách, doanh thu trên 303 triệu đồng. Huyện Quảng Điền có khoảng 500 lượt khách đến lưu trú tại các cơ sở homestay, doanh thu trên 70 triệu đồng.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới chia sẻ, hiệu quả từ Nghị quyết 05 đã thấy rõ. Tại A Lưới, tính đến 6 tháng đầu năm 2023, tổng số dịch vụ lưu trú 30 cơ sở của 31 chủ cá nhân, tập thể, trong đó có 9 nhà nghỉ, 21 homestay (tăng 3 homestay). Công suất lưu trú 100% đạt 700 khách. Dự kiến trong năm 2023 sẽ có thêm 5 homestay mới. Du lịch cộng đồng trên địa bàn hoạt động tốt.
Chú trọng nhiều giải pháp
Tại hội nghị sơ kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 9/7/2019 được Sở Du lịch cùng các địa phương phối hợp tổ chức mới đây, đại diện Phòng Quy hoạch và Phát triển Du lịch, Sở Du lịch đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại. Đó là hoạt động kinh doanh du lịch của các hộ dân vẫn còn hạn chế, nhỏ lẻ, chưa tạo nên sản phẩm thường kỳ mà chỉ dừng lại khai thác khi có khách đến tham quan, trải nghiệm. Người dân chưa thực sự tham gia cung cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp để hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương…
Qua triển khai Nghị quyết 05, đã nảy sinh một số khó khăn, tồn tại. Trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho phát triển du lịch còn ít, chưa tương xứng với kỳ vọng, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh, các hộ dân và địa phương không có vốn đối ứng để triển khai. Định mức chi hỗ trợ các hạng mục của Nghị quyết vẫn còn thấp, khó thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện, đa số các hộ kinh doanh, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn, bất cập về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể nhưng chưa có quy hoạch phân khu, chi tiết; thủ tục cấp phép đầu tư nên rất khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa, tìm các nhà đầu tư khai thác du lịch tại địa phương. Các hộ kinh doanh dịch vụ homestay gặp khó khăn, mất nhiều thời gian trong việc hoàn thiện các hồ sơ, điều kiện để được hoạt động như: phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự vì thủ tục công nhận liên quan đến nhiều cơ quan, ban, ngành.
Để phát huy các tiềm năng lợi thế, khắc phục những khó khăn, tồn tại, không chỉ cần vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các địa phương mà cần sự đồng lòng, nỗ lực của các sở, ban, ngành liên quan và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch. Các địa phương cần thường xuyên tuyên truyền phổ biến các chính sách, văn bản hỗ trợ của tỉnh về phát triển dịch vụ, du lịch đến người dân địa phương; tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách du lịch từ địa phương đến cơ sở.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, để phát huy hiệu quả, Sở cũng đã và đang đề nghị HĐND, UBND tỉnh có cơ chế đặc thù cho việc sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất kết hợp du lịch cộng đồng phục vụ phát triển du lịch theo định hướng phát triển của địa phương. Các cấp, các ngành hướng dẫn, định hướng công tác quy hoạch, xây dựng, sử dụng đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.