|
Đua thuyền trên sông Hương. Ảnh: ĐH |
Tiềm năng cần khai thác
Tại hội thảo “Phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam - Định hướng và giải pháp” diễn ra vào tháng 9 vừa qua, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, du lịch đường sông đã và đang góp phần làm đa dạng các sản phẩm và loại hình du lịch, thông qua trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, hệ sinh thái và hệ thống di sản văn hóa ven sông. Việc phát triển du lịch đường sông cũng có thể thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như cảng du lịch, bến tàu và các khu vực xung quanh.
Nhắc đến du lịch đường sông, nhiều người nhắc đến du lịch sông Nho Quế (Hà Giang), sông Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) và sông Hương của Cố đô Huế. Bởi đây là những con sông được địa phương quan tâm, chú ý phát triển du lịch đường sông từ sớm và tạo được dấu ấn trong quá trình phát triển du lịch. Thế nhưng, so sánh với tiềm năng, các địa phương trong nước nói chung, Huế nói riêng thì việc phát triển du lịch đường sông vẫn còn chậm, nếu không nói là chưa tương xứng với tiềm năng.
Chỉ nói riêng Huế - vùng đất có hệ thống sông ngòi phân bố khá dày đặc với tổng chiều dài 563km của 6 tuyến sông chính: Sông Hương, sông Tả Trạch, sông Hữu Trạch, sông Bồ, sông Lợi Nông (hay còn gọi sông An Cựu), sông Ô Lâu. Những con sông này không chỉ cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn là nét văn hóa, mang lại nguồn cảm hứng của biết bao nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ thông qua các tác phẩm thi, ca, nhạc, họa.
|
Trải nghiệm đi ghe, thả lưới bắt cá trên sông Như Ý |
Năm 2022, trong tập 8 của chương trình thực tế được nhiều khán giả yêu thích “2 Ngày 1 Đêm” với chủ đề “Cuộc đua di sản tại Huế”, dàn nghệ sĩ nổi tiếng đã vô cùng thích thú khi có chuyến du ngoạn trên sông Hương dịu dàng và hiền hòa. Họ đắm mình trong những giây phút thư giãn dưới ánh hoàng hôn thơ mộng. Xem chương trình, chính những bình luận của khán giả cũng không ngớt lời khen ngợi vẻ đẹp của dòng sông thơ mộng xứ Huế và ước một lần trải nghiệm dịch vụ du lịch trên con sông này.
Ngoài vẻ đẹp đã được thừa nhận, du lịch đường sông đang thiếu dịch vụ và phát triển chậm. Ngoài sông Hương là con sông hiếm hoi có các dịch vụ khai thác du lịch đường thủy ở Huế thì các con sông khác ở Huế dường như chưa có các dịch vụ, sản phẩm du lịch đường sông. Ngay cả sông Hương, dịch vụ du lịch vẫn đang còn… nghèo, khi bao năm chủ yếu vẫn chỉ có đi thuyền nghe ca Huế trên sông, trà chiều trên sông, các dịch vụ đạp vịt trên sông.
Một con sông khác được kỳ vọng sẽ phát triển du lịch sau khi được giải tỏa và chỉnh trang hai bên bờ là sông Ngự Hà. Năm 2018, đoàn doanh nghiệp của Huế phối hợp với ngành du lịch đã có chuyến khảo sát để tổ chức tour chèo thuyền từ sông Hương vào sông Ngự Hà và quay trở lại sông Hương từ sông Đông Ba. Đã vài năm trôi qua, nhiều ý tưởng được đề ra, nhưng vẫn đang dừng lại ở sự đợi chờ.
Hay sông An Cựu, sông Đông Ba nằm ngay trung tâm TP. Huế, hai bên bờ sông có cảnh quan và đời sống vô cùng phong phú. Theo nhiều chuyên gia, những tour đi thuyền và ngắm cảnh sẽ góp phần tạo thêm những trải nghiệm cho du khách. Điển hình như sông Đông Ba, có thể bắt đầu tour ở bến Tòa Khâm hay bến thuyền Đông Ba cũ, xuôi về tham quan phố cổ Bao Vinh, hoặc đến làng hoa giấy Thanh Tiên. Việc đầu tư, nghiên cứu, xây dựng tour tuyến sẽ góp phần đa dạng sản phẩm du lịch cho Huế.
Định hướng lâu dài để phát triển du lịch đường sông
Chia sẻ tại tại hội thảo “Phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam - Định hướng và giải pháp”, các chuyên gia cho rằng, để phát triển du lịch đường sông tương xứng với tiềm năng, ngoài nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, vị trí của việc phát triển du lịch đường sông, rất cần chiến lược và quy hoạch về du lịch đường sông một cách bài bản. Bên cạnh đó, cần có các chính sách phát triển du lịch đường sông; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như phải có nguồn nhân lực du lịch chất lượng. Ngoài ra, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; tăng cường an toàn giao thông trong hoạt động vận chuyển khách du lịch đường thủy nội địa; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; cải thiện quản lý và quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, nhằm mở rộng phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch trên sông Hương, tỉnh cũng đã triển khai một số dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp bến thuyền kết nối với các điểm du lịch. UBND tỉnh cũng đã giao UBND TP. Huế, Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch và các doanh nghiệp nghiên cứu để có sản phẩm thuyền du lịch thay thế thuyền rồng cũ, mở các tuyến trải nghiệm từ sông Hương vào sông Ngự Hà. TP. Huế cũng nghiên cứu quy hoạch kết nối hạ tầng, dịch vụ để từ đó, dễ dàng hơn trong việc khai thác các dịch vụ du lịch từ đường sông.
Bên cạnh những giải pháp đã triển khai, cũng cần phải nghiên cứu xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đường thủy để đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch đường thủy. Đặc biệt là chú trọng tạo ra những trải nghiệm, những điểm nhấn trên hành trình tour. Bên cạnh đó, phải chấn chỉnh, giải quyết triệt để những bất cập của hoạt động ca Huế trên sông Hương.
Du lịch Huế cần nghiên cứu kết hợp du lịch đường sông gắn với các hoạt động tìm hiểu lịch sử; tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa, nhịp sống dân cư hai bên bờ sông hay gắn với đời sống sản xuất nông nghiệp. Để có một chiến lược lâu dài, cần nghiên cứu số liệu khách du lịch qua đường thủy, phân tích thị trường để tìm hướng tăng cường thu hút khách. Song song với việc xây dựng sản phẩm, cần làm tốt công tác quảng bá để lan tỏa đến đông đảo du khách.