ClockThứ Hai, 26/02/2024 11:07

Du lịch đường thủy ở Huế: Giàu tiềm năng, nghèo dịch vụ

TTH - Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế để khai thác du lịch đường thủy. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các dòng sông, cảnh quan hai bên bờ sông và đời sống dân cư ven sông là nguồn tài nguyên quý phát triển du lịch. Tiềm năng lớn, nhưng bao nhiêu năm khách vẫn đang đợi chờ những dịch vụ du lịch.

Tạo dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịchDu lịch văn hóa - Tránh sao chép, đánh mất bản sắcTạo đà phục hồi hoàn toàn thị trường khách quốc tế

 Huế có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch đường thủy

“Thấy tiềm năng mà… tiếc”

Hòa mình trên chiếc thuyền trôi theo dòng Hương chiều đầu năm, vợ chồng anh Lương Bình An, du khách từ Sài Thành ra Huế ngắm trọn cảnh đẹp hoàng hôn buông xuống dòng sông thơ. Anh bảo: “Mình thích du lịch sông nước, đã trải nghiệm nhiều ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng các dòng sông ở Huế đẹp thật”. Sau lời khen, anh lại tiếc: “Nhưng chỉ ngắm cảnh trên thuyền như vậy thì tiếc quá. Một dòng sông đẹp, tài nguyên quý mà thiếu khai thác dịch vụ thì lãng phí”.

Không dưới chục lần, tôi nghe những lời đánh giá tương tự từ du khách. Ngoài những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng thì Cố đô Huế còn được biết đến bởi hệ thống sông đa dạng, cảnh quan ven sông đẹp, hệ thống đầm phá nổi tiếng, những điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch. Ngoài sông Hương đang có một số hoạt động, dịch vụ phục vụ khách du lịch, còn những con sông khác vẫn chưa được khai thác, dù đã có không ít ý tưởng được đưa ra, thậm chí có cả những chuyến khảo sát, thử nghiệm, nhưng những tour du lịch đường sông vẫn đang còn ở dạng tiềm năng.

Còn nhớ cách đây mấy năm, sông Ngự Hà sau khi được giải tỏa và chỉnh trang hai bên bờ, nhiều người kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch. Đại diện Sở Du lịch cũng cho biết, khá nhiều ý tưởng được các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức đưa ra để khai thác dòng sông này. Năm 2018, đoàn gồm doanh nghiệp của Huế phối hợp với ngành du lịch tổ chức chuyến khảo sát để tổ chức tour chèo thuyền từ sông Hương vào sông Ngự Hà và quay trở lại sông Hương từ sông Đông Ba. Nhưng rồi, đến nay vẫn còn là một sự chờ đợi.

Trở lại với dòng sông Hương, con sông hiếm hoi có các dịch vụ khai thác du lịch đường thủy ở Huế thì theo du khách, dịch vụ du lịch vẫn đang còn… nghèo. Dịp tết Nguyên đán năm nay, tôi cùng vài người bạn phương xa đi bộ, ngắm sông Hương từ cầu Phú Xuân rồi đến cầu Dã Viên. Phóng ánh mắt xuống dòng sông, chỉ có dịch vụ đi thuyền trên sông, đạp vịt, một vài người chèo sup kiểu tự phát. Bạn tôi hỏi bao giờ có thêm dịch vụ? Có người bảo đang chờ, nhưng chờ bao lâu để phát triển dịch vụ xứng tầm với tài nguyên của dòng sông thì chưa biết được.

Đi thuyền ngắm sông Hương mang lại nhiều cảm xúc cho du khách 

Đầu tư để tránh lãng phí tài nguyên

Đặt câu hỏi vì sao các tour du lịch đường thủy chưa ra đời, những người làm du lịch kể ra một loạt lý do, trong đó dịch vụ hỗ trợ cho tour du lịch đường sông ở Huế vẫn còn thiếu. Các con sông có thể phát triển du lịch ở Huế thiếu điểm dừng chân và dịch vụ mua sắm, ăn uống, chụp ảnh… Trong khi đó, đây là những điều kiện cần và đủ để du lịch đường sông thu hút khách và tăng thêm tính hấp dẫn.

Nhìn sản phẩm du lịch trên sông Hương, mặc dù có nhưng theo nhiều du khách là vẫn còn đơn điệu các dịch vụ du lịch. Trên sông chỉ dừng lại với ca Huế, đi thuyền rồng, ngắm cảnh hai bên bờ và tham quan một số điểm du lịch. Nhiều du khách cho rằng, đi thuyền ngắm cảnh chỉ cần đi một lần. Nếu có thêm dịch vụ, mới có thể thu hút khách trải nghiệm thêm những lần khác.

Anh Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Đại Bàng cho rằng, hạ tầng du lịch phục vụ du lịch đường thủy chưa đầy đủ dẫn đến khó phát triển các dịch vụ. Bên cạnh đó, kể cả du lịch đường sông, đầm phá đều đang có những vướng mắc về kiểm định, đăng kiểm phương tiện giao thông đường thủy.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch trăn trở, du lịch đường thủy ở Huế là vấn đề đã nhiều lần được đem ra nghiên cứu, phân tích, tìm giải pháp. Trên thực tế, vẫn đang thiếu các dịch vụ cho du lịch đường thủy. Trong khi đó, câu chuyện kêu gọi đầu tư không đơn giản. Đối với hệ thống đầm phá, muốn phát triển du lịch đường thủy, cần có khảo sát luồng lạch hàng năm và đây cũng là vấn đề khó.

Tuy nhiên, nếu khó mà dừng lại ở đó thì tài nguyên du lịch bị lãng phí và câu chuyện phát triển du lịch sẽ không thể trọn vẹn. Thực tế, từ góp ý của các chuyên gia, chính quyền địa phương, ngành du lịch và các ban, ngành cũng đang có những giải pháp để “gỡ khó”.

Theo ông Phúc, hiện nay UBND tỉnh đã giao UBND TP. Huế, Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch và các doanh nghiệp nghiên cứu để có sản phẩm thuyền du lịch thay thế thuyền rồng cũ, mở các tuyến trải nghiệm từ sông Hương vào sông Ngự Hà. TP. Huế cũng nghiên cứu quy hoạch kết nối hạ tầng, dịch vụ để từ đó, dễ dàng hơn trong việc khai thác các dịch vụ du lịch từ đường sông. Hiện nay, bên cạnh việc kêu gọi đầu tư từ các cơ chế thu hút đầu tư của tỉnh, ngành du lịch cũng hỗ trợ, cùng các doanh nghiệp về du lịch nghiên cứu xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đường thủy để đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Điều quan trọng là phải tạo được những điểm nhấn trên hành trình tour.

Với những thành phố du lịch xanh như Huế, việc nghiên cứu phát triển du lịch gắn với góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan trên những dòng sông rất được ủng hộ. Những tour du lịch từng thử nghiệm đi thuyền sup dọn rác nếu tìm cách khai thác hợp lý và tạo ra một hành trình thú vị, ý nghĩa, chắc chắn cũng là một điểm nhấn cho du lịch đường thủy xứ Huế.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
HH
Hong - 01/03/2024 10:40
Ngoài những cái mà bài báo nêu, còn 2 vấn đề cần giải quyết: phương tiện và người lái. Với các phương tiện hiện nay đa số các doanh nghiệp vận tải thủy không đáp ứng được về định biên, bằng cấp chứng chỉ...Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

TIN MỚI

Thuê xe tự lái BonbonCar 45497Top 10 Tour Du Lịch Phú Quốc
Return to top