ClockChủ Nhật, 11/08/2024 06:40

Lại chuyện Bạch Mã…

TTH - Đang ngồi uống cà phê với mấy anh em ở khu biệt thự Kim Giao thì thấy một nhóm người trung niên lò dò tiến lại. Họ lên tiếng chào làm quen, cho biết từ ngoài Bắc vào, lên thăm Bạch Mã. Định bụng lên cho biết rồi về, nhưng đến rồi mới thấy khí hậu, cảnh sắc tuyệt vời quá, nên cả đoàn muốn ở lại qua đêm để trải nghiệm. Nhưng Bạch Mã đã hết chỗ lưu trú. Thấy khu biệt thự Kim Giao khá rộng, họ đến “thám thính” xem còn phòng không, hay vườn nói dối họ. Và khi tận thấy Kim Giao thực sự đã full, họ lắc đầu tiếc rẻ. Nhìn bóng họ dần xa, tôi cũng lắc đầu tiếc. Tiếc cho họ một phần, và tiếc cho Bạch Mã, cho Huế nhiều phần hơn…

Để rừng Bạch Mã mãi xanhCái Bạch Mã cần là sự tinh tế

 Vọng Hải Đài trên đỉnh Bạch Mã. Ảnh: Bảo Phước

Theo sử liệu lưu giữ được Vườn Quốc gia Bạch Mã (VQG BM) thông tin: Năm 1932, Bạch Mã được phát hiện và đệ trình xây dựng khu nghỉ mát bởi ông M.Girard, kỹ sư trưởng ngành cầu đường, chính quyền Pháp thuộc. Năm 1942, khu nghỉ mát từ đai cao 1.200m đến đỉnh Bạch Mã được xây dựng hoàn chỉnh với một quần thể gần 139 biệt thự, chợ, bưu điện, nhà hàng tạp hóa và một tuyến đường ô tô nhỏ 19km nối từ quốc lộ tới khách sạn Morin. Ngoài ra, khu nghỉ mát còn có một hệ thống các đường mòn dẫn đến các biệt thự, các cảnh quan thiên nhiên hoang sơ như Vọng Hải Đài, Công viên Rừng, Công viên Đá Hát, trại Hướng Đạo Đông Dương, các suối, thác đẹp như suối Hoàng Yến, thác Bạc, thác Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên… Ngày nay, chúng ta vẫn còn thấy các mảnh tường đổ nát được xây bằng đá Granit dọc theo các tuyến đường mòn, dấu tích của một thời vàng son và nổi tiếng được ví như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt của miền Trung.

Thời gian và chiến tranh đã làm cho khu nghỉ mát Bạch Mã rơi vào lãng quên và hoang phế. Mãi sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước một thời gian dài, nhất là từ những năm 1990, khi VQG BM được Chính phủ phê duyệt thành lập, cái tên Bạch Mã mới lại bắt đầu được nhiều người nhắc đến và tìm về khám phá. Khoảng năm 1995, lần đầu tôi mới đặt chân lên đỉnh non thiêng này. Lúc đó, chưa một cơ sở lưu trú nào xuất hiện, con đường dẫn từ chân núi lên vẫn chưa thực sự hoàn thiện, chúng tôi phải cuốc bộ cả tiếng đồng hồ mới tìm được chỗ ưng ý bên một dòng suối để hạ trại. Các khu biệt thự lừng lẫy danh tiếng một thời bấy giờ chỉ còn là những phế tích. Nhưng cảnh sắc của núi rừng cộng với khí hậu trong lành, mát mẻ, chỉ chừng ấy thôi, Bạch Mã đã lập tức làm chúng tôi phải lòng, để rồi cứ mỗi dịp ve kêu hè gọi, hình bóng Bạch Mã lại vấn vương như gọi, như mời…

Sau này, nghe tin một vài khu biệt thự được đầu tư phục hồi để đưa vào phục vụ du khách, chúng tôi cảm thấy vô cùng phấn chấn. Cơ quan tôi từng đưa một đoàn các chuyên gia Thụy Điển và anh em báo chí lên biệt thự Morin ở cây số 0. Khỏi nói sự hào hứng và hài lòng của các bạn. Các chuyên gia của Viện báo chí Fojo bảo họ đã đi du lịch nhiều nơi, nhưng một chỗ đắc địa như Morin Bạch Mã này thì chưa gặp. Sự kiện kết nghĩa 3 báo Hà Nội Mới - Thừa Thiên Huế - Sài Gòn Giải Phóng, chúng tôi cũng thiết kế một tuor 1 ngày đêm với Bạch Mã. Gần 30 tờ báo trong cả nước với sự tham gia của hơn 100 khách, bao gồm lãnh đạo, phóng viên, biên tập của các báo, những người từng đi nhiều, trải nghiệm nhiều, nhưng không ai là không hào hứng, say mê với Bạch Mã. Cứ ngỡ với xu thế ấy, dịch vụ ở Bạch Mã sẽ ngày càng tiến triển. Không dè, mọi thứ lại đang tiến triển… thụt lùi. Đến mức như vừa rồi, chỉ vài khách có nhu cầu mà Bạch Mã không thể đáp ứng. 

Do hầu như năm nào cũng đi Bạch Mã nên tôi có điều kiện quan sát. Biệt thự Morin sau ít năm hoạt động thì bỏ, dần dần lại rơi vào hoang phế. Các điểm lưu trú khác thì ngày càng tệ, cảm giác như kinh doanh kiểu tận thu, chứ không có tái đầu tư. Drap thì cũ, bẩn, vòi nước hỏng không thay, nhà vệ sinh thì bốc mùi… Năm trước, chúng tôi đã có bài phản ánh và chuyển đến VQG BM mong lãnh đạo vườn nắm thông tin để có những động thái chấn chỉnh. Năm nay với tâm thế hy vọng, nhưng đến nơi mới vỡ mộng. Ngoài Morin thì nay thêm các biệt thự Đỗ Quyên I, Đỗ Quyên II, Phong Lan, Nhà hàng Con Gà đều đóng cửa, hoang tàn. Chỉ còn khu Bảo An & Kim Giao là đang hoạt động. Chúng tôi may vì đã book trước cả hơn 2 tháng mới có chỗ ở, không thì có lẽ cũng vỡ trận.

Hỏi chuyện các nhân viên của vườn thì được biết, do doanh nghiệp được giao kinh doanh bị phá sản (?), nên nay dừng hoạt động. Các biệt thự được trả lại cho VQG để vườn quyết định.

Hôm chúng tôi đến, khu vực cây số 0 chật kín ô tô; và hôm trở về, dù rằng thứ hai đầu tuần, vẫn thấy nhiều xe chở khách lên thăm Bạch Mã. Vậy mà cơ sở lưu trú không có; điện hỏng chưa sửa được; sóng điện thoại chỉ có mạng Viettel khá chập chờn ở khu biệt thự Kim Giao. Thật đáng tiếc! Đêm ở Kim Giao, trò chuyện với các nhân viên của vườn, họ bảo cũng sốt ruột, nhưng đây là VQG, muốn xây dựng thì phải xin phép ngoài Bộ rất phức tạp. Đúng là như vậy, nhưng theo chúng tôi quan sát, chưa nhất thiết phải xây thêm, trên cơ sở những công trình hiện có: Morin, Phong Lan, Đỗ Quyên I-II, Bảo An, Kim Giao, và một khu biệt thự mênh mông cỡ 200m2 gần cạnh Kim Giao, chỉ cần đầu tư, trang cấp nội thất cho chỉn chu tí là đủ để phục vụ lưu trú cho hàng trăm khách có nhu cầu. Những hạng mục đòi hỏi phải đầu tư lớn như đường, nước sạch, điện lưới… thì đều đã có sẵn rồi. Một điểm như Bạch Mã thực ra không thiếu nhà đầu tư nhắm đến, chỉ là tỉnh và các cơ quản quản lý đang cân nhắc, chọn lựa ai, phương thức nào là phù hợp để vừa phục vụ phát triển, vừa ít làm ảnh hưởng đến môi trường nhất mà thôi. Nhưng trong lúc chờ đáp án, không thể và không nên cứ mãi “đóng băng” như thế ấy. Bởi nó ảnh hưởng, “rẻ rúng” hình ảnh không chỉ của riêng Bạch Mã mà còn cho cả Huế.

Một sự đầu tư tối thiểu để phục vụ nhu cầu có thật của du khách, để quảng bá hình ảnh non thiêng của một vùng đất di sản, có lẽ còn quan trọng hơn việc tính toán lời lãi của một bài tính kinh doanh đơn giản. Những lợi nhuận về lâu dài của sự quảng bá ấy chắc chắn sẽ không hề nhỏ, thừa sức bù đắp “sự đầu tư tối thiểu” trước mắt, chúng tôi tin là như vậy!

Hiền An
ĐÁNH GIÁ
3.2
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút du khách Australia đến Huế

Thừa Thiên Huế cùng 2 tỉnh, thành là Đà Nẵng và Quảng Nam đang đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam và Australia, đặc biệt là kết nối giữa thị trường khách du lịch Australia với miền Trung Việt Nam. Thông qua việc tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu thương hiệu du lịch “Miền di sản diệu kỳ - Amazing Central Vietnam Heritage” đến với Australia, kỳ vọng sẽ thu hút khách từ thị trường tiềm năng lớn này đến miền Trung Việt Nam nói chung và Huế nói riêng.

Thu hút du khách Australia đến Huế
Du khách đồng hành cùng thành phố xanh

Huế nổi tiếng là một thành phố xanh của Việt Nam và đang lan tỏa rất tốt phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”. Nhiều du khách cho rằng, cùng với người dân Huế, họ có thể đồng hành làm thương hiệu thành phố xanh thêm vang xa gắn với phát triển du lịch.

Du khách đồng hành cùng thành phố xanh

TIN MỚI

Return to top