|
Diễu hành xe cổ qua cầu Trường Tiền |
Kết nối sớm, nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng
So với các địa phương trong cả nước, liên kết du lịch các tỉnh miền Trung được quan tâm từ rất sớm. Sau khi hai di sản ở Quảng Nam là đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12/1999, ý tưởng về mô hình liên kết để phát triển du lịch tại các tỉnh miền Trung đã được ra đời.
Dấu mốc cho mối liên kết này rõ nhất là từ năm 2002, khi ông Paul Stoll, Tổng Giám đốc Furama Resort ở Đà Nẵng đề xuất với Tổng cục Du lịch Việt Nam một chương trình mang tên “Con đường di sản thế giới”. Chương trình này nhằm liên kết các điểm du lịch ở 3 địa phương: Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, tạo thành một sản phẩm du lịch chung, có khả năng thu hút du khách, khai thác hiệu quả hơn tài nguyên du lịch ở 3 địa phương và góp phần phát triển du lịch bền vững ở miền Trung.
Thời điểm ấy, dưới mong muốn cùng mang lại những lợi ích lâu dài, đề xuất của ông Paul Stoll được lãnh đạo ở 3 địa phương ủng hộ và được Tổng cục Du lịch đồng ý cho triển khai từ năm 2003, với tên gọi “Con đường di sản miền Trung”. Thực tế, tour du lịch này đã trở thành thương hiệu một thời của du lịch miền Trung, không chỉ góp phần thúc đẩy du lịch ở các địa phương trên, mà còn tạo sức hút với nhà đầu tư nước ngoài.
|
Huế có nhiều điều để khám phá trong tour “Con đường di sản miền Trung” |
Năm 2003, sau khi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, tour du lịch “Con đường di sản miền Trung” được nối dài đến Quảng Bình. Liên kết du lịch đã tạo ra nhiều động lực phát triển cho du lịch 5 tỉnh miền Trung. Đáng trăn trở là từ năm 2014 trở đi, xu thế liên kết để phát triển du lịch ở khu vực miền Trung có những dấu hiệu lắng dần, dù trong các hội nghị về du lịch của khu vực, vấn đề liên kết giữa các địa phương để cùng phát triển du lịch luôn được đưa ra trao đổi.
Trò chuyện với các doanh nghiệp, nhiều đơn vị cho rằng, liên kết giữa các địa phương trong việc phát triển du lịch ở miền Trung trong nhiều năm qua mới chỉ diễn ra ở cấp độ chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội du lịch… còn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ vẫn chưa thực sự bắt tay liên kết để tạo ra những sản phẩm du lịch chung cho toàn vùng. Điều này đã dẫn đến thực trạng dù kết nối sớm và có hiệu quả, nhưng chưa đạt được kỳ vọng.
Tuy những năm gần đây, mối liên kết giữa các địa phương có những chuyển biến tích cực hơn. Tại hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 17 (ITE HCMC 2023), ngành du lịch 5 tỉnh, thành đã gắn kết trong một gian hàng chung “5 địa phương một điểm đến” nhằm giới thiệu những thế mạnh, chương trình, sản phẩm du lịch đặc sắc của 5 tỉnh/thành phố trong khối liên kết (từ Quảng Nam đến Quảng Bình)… Song, để liên kết này hiệu quả hơn, vẫn cần nhiều giải pháp.
Làm mới và bổ sung thêm sản phẩm
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, trên nhiều bàn nghị sự, câu chuyện liên kết, phát huy hiệu quả liên kết “Con đường di sản miền Trung” rất được quan tâm. Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, tiềm năng du lịch Thừa Thiên Huế nói riêng, 5 tỉnh miền Trung nói chung rất lớn, nhưng làm sao để khai thác hiệu quả là vấn đề cần nghiên cứu kỹ.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có 7 di sản được UNESCO vinh danh; là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền, địa hình của Việt Nam. Song, để du lịch Thừa Thiên Huế nói riêng, các tỉnh, thành miền Trung nói chung phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới, cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đi vào thực chất với các tỉnh lân cận, đặc biệt là liên kết 5 địa phương: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, có sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư để hình thành các tour tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị Thừa Thiên Huế trong mối liên kết hợp tác với Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng và Quảng Nam xem xét khôi phục tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” - một sản phẩm đã từng tạo nên thương hiệu của du lịch miền Trung, đã được khởi động từ cách đây 20 năm. Hướng phát triển tới là nên làm mới và bổ sung thêm sản phẩm, dịch vụ để tăng tính độc đáo, phù hợp trong bối cảnh mới.
Việc mở tour hay xây dựng sản phẩm, giới thiệu du lịch miền Trung không chỉ là nỗ lực tự thân đơn lẻ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch hay của riêng doanh nghiệp, mà cần một sự hợp lực, thậm chí là có sự hy sinh vì mối lợi chung.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu dịch vụ & du lịch lữ hành quốc tế Đệ Nhất (Fimexco) tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch miền Trung cần phải tính tới sự liên kết. Không chỉ bàn nhiều trong các hội nghị mà cần triển khai trên thực tế, gỡ bỏ những lực cản vì tính cục bộ địa phương.