|
Tình trạng chèo kéo, đeo bám làm khách du lịch không thoải mái |
Con sâu làm rầu nồi canh
Ngang qua trước bến xe Nguyễn Hoàng (TP. Huế) một ngày trong tháng 12/2023, chúng tôi bắt gặp người đàn ông chạy xe máy, đầu không đội mũ bảo hiểm áp sát một xe ô tô biển số ngoại tỉnh của du khách. Khi lái xe hạ kính ô tô, người đàn ông bắt đầu có hành vi chèo kéo, thực hiện hành vi cò mồi, giới thiệu, hướng dẫn và “câu” khách đến với dịch vụ của mình.
Trước đó không lâu, chúng tôi cũng gặp một du khách vừa xuống bãi đỗ xe ở gần khu vực Đại Nội thì lập tức một nhóm bán hàng lưu niệm ập tới liên tục mời mua nón lá, quà lưu niệm. Dù du khách này lắc đầu, trả lời lịch sự: “Để tôi đi tham quan đã”, nhưng nhiều người trong số đó vẫn đi theo chèo kéo, mời khách mua. Gương mặt khách hiện rõ vẻ bực bội, không thoải mái vì nạn chèo kéo.
Nhiều du khách cảm thấy phiền lòng. Anh Nguyễn Thế Vĩnh, một du khách từ TP. Hồ Chí Minh kể: “Mới đây, mình ra Huế du lịch và vào một quán ăn ở TP. Huế. Rất ức chế vì nhiều trường hợp hàng rong, hát rong làm ảnh hưởng đến khách. Biết là họ mưu sinh, mình nhẹ nhàng từ chối nhưng thái độ của họ đeo bám và khi mình không mua thì tỏ ra rất bất lịch sự”.
|
Tình trạng chèo kéo, đeo bám gây phiền hà cho du khách |
Những “hạt sạn” của du lịch xảy ra ở rất nhiều địa phương trong cả nước. Tại Huế, từng có nhiều phản ánh về việc trên địa bàn TP. Huế xuất hiện các đối tượng cò mồi, chèo kéo, tranh giành khách mua hàng hóa, dịch vụ. Thậm chí, khi du khách đang nghe hướng dẫn viên giới thiệu về điểm di tích thì bị can thiệp... làm gián đoạn, rút ngắn thời gian du khách tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch để sử dụng các dịch vụ của cò mồi đã liên kết, định sẵn... Từ đó, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, môi trường du lịch cũng như nhận định không đúng về các điểm di sản, di tích.
Trước phản ánh của du khách và người dân, lực lượng chức năng tỉnh đã tổ chức nhiều đợt truy quét, xử lý và môi trường du lịch dần được cải thiện. Song, trên thực tế thì vẫn chưa loại bỏ triệt để những “hạt sạn” trong du lịch. Chia sẻ tại hội nghị đánh giá công tác phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch năm 2023, đại diện Công an tỉnh cho rằng, dù môi trường du lịch dần được cải thiện ngày càng trong sạch hơn, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải làm trong thời gian tới. Cụ thể, môi trường du lịch vẫn còn xảy ra tình trạng cò mồi, đeo bám, chèo kéo khách du lịch; bán hàng không đúng nơi quy định; thu đổi ngoại tệ trái phép; hát rong; ăn xin đã gây phản cảm với du khách… Bên cạnh đó, tình hình trật tự công cộng, an toàn giao thông chưa thực sự đi vào nề nếp, các phương tiện vận tải du lịch dừng, đỗ đón trả khách, hàng hóa chưa đúng nơi quy định; chất lượng dịch vụ xích lô du lịch còn hạn chế; người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh… Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ chưa thực hiện nghiêm túc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Để du lịch phát triển bền vững
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thời gian qua, chính quyền địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp để thu hút đầu tư, xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện… để hút khách. Tuy nhiên, một vấn đề phải được quan tâm thường xuyên, liên tục là “nhặt sạn” để du lịch phát triển bền vững.
Những “hạt sạn” trong du lịch như đã nói xảy ra bất kỳ ở địa phương nào. Nhưng, không vì thế mà câu chuyện loại bỏ những “hạt sạn” trong du lịch dừng lại. Thậm chí, phải thực hiện đồng bộ giải pháp và quyết liệt hơn bằng những chế tài đủ sức răn đe. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, chính quyền địa phương và ngành du lịch cũng rất trăn trở về những vấn đề tồn tại trong ngành du lịch và luôn tìm nhiều giải pháp khắc phục để khẳng định Huế luôn là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, những người làm du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch, công an và các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hóa phục vụ khách du lịch như chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, kiểm soát giá, cân gian, cân thiếu… để chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Cố đô. Đồng thời, lực lượng công an xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án trấn áp tội phạm, truy quét, đẩy đuổi, xử lý nghiêm các trường hợp làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch.
Năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu thu hút 3,5 - 4 triệu lượt khách. Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần cũng là dịp nhiều người đi du lịch. Đó vừa là cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn những vấn đề phát sinh trong môi trường du lịch. Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch khẳng định, ngành du lịch đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch, trong đó hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình vụ việc xảy ra liên quan đến khách du lịch; hoạt động của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật; phối hợp nhịp nhàng trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra trên lĩnh vực du lịch…