|
Ngôi mộ vị khai sinh họ Thân tại làng An Lỗ. |
Thì ra lịch sử đã ghi từ đầu đời nhà Lý, có ngài Giáp Thừa Quý, dân tộc Tày, trấn giữ vùng đất phên dậu cực Bắc non sông, có công đánh giặc ngoại xâm, được vua Lý Thái Tổ kén làm Phò mã và ban đặc ân đổi sang họ “Thân” (Do viết theo Hán tự, chữ “Thân” chỉ khác chữ “Giáp” một chút: nét sổ thẳng nhô lên trên chữ “điền”). Và dòng họ Thân đã có ba đời liên tiếp làm Phò mã nhà Lý. Vì thế, cuối năm nay, nhân ngày giỗ Tổ, lễ kỷ niệm 1.000 năm họ Thân sẽ được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, nơi có bia khắc câu nói bất hủ của tiến sĩ Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
Còn An Lỗ là nơi ngài Thân Đại Lang, thuỷ tổ họ Thân tại Thừa Thiên Huế vào khai canh lập làng, khi nhà Trần mở cõi về phương Nam. 700 năm đã qua từ ngày ấy…
Một sự trùng hợp tình cờ ngẫu nhiên mà lý thú: Cuộc toạ đàm kỷ niệm 1.000 năm họ Thân nhân ngày giỗ Tổ họ Thân tại Thừa Thiên Huế (10/7 âm lịch) lại trùng vào ngày 19-8.
Trong tiến trình lịch sử của vùng đất Thuận Hoá, của cả dải đất Việt, họ Thân đã có những đóng góp không nhỏ với nhiều danh nhân nổi tiếng. Tiêu biểu hơn cả là gia đình nhà văn hoá lỗi lạc Thân Nhân Trung (1418-1499), ba đời liên tục có 4 người đậu tiến sĩ; ông từng giữ chức Thượng thư Bộ Lại, Phó soái Hội Tao Đàn thời vua Lê Thánh Tông, là người được chọn viết bài văn trên tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu - Hà Nội với câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” trở nên bất hủ và càng có giá trị trong công cuộc phát triển đất nước.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, gia đình tiến sĩ Thân Khuê (1593-1638), quê làng Phương Độ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, ba đời liên tục đều đỗ tiến sĩ và là nhà ngoại giao…
Ở Huế, nổi tiếng hơn cả có lẽ là gia đình Thân Văn Nhiếp, Thân Trọng Huề. Cả hai ông đều làm quan vào thời thực dân Pháp xâm lược. Thân Văn Nhiếp (1804-1872) từ khi được cử làm Bố Chánh Quảng Nam (1858) cũng như khi giữ chức Thị Lang Bộ Binh, Hiệp tán quân thứ Biên Hoà, mặc dù triều đình và một số quan lại muốn “chủ hoà”, ông vẫn tìm mọi kế sách chặn bước quân xâm lược.
Ông Trần Thân Mỹ, nguyên Trưởng Phòng Văn hoá TP Huế, đã viết về tài thao lược của Thân Văn Nhiếp như sau: “Tránh đối đầu với sức mạnh buổi đầu và vũ khí tối tân của giặc, buộc chúng phải đánh lâu dài, ông đã vận động nhân dân làm vườn không nhà trống, sơ tán khỏi các làng ven biển Hoà Vang để cô lập, triệt nguồn tiếp tế lương thực của địch, làm chướng ngại vật ngăn đường sông… đề phòng tàu chiến địch tiến vào Hội An. Khắp nơi, những đội dân quân được thành lập, tiến hành đánh địch theo quy mô nhỏ, bằng thuyền nhỏ, tập kích tiêu hao sinh lực địch…”. Nhờ thế, sau 5 tháng tiến công, địch không lấn thêm được bước nào và chúng đã chuyển hướng cuộc chiến vào Nam Bộ. Tại đây, ông cũng đã đem hết khả năng của mình, kể cả việc huy động đội nghĩa binh riêng, chống giặc cho đến lúc Triều đình Huế ký thoả ước cắt nhượng 3 tỉnh Nam Bộ cho Pháp.
Noi gương thân phụ, Thân Trọng Huề (1869-1925), từng giữ chức Thượng thư Bộ học kiêm Bộ Binh, đã có công góp phần thúc đẩy việc cải cách thi cử, trọng thực học; đặc biệt, ông đã buộc nhà đương cục Pháp phải ký vào văn kiện lịch sử công nhận lãnh thổ Việt Nam bao gồm quần đảo Hoàng Sa mà gần đây, chúng ta vừa tìm được bản gốc để công bố trước thế giới thêm một bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này. Là người thông thạo cả Hán văn lẫn Pháp văn, ông là một trong những thành viên sáng lập Hội Khai trí tiến đức ở Hà Nội (1919), tham gia viết trên nhiều tờ báo như Đông Dương tạp chí, Trung Bắc Tân văn, Nam Phong tạp chí… đề xuất nhiều cải cách về văn hoá-xã hội, vạch trần tệ tham nhũng của quan lại đương thời…
Cùng một thế hệ, bà con ở Huế hay nhắc đến Phò mã Thân Trọng Di (1825-1885) không chỉ vì ông có vợ là nhà thơ - công chúa Mai Am (con vua Minh Mạng) mà còn vì ông đã chứng tỏ tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm bằng việc rời bỏ kinh thành Huế, đi theo vua Hàm Nghi và không may đã mất tích trong hành trình gian nan tìm nơi lập căn cứ chống Pháp lúc đó.
Gần gũi hơn với giai đoạn lịch sử hiện đại, họ Thân có quyền tự hào với những tên tuổi như bác sĩ Thân Trọng Phước (1902-1960), người bạn thân thiết của học giả Đào Duy Anh. Là một trí thức sớm đến với cách mạng, từ lúc làm ở bệnh viện Vinh, ông là một trong những thành viên sáng lập và là thủ quỹ (mà thực chất là người chủ yếu cung cấp chi phí cho tổ chức) Đảng Tân Việt. Sau này, khi vào Huế, trong hoàn cảnh phải sống ở vùng địch tạm chiếm, ông đã đến với Đảng Cộng sản, sinh hoạt trong “Chi bộ trí thức” (mà có người gọi là “chi bộ xa-lông” với một số nhân vật nổi tiếng khác ở Huế như bác sĩ Lê Khắc Quyến, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, GS. Tôn Thất Dương Kỵ… Nhờ mở được một phòng khám riêng, ông đã trực tiếp giúp đỡ nhiều đồng chí hoạt động bí mật trong thành phố, từ chỗ hội họp, tiếp tế thuốc men và cứu chữa người bị thương; hàng tuần ông dành ngày chủ nhật khám bệnh miễn phí cho người dân nghèo… Anh hùng Thân Trọng Một thì càng nổi tiếng với những chiến công lẫy lừng suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhà văn Nguyễn Quang Hà đã viết cả một cuốn sách về ông (“Thân Trọng Một - con người huyền thoại”) vẫn chưa kể hết những “chuyện lạ” về ông…
Một dòng họ trải ngàn năm, khó có thể kể hết những con người đã làm nên sự nghiệp để đời. Chỉ xin nhắc thêm một nhân vật không hẳn là “nổi tiếng”, đó là Thân Trọng Ninh, thầy giáo dạy sinh vật, dạy tiếng Pháp, tận tuỵ với cả những nhóm nhỏ học sinh ở vùng quê. Ông trở thành nhà nhiếp ảnh “tình cờ” đã “chộp” được những bức ảnh quý giá trong thời khắc lịch sử: Ngày tiếp quản Thủ đô Hà Nội 10-10/1954. Ngày họp mặt toạ đàm “1.000 năm họ Thân” cũng là ngày ra mắt Quỹ Khuyến học họ Thân. Bảy cậu tú, cô tú vừa đỗ vào đại học năm nay đã được lĩnh học bổng. Cùng với ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh và hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Thân Trọng Ninh đã trực tiếp trao học bổng cho các cử nhân tương lai.
Trong bầu không gian đầy ắp chứng tích và lòng ngưỡng mộ các danh nhân họ Thân đã góp phần viết nên những trang sử vàng của đất Việt, ngắm nhìn những gương mặt trẻ trung, sáng sủa của các cô tú, cậu tú sắp bước vào giảng đường đại học, tôi nghĩ đến sự trường tồn của một dòng họ danh tiếng và sự trường tồn của dân tộc. Và tôi lại thầm nhắc câu nói bất hủ của tiến sĩ Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”…
Nguyễn Khắc Phê
(Theo tài liệu của cuộc Tọa đàm “1.000 năm họ Thân”)