ClockThứ Bảy, 22/01/2011 09:38

Cuộc du xuân của vua Đồng Khánh

TTH - Mỗi độ xuân về, vạn vật đổi mới. Con người cùng với đất trời hòa chung một niềm vui tươi. Vẻ khởi sắc của thiên nhiên cuốn hút nội tâm hướng ra ngoại cảnh. Người ta hòa mình vào không gian mở rộng chung quanh để thưởng thức vẻ đẹp của nó. Nhịp điệu sinh hoạt ấy là một sự hài hòa tự nhiên mang tính văn hóa.

Xuân du phương thảo địa,
Hạ thường lục hà trì,
Thu ẩm hoàng hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyêt thi
(Thơ cổ)

Từ ngàn xưa, ở Đông phương, du xuân quả là một sinh hoạt văn hóa của thường dân cũng như của vua chúa. Tại nước ta, vào thời nhà Lê đã có lệ vua ngư du xuân trong ngày đầu năm. Qua thời các vua đầu triều Nguyễn, không thấy sử sách nói đến sinh hoạt văn hóa cung đình này. Nhưng, đến thời Đồng Khánh (1886-1888) thì lại bắt đầu tổ chức cuộc lễ Du xuân. 

 

Một đoàn Ngự đạo ngày xưa ở kinh đô Huế

Khi thất thủ kinh đô (5-7-1885), vua Hàm Nghi xuất bôn và phát động phong trào Cần Vương chống Pháp. Hơn 2 tháng sau, chính quyền thực dân đưa vua Đồng Khánh lên ngồi trên chiếc ngai vàng bỏ trống ở Huế. Bấy giờ, có dư luận lan truyền khắp kinh đô cho rằng vị vua 22 tuổi đó đang bị người Pháp giam lỏng trong Hoàng cung.

Vào cuối năm ấy, đại diện chính phủ Pháp ở Huế là Thiếu tướng Prudhomme. Thay bằng ở Tòa Sứ nằm bên kia sông Hương, viên tướng này lại trú đóng ở Viện Thương Bạc gần trước cửa Thượng Tứ, có lẽ là để dễ bề kiểm soát vua quan nhà Nguyễn.

Để trấn an dư luận và đánh tan tai tiếng nói trên, Tướng Prudhomme đã “đạo diễn” ra cuộc Du xuân của vua Đồng Khánh nhân dịp Tết âm lịch nắm ấy (1886). Mục đích là để thuyết phục dân Huế rằng nhà vua không phải đang bị giam hãm, mà ngược lại, vẫn được tự do đi chơi thoải mái. Nhưng, động tác giả này chẳng thuyết phục được mấy ai.

Có khá nhiều tài liệu bấy giờ đề cập đến sự kiện lịch sử này. Sách “Đại Nam thực lục” đã nói đến cuộc du xuân của vua Đồng Khánh với một tinh thần “thỏa hiệp” như sau:

“Buổi chiều hôm ấy [ngày mồng một Tết], vua giá ngự chơi xuân. Trước đây, Phó Đô thống [Prudhomme] trình bày rằng: Quí đại thần phụng mệnh quí quốc đến bảo hộ nước ta, từ bấy đến nay, tình nghĩa thân mật. duy vua, tôi chia cách, chưa đủ tỏ lòng tin nhau. Nay gặp Hoàng thượng nhân đầu xuân đi chơi, sĩ dân đều mừng vui tươi; quí đại thần xin đem hết quan quân và phường nhạc Pháp theo đi hộ giá, để tỏ sự tôn kính, và khiến nhân dân nước ta đều biết lòng thực của quí quốc bảo hộ” (Bản dịch của Viện Sử học, tập XXXVII, trang 101).

Các sách báo Pháp đương thời đã ghi chép về cuộc du xuân ấy một cách đầy đủ hơn. Trong Bulletin des Amis du Vieux Hué có hai bài, trong báo Figaro có một bài tường thuật, và chính Tướng Prudhomme cũng có ghi lại sự kiện ấy trong một quyển sách do ông viết. xin tổng hợp các thông tin trong các tư liệu đó lại một cách vắn gọn như sau:

Vào hôm 28 Tết, đã có những văn thư trao đổi qua lại giữa Tòa Sứ Pháp, Viện Cơ Mật và vua Đồng Khánh về việc tổ chức cuộc lễ Du xuân. 

 

Vua Đồng Khánh năm 1886 (ảnh tư liệu của tác giả)

Như chương trình đã thỏa thuận trước, đến ngày mồng một Tết năm Bính tuất (4-2-1886), vào lúc 2 giờ rưỡi chiều, vua Đồng Khánh từ điện Càn Thành ngự ra điện Cần Chánh. Tất cả các thành phần tham gia trong đoàn Ngự đạo đã chờ sẵn tại khu vực này. Sau 7 phát súng lệnh bắn ra trên Kỳ Đài, đoàn Ngự đạo đi ra khỏi Đại Nội bằng cửa Đại Cung Môn của Tử Cấm Thành, rồi Cửa Ngọ Môn của Hoàng Thành. Vua ngồi trên kiệu sơn son thếp vàng do đội lính Loan giá gánh đi. Quanh kiệu mở thoáng để cho dân chúng nhìn thấy long nhan. Mọi thành viên trong đoàn đều mặc lễ phục, và mọi thứ, kể cả voi ngựa, đều được trang sức rực rỡ.

Đầu đoàn Ngự đạo là 2 con voi và 2 con ngựa. Kế đó là một ban quân nhạc và một đội lính Pháp. Thứ đến là một ban nhạc của triều đình, rồi các quan lại mang kiếm, những người cầm lọng, đồ nghi trượng, quạt vả, phất trần…

Kiệu vua đi giữa đoàn Ngự đạo. Bên phải kiệu vua là Thiếu tướng Prudhomme và bên trái là Đại tá Brissaud, cả hai đều cưỡi ngựa. Ngay sau đó là những người thổi kèn “clarinette”, rồi đến các Hoàng thân, các vị Thượng thư, các quan chức Tòa Sứ, các sĩ quan Pháp, các hàng quan lại Nam triều, rồi đến nhiều người cần khí giới, cờ xí… Cuối đoàn Ngự đạo là 6 con voi và một đội lính Pháp.

Ra khỏi Ngọ Môn, đoàn Ngự đạo rẽ trái, đi về phía Lục Bộ (theo đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay), và ra ngoài Kinh Thành bằng cửa Đông Ba. Đoàn đi qua cầu Đông Ba, nhưng voi thì phải lội qua sông, vì cầu bấy giờ còn làm bằng gỗ. Đoàn đi ngang qua trước chùa Diệu Đế, rồi đổi hướng trở về bằng cầu Gia Hội để tiếp tục tiến lên phía cửa Thượng Tứ. 

 

Đoạn giữa một đoàn Ngự đạo trước Ngọ Môn (ảnh chụp năm 1936)

Khi đến Viện Thương Bạc, nhà vua xuống kiệu để vào thăm xã giao quân dinh của Tướng Prudhomme. Để chào đón nhà vua, 21 phát đại bác được bắn ra từ một pháo thuyền đậu gần đó trên sông Hương. Một bữa tiệc đã được dọn sẵn. Mọi người, cả tây lẫn ta, từ vua quan đến lính tráng, đều ăn uống vui vẻ. Đến lúc 5 giờ chiều thì buổi tiệc kết thúc. Đoàn Ngự đạo trở vào trong thành bằng cửa Thể Nhơn (nay thường gọi là cửa Ngăn), rồi vô lại Đại Nội bằng cửa Ngọ Môn. Trên Kỳ Đài bắn 3 phát súng lệnh để báo hiệu cuộc lễ Du xuân đã hoàn tất.

Về phía dân chúng thì chiều hôm ấy, làm theo lệnh do phủ Thừa Thiên thông báo trước, mọi người ở mọi nhà, mọi cửa hiệu cũng như đền chùa thuộc các con đường đoàn Ngự đạo đi qua, đều thiết lập hương án, trang hoàng đẹp đẽ, treo cờ, lên đèn, thắp hương trầm, vái lạy và đốt pháo để chào mừng nhà vua.

Từ buổi Du xuân của vua Đồng Khánh năm ấy, các thời vua kế tiếp sau đó là Thành Thái (1889-1907), Duy Tân (1907-1916) và Khải Định (1916-1925) đều có tổ chức những cuộc lễ Du xuân tương tự. Nhưng dù sao, cuộc Du xuân ấy của vua Đồng Khánh cũng không còn giữ được tính văn hóa truyền thống nữa mà đã mang nặng màu sắc chính trị. Đây là một sự kiện đánh dấu những ngày tháng đầu tiên của thời kỳ chủ quyền Việt Nam lọt vào tay Pháp sau khi kinh đô thất thủ.

Phan Thuận An ( Theo tủ sách nhớ Huế)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top