ClockThứ Sáu, 16/07/2010 16:06

Đính chính hoa mai

TTH - Vào thời Trung đại ở Việt Nam có nhiều bài thơ dùng biểu tượng hoa mai như một ẩn dụ về “nhân cách kẻ sĩ”. Sinh thời, Chu Thần Cao Bá Quát viết: Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa: Mười năm xuôi ngược tìm gươm báu/ Một đời chỉ cúi lạy hoa mai). Xưa nay, người đời sau, với một “tập quán ngữ nghĩa” đều lãnh hội cái nghĩa “mai hoa” của câu trên là hoa mai vàng (loài hoa mai mà chúng ta thường thấy mỗi độ xuân về).

Và dĩ nhiên, sự liên tưởng đến cây mai vàng trong những câu thơ như thế đã thành một cách hiểu “truyền thống”. Nhưng kỳ thực, trong văn chương thời Trung đại, cây mai, hoa mai được đề cập đến hoàn toàn không liên quan gì đến cây mai vàng cả. Do vậy, thiết tưởng cũng cần đính chính về hoa mai trong thơ văn xưa. Thực tế, có trên 200 loại mai khác nhau, nhưng để tập trung, chúng tôi chỉ đề cập đến hai loại mai liên quan đến nội dung bài viết mà thôi.

Thứ nhất, tra cứu Từ điển Hán Việt thì có thể thấy chữ “mai” được “định tính” rất rõ: đó là cây mơ, đầu xuân nở hoa, có hai màu trắng và đỏ. Thứ mai trắng nở hết hoa rồi mới nẩy lá, có quả chua (Thiều Chửu, Từ điển Hán Việt, Nxb. TP.HCM, tr. 295).
 
Thứ hai, tra cứu các loại sách khoa học về giống cây trồng thì cũng có thể thấy được diễn biến tương tự. Cây mai có tên khoa học là Prunus mume S.et Z thuộc họ mơ; cây mai vàng có tên khoa học là Ochna harmandii Lee thuộc họ hoàng mai (Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb.KHKT, Hà Nội, 1986, tr.706). Cũng theo tác giả Đỗ Tất Lợi trong bài viết Cây mơ, cây mai dưới con mắt người làm công tác khoa học (in trên Báo Nhân dân, ngày 22/2/1983) thì, người Việt chỉ biết đến cây mai vàng (hoàng mai) chỉ khoảng 300 năm nay.
 
Từ rất lâu, trong Cáo tật thị chúng, Mãn Giác Thiền sư (1052-1096) từng viết: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai).
 
Mãn Giác Thiền sư sống ở đất Bắc vào đời Lý Thái Tông khoảng niên hiệu Thông Thụy (1034-1038). Xét về không gian, thì ở miền Bắc không có mai vàng (ngay cả đến bây giờ, dù có áp dụng những tiến bộ kỹ thuật cũng khó mà ép cây mai vàng nở hoa trong khí hậu của vùng địa lý này). Xét về thời gian, thì bấy giờ, Việt Nam chưa xuất hiện giống mai vàng. Do vậy, Mãn Giác Thiền Sư không bao giờ “có cơ hội” trông thấy cây mai vàng để viết về loài hoa Ochna harmandii Lee này được. Và dĩ nhiên: Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (Đêm qua sân trước một nhành mai) chính là nhất chi mai thuộc họ mơ, đó là loài Prunus mume S.et Z.
 
Sự ngộ nhận trên ắt hẳn liên quan những dịch giả, mà quá trình dịch các bài thơ chỉ nói đến cái cây mai, hoa mai chung chung. Trên tất cả các bài thơ thời Trung đại chữ “mai” chỉ xuất hiện với tư cách đơn lẻ: nhất chi mai (Mãn Giác Thiền sư); bái mai hoa (Cao Bá Quát); kiến mai hoa (Miên Thẩm); ức mai(Mai Am) v.v. Trong khi đó, muốn hiểu là mai vàng thì chắc chắn phải có một tính từ màu sắc ở trước là hoàng mai. Còn chỉ là mai thôi, không thể hiểu thành mai vàng được!
 
Thứ ba, thử xét, bản chất của cây mai (hàn mai) - Prunus mume S.et Z- là gầy guộc, mảnh mai, trong sương tuyết, phong ba vẫn trổ hoa, nẩy lộc (điều mà chắc chắn loài mai vàng không có). Nó là biểu thị cho sức sống, cho khát vọng, cho ý chí, vì vậy, cây mai còn là đại diện của chữ nhẫn và chữ dũng.
 
Thứ nữa, cây mai trong văn chương đã trở thành một biểu tượng thẩm mỹ có tính truyền thống của các nước đồng văn như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hoa mai trong thơ cổ nước ta và nhiều quốc gia khác ở Á Đông, chính là hoa mai màu trắng.
 
 
Trong thơ văn, cây mai được đề cao do hình ảnh của nó tuy mảnh mai, gầy guộc, mong manh, hoa có hương thơm dịu dàng nhưng luôn chịu được gió tuyết để nở hoa, nào là mình hạc, xương mai; mai cốt cách, tuyết tinh thần v.v. Xin điểm qua bằng một vài ví dụ.
 
- Lư Mai Pha, một thi nhân đời Tống (T.Q), đã so sánh mai và tuyết qua hai câu:
Mai tu tốn tuyết tam phân bạch
Tuyết khước thâu Mai nhất đoạn hương
(Mai nên nhường tuyết ba phân trắng
Tuyết phải thua mai một bậc thơm).
 
- Thi hào Nguyễn Trãi từ thế kỷ XV đã có 8 bài “Ngôn chí” đề cập đến hoa mai với những câu như: Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng (Ngôn chí 2); Thưởng mai, về đạp bóng trăng (Ngôn chí 15) v.v.
- Thi hào Nguyễn Du viết:
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen.
 
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du, mai đã xuất hiện đến 15 lần, mà quá nửa là mỹ từ: sân mai, song mai, trướng mai, tiên mai, giấc mai, hồn mai...
 
Lại xét, hai câu đã nêu ở phần đầu của Cao Bá Quát, ta thấy, một người ngạo nghễ bậc nhất, xem uy quyền nhẹ như lông hồng như Chu Thần mà gập mình, cẩn trọng để “một đời chỉ cúi lạy hoa mai”. Không lẽ họ Cao lại cúi lạy “mai vàng” (?) Chắc là không rồi, ở đây Chu Thần chỉ cúi lạy cái khí tiết không khuất phục phong ba của loài hàn mai mà thôi, cái loài mai đã là biểu tượng thẩm mỹ chung với những lý do giải thích được của các nước đồng văn vậy. 
 
Đó là loài mai mà hiện còn một cây « dáng vẻ cổ thụ » trong chùa Gò ở Phú Lâm (Tp. HCM). Theo các nhà khoa học, chính cây mai này đã khơi nguồn cảm hứng cho Trịnh Hoài Đức (1725-1825) và nhóm bằng hữu của ông viết nên tập "Mộng mai đình". Cây mai này cũng là biểu tượng của Thi xã Bạch Mai quy tụ nhiều tên tuổi ở Nam Bộ bấy giờ như: Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường, Trần Thiện Chánh, Hồ Huấn Nghiệp, Huỳnh Mẫn Đạt...
 
Cuối cùng xin đơn cử thêm một ví dụ ngoài văn chương để thuyết minh thêm cho sự liên quan giữa mai, nhằm hiểu thêm về loài hàn mai trong văn học Trung đại. Ở Hà Nội, có Phố Bạch Mai mà cuối phố này cái chợ có lẽ đã sinh ra được vài trăm năm, nguyên nó chỉ là cái chợ của mấy làng mơ. Đó chính là Chợ Mơ, nơi kết thúc phố Bạch Mai. Điều này giải thích sự liên hệ giữa Phố Bạch Mai và chợ Mơ đều liên quan đến cây mai có tên khoa học là Prunus mume S.et Z thuộc họ mơ vậy (Bạch Mai - mai trắng và Chợ Mơ - khu chợ vốn trước đây bán quả mơ).
 
Cuối cùng, xin nói rõ, người viết bài này không có ý mạo phạm đến cây hoa mai vàng, tự thân loài mai này cũng đã toát lên vẻ đẹp uyên nguyên của nó. Nhưng cái gì của Ceza ắt hẳn phải trả lại cho “khổ chủ”, đó là công bằng, công bằng với lịch sử thẩm mỹ và văn chương. Có thể ai đó sẽ thất vọng vì lâu nay đã quá “thần tượng” về loài mai vàng trong cách nghĩ của mình, nhất là những liên tưởng trong văn chương, nhưng cũng không cách nào khác, phải công bằng cho một biểu tượng thẩm mỹ vốn đã bị ngộ nhận từ rất lâu.
 
Nguyễn Phước Hải Trung
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top