|
GS Lê Văn Lan |
Trao đổi với chúng tôi tại buổi làm việc ở Huế,GS Lê Văn Lan khẳng định: Với “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, lần đầu tiên, chúng ta có một sản phẩm du lịch xuyên thời gian, trải dài trên một địa bàn rộng lớn và suốt chiều dài lịch sử đất nước. Khởi đầu là kinh đô Văn Lang ở Phú Thọ, từ thế kỷ 7 trước công nguyên, đến Cổ Loa ở ngoại thành Hà Nội từ thế kỷ 3 trước công nguyên. Rồi đến cố đô Hoa Lư ở Ninh Bình từ thế kỷ 10 sau công nguyên; Thăng Long ở Hà Nội thế kỷ 11; Tây Đô-Lam Kinh ở Thanh Hóa từ thế kỷ 14-15. Tiếp nối là Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An thế kỷ 18 và cuối cùng là cố đô Huế từ thế kỷ 19.
Thưa giáo sư, du khách có thể khám phá những gì qua hành trình du lịch đặc biệt này?
Có thể ví nó như một cuộc phiêu lưu qua các không gian văn hóa cổ. Không chỉ có sự hưởng thụ phong cảnh, không gian văn hóa làng quê. Đó sẽ là cuộc khám phá văn hóa kinh kỳ, văn hóa bác học chốn đô thị. Gắn với mỗi kinh đô, là một giai đoạn lịch sử của đất nước. Một Văn Lang với thời kỳ dựng nước huy hoàng, là trung tâm chính trị, kinh tế lớn bậc nhất của nước ta dưới thời các vua Hùng. Một Hoa Lư với hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau khởi nghĩa. Một Thăng Long-Đông Đô với tên tuổi Lý Công Uẩn. Là Lam Kinh với những chính sách cải cách đột phá dưới thời Hồ Quí Ly. Hay một Phượng Hoàng Trung Đô gắn với tầm chiến lược thiên tài của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ. Rồi cố đô Huế, với bao thăng trầm, thành tựu và cả những ẩn số lịch sử gắn với triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam…
Sau những chuyến khảo sát bước đầu cho hành trình du lịch này, giáo sư thấy có điều gì đáng lưu ý?
Điều thú vị là chúng tôi đã phát hiện thêm được hai kinh đô cổ. Một là kinh đô Vạn An thời Mai Hắc Đế , khoảng thế kỷ 8 sau công nguyên tại Nghệ An và Phượng Hoàng Đô, thế kỷ 18 tại Bình Định. Điều bất ngờ là nền móng của Phượng Hoàng Đô lại chồng lên dấu tích một thành quách cổ, thời Chăm với hai nền văn hóa chồng lên nhau.
Điều đáng tiếc là qua thời gian, ngoài Kinh đô Phú Xuân ở Huế gần như còn nguyên vẹn, kiến trúc các kinh đô khác hầu như không còn gì. Ngay cả kinh đô Văn Lang, việc xác định vị trí chính thức của nó ở đâu cũng đã khó. Cho nên, vấn đề nghiên cứu, khảo cổ, trưng bày hiện vật, tư liệu là một cách. Rồi có những cái phải đầu tư phục hồi nhưng là phục hồi nguyên gốc, chứ không phải làm lại cái mới.
Có ý kiến cho rằng, “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” không đơn thuần là một tour du lịch. Nó còn là kênh giáo dục lịch sử, ý thức dân tộc cho các thế hệ Việt?
Việc xây dựng và tổ chức chương trình du lịch này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Là giá trị nhân văn, công lao của ông cha ta trong việc mở mang xây dựng và bảo vệ đất nước. Là củng cố niềm tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau và cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Nhưng giáo dục lịch sử là một vấn đề lớn và lâu dài. Muốn làm được, phải có phương pháp, tâm huyết. Đầu tư là một việc quan trọng, đôi khi có tính quyết định. Nhưng với những gì có tính lịch sử, cần phải đầu tư chất xám. Nhưng quan trọng hơn là phải biết thổi hồn vào lịch sử, để làm sao đem đến cho hậu thế cái sống động, cái hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo tính chân thực của lịch sử.
Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện.
Kim Oanh (thực hiện)